Văn hóa doanh nghiệp trong thời đại số: Cơ hội lớn để bảo tồn, lan tỏa những giá trị truyền thống

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Điện lực về việc phát huy truyền thống và lan tỏa văn hóa EVN trong thời đại số, Phó Trưởng ban Truyền thông EVN Nguyễn Văn Bình khẳng định: Công nghệ số đã mở ra nhiều cách thức để lan tỏa những giá trị về văn hóa, truyền thống, tạo ra tính hấp dẫn với phương thức tiếp cận dễ dàng và sự tương tác đa chiều thu hút CBCNV và cộng đồng.

Phóng viên (PV): Ông đánh giá thế nào về việc các tổ chức, doanh nghiệp ngày nay rất quan tâm đến việc lan tỏa truyền thống, văn hóa của mình trên nền tảng số?

Ông Nguyễn Văn Bình: Trong bối cảnh kinh tế - xã hội phát triển, các thành tựu về công nghệ của cuộc CMCN 4.0 được ứng dụng rộng rãi trên các lĩnh vực của đời sống, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức. Bên cạnh các không gian tương tác trực tiếp, việc ứng dụng công nghệ đã mở ra nhiều hình thức truyền tải, lan toả mới... Theo tôi, đây là xu hướng tất yếu và là cơ hội tốt để doanh nghiệp phát huy các giá trị truyền thống. EVN cũng đang nắm bắt cơ hội này để thúc đẩy hiệu quả công tác bảo tồn và lan tỏa truyền thống, văn hóa doanh nghiệp.

Về góc độ lưu giữ, việc nắm bắt, ứng dụng công nghệ tạo ra nhiều thay đổi mang tính “cách mạng”, nâng cao khả năng lưu giữ và quản lý thông tin, tạo cơ sở dữ liệu dùng chung thuận lợi, an toàn.

Khi có sự hỗ trợ của công nghệ, của nền tảng số, việc lan tỏa các giá trị văn hóa, giá trị truyền thống, lịch sử có thêm nhiều cách tiếp cận mới đến người xem. Dĩ nhiên, cũng có quan điểm cho rằng các hoạt động tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống của bất cứ ngành nghề, doanh nghiệp hay dân tộc nào theo phương thức truyền thống là rất hiệu quả. Tuy nhiên, theo tôi, nếu biết kết hợp giữa không gian trực tiếp và các hoạt động trực tuyến, có thêm sự hỗ trợ của công nghệ thì tính lan tỏa sẽ được cộng hưởng và nâng cao hơn rất nhiều!

PV: Đối với EVN, việc ứng dụng công nghệ vào lan tỏa truyền thống, văn hóa EVN được chú trọng như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Bình: Ngành Điện lực cách mạng Việt Nam với truyền thống 67 năm hình thành và phát triển, nên đã sở hữu một kho tàng các giá trị văn hoá hữu hình và vô hình cần được lưu giữ, bảo tồn và lan tỏa. EVN luôn rất chú trọng đến việc lan tỏa các giá trị truyền thống, văn hóa này đến toàn thể CBCNV, đặc biệt là thế hệ cán bộ trẻ. Đây cũng là công việc được lãnh đạo Tập đoàn qua các thời kỳ hết sức quan tâm, thực hiện có bài bản, có tính kết nối giữa các thế hệ.

Trong những năm gần đây, Tập đoàn cũng đã áp dụng nhiều công nghệ mới trong bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống, văn hóa EVN. Đơn cử như việc Nhà truyền thống ngành Điện lực Việt Nam đã xây dựng và hoàn thành từ năm 2014. Được xây dựng trên cơ sở kế thừa nội dung tư liệu, hiện vật của Nhà truyền thống cũ, Nhà truyền thống ngành Điện được kết cấu lại về bố cục, bổ sung nội dung và hiện vật trưng bày. Để thu hút người xem, năm 2017 Tập đoàn bổ sung áp dụng hình thức chiếu phim qua kính thực tế ảo và màn hình Panorama ngay tại khu vực đón tiếp trung tâm mang đến những trải nghiệm hấp dẫn cho người tham quan. Nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2019) Nhà truyền thống phiên bản điện tử bắt đầu khai trương và đưa vào sử dụng tại đường link https://nhatruyenthong.evn.com.vn tạo nhiều điều kiện cho CBCNV, gia đình, con em có thể tìm hiểu và tiếp cận về lịch sử ngành Điện từ xa. Các hiện vật trưng bày tại Nhà truyền thống và nhiều hiện vật khác trong kho tàng hiện vật của Tập đoàn cũng được số hóa trên Nhà truyền thống điện tử này góp phần hỗ trợ rất tốt cho công tác lưu trữ, thống kê các hiện vật lịch sử mà Tập đoàn đang quản lý.

Ông Nguyễn Văn Bình

Về việc lan tỏa văn hóa EVN, cùng với các hoạt động truyền thống như chào mừng kỷ niệm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam, Ngày hội văn hóa EVN, Tập đoàn và các đơn vị đã tổ chức rất nhiều các cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về ngành, thiết kế slogan, videoclip… Tận dụng ưu thế của mạng xã hội và các nền tảng số, việc lan tỏa các thông điệp, hình ảnh cũng hiệu quả hơn rất nhiều… Giờ đây, mỗi dịp kỷ niệm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam là cán bộ EVN trên khắp miền Tổ quốc đều đồng loạt thêm khung đại diện trên trang cá nhân Facebook hoặc thay ảnh bìa, hoặc chia sẻ nhiều hình ảnh đẹp của đơn vị có gắn logo của Tập đoàn. Hay một ví dụ khác như việc khuyến khích cài đặt nhạc chờ điện thoại bài ca truyền thống ngành Điện lực Việt Nam để những dấu ấn về truyền thống vẻ vang của ngành Điện thường xuyên có cơ hội được nhắc lại và ghi nhớ, khơi dậy lòng tự hào trong CBNV. Và còn rất nhiều hoạt động khác mà chỉ khi có sự hỗ trợ của KHCN hiện đại, của nền tảng số chúng ta mới tổ chức được với quy mô lớn mà không bị giới hạn bởi không gian, thời gian như các hoạt động truyền thống. Những phương thức trên cũng mang lại sức lan tỏa lớn hơn rất nhiều, tạo nên khí thế và sự tự hào lớn trong đội ngũ CBCNV- NLĐ toàn Tập đoàn, đồng thời cũng một phần giúp hình ảnh của ngành Điện gần gũi hơn với cộng đồng, xã hội.

PV: Theo ông, EVN có những thuận lợi và khó khăn gì trong việc lưu giữ, lan tỏa truyền thống, văn hóa EVN trên nền tảng số?

Ông Nguyễn Văn Bình: Trước tiên về ưu điểm, việc lưu trữ, lan tỏa truyền thống văn hóa EVN trên nền tảng số có tính khoa học hơn, hiệu quả lan tỏa tốt hơn. Đặc biệt, khi nhu cầu tìm kiếm, khai thác và chia sẻ thông tin gia tăng thì việc thực hiện không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Quy mô, nhu cầu tiếp cận, khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ ngày càng đa dạng. Việc tổ chức các hoạt động sự kiện, trưng bày, triển lãm tài liệu lưu trữ hay tham quan truyền thống đang có thêm sự khác biệt so với trước đây.

Tuy nhiên, yêu cầu bảo mật, bảo đảm an toàn thông tin tài liệu lưu trữ sẽ ngày càng cao. Việc bảo quản an toàn tài liệu bao gồm: Bảo vệ sự toàn vẹn, tin cậy của tài liệu; bảo vệ thông tin trong quá trình truyền thông tin qua mạng; bảo vệ hệ thống máy tính, mạng máy tính, máy chủ… khỏi sự xâm nhập phá hoại từ bên ngoài. Các thông tin trong văn bản, tài liệu điện tử khi trao đổi trên mạng cũng sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị mất an toàn như: bị truy cập bất hợp pháp, xem trộm thông tin, sao chép, lưu trữ hoặc chuyển đến cho những người không được phép. Nguy hiểm hơn là khi văn bản, tài liệu bị thay đổi nội dung trước khi chuyển đến cho người nhận. Việc đánh cắp thông tin trong văn bản, tài liệu điện tử dễ xảy ra và khó phát hiện hơn nhiều do tính chất vô hình, dễ nhân bản và dễ hủy bỏ.

Có thể thấy rằng CMCN 4.0 mang lại cả cơ hội và thách thức đối với công tác lưu trữ, lan tỏa truyền thống văn hóa EVN. Nếu chúng ta tận dụng tốt những thành tựu của CMCN 4.0 sẽ tạo ra nhiều đổi mới và đột phá trong tương lai. Vì vậy, EVN cũng cần có những thay đổi nhất định từ chính sách cho đến nghiệp vụ và con người để phù hợp với công nghệ áp dụng, như chúng ta vẫn thường hay gọi là nhận thức về chuyển đổi số.

PV: Để lan toả truyền thống, văn hoá EVN trên nền tảng số, Tập đoàn đang hướng tới những nội dung gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Bình: Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa EVN nói chung, các hiện vật trong Nhà truyền thống của EVN và các đơn vị nói riêng sẽ tạo ra cơ hội mở rộng đối tượng tham quan mà không phụ thuộc vào yếu tố địa lý, đồng thời nâng cao hiệu quả trong quá trình quản lý hồ sơ hiện vật.

Hiện tại, Tập đoàn đang xem xét giải pháp số hoá và tham quan ảo Nhà truyền thống ngành Điện. Khác với Nhà truyền thống điện tử đang có, Nhà truyền thống “ảo” sẽ được thiết kế dựa trên nền tảng phát triển của công nghệ 3D kết hợp với phần mềm quản lý hiện vật với mục đích cung cấp một giải pháp tốt nhất, phục vụ hiệu quả trong quá trình quản lý hồ sơ hiện vật cho Nhà truyền thống EVN. Sau khi số hóa xong, người xem chỉ cần truy cập vào trang web là có thể tiếp cận được với gần như toàn bộ các hiện vật được trưng bày tại Nhà truyền thống cố định. Điều này cũng có thể được làm thành một hệ thống đồng bộ từ Tập đoàn tới các đơn vị.

EVN mong muốn duy trì, phát huy và lan toả tốt nhất truyền thống, văn hoá quý báu của EVN đã được hun đúc qua nhiều thế hệ. Trước những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta vừa phải biết tận dụng công nghệ mới đồng thời không để mất đi những bản sắc văn hoá mà ngành Điện đã xây dựng được trong 67 năm qua.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!


  • 18/12/2021 09:51
  • Theo Chuyên đề Tạp chí Điện lực
  • 11137