Văn hóa thương hiệu, nguồn lực nội sinh của doanh nghiệp Việt Nam
14:58, 08/11/2023
Cuốn sách của TS. Trần Thị Thúy Vân (NXB Chính trị quốc gia Sự thật phát hành) đã lọt top 10 cuốn sách kinh doanh đáng đọc năm 2023.
Ảnh minh họa
|
Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, các doanh nghiêp cần tạo được bản lĩnh cạnh tranh cần thiết trong hành trình “vươn ra biển lớn”. Bên cạnh những nguồn lực như vốn, nhân lực, trang thiết bị.., còn có một nguồn lực quan trọng nữa là văn hóa doanh nghiệp.
Văn hóa được coi là lợi thế cạnh tranh, là bản sắc và cũng là nguồn lực nội sinh cho sự phát triển của doanh nghiệp. Cốt lõi của văn hóa trong doanh nghiệp chính là thương hiệu. Hiện nay, vấn đề thương hiệu đang rất được quan tâm. Thương hiệu không chỉ là vấn để của riêng lĩnh vực kinh doanh mà còn thu hút sự quan tâm của nhiều ngành khoa học.
Dưới góc độ là một thực thể văn hóa, thương hiệu có cấu trúc gồm các thành tố quan hệ chặt chẽ với nhau, được hình thành từ các quan hệ của doanh nghiệp (trong nội bộ doanh nghiệp, quan hệ với khách hàng, với xã hội), nên thương hiệu còn được nhìn nhận như yếu tố nội sinh của doanh nghiệp và có những tác động nhất định đến đời sống tinh thần xã hội.
Hiện nay, yếu tố văn hóa được xem là lợi thế trong xây dựng thương hiệu và góp phần hỗ trợ mạnh mẽ cho sự phát triển của doanh nghiệp. Tuy nhiên, xây dựng và gìn giữ thương hiệu doanh nghiệp như thế nào vẫn là một câu hỏi lớn đối với các doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay.
Tiếp cận thương hiệu dưới góc độ văn hóa, cuốn sách chuyên khảo Văn hóa thương hiệu - Nguồn lực nội sinh của doanh nghiệp Việt Nam của TS. Trần Thị Thúy Vân đã làm rõ cấu trúc của thương hiệu dưới góc độ văn hóa, thực tiễn xây dựng thương hiệu của một số doanh nghiệp ở Việt Nam, trên cơ sở đó, đưa ra một số gợi ý để các doanh nghiệp tham khảo nhằm phát huy bình diện văn hóa của thương hiệu một cách có hệ thống, hiệu quả hơn. Cuốn sách là tài liệu tham khảo hữu ích cho các doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà tư vấn về xây dựng thương hiệu cũng như đối với bạn đọc quan tâm đến vấn đề này.
Sách gồm 3 chương: Lý thuyết tiếp cận thương hiệu dưới góc độ văn hóa học; Cấu trúc văn hóa của thương hiệu; Xây dựng và phát triển văn hóa thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam.
PV
Share