Văn hóa trở thành lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp

TS. Giản Tư Trung - Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE cho rằng văn hóa là bản sắc của doanh nghiệp. Văn hóa là một trong những lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp vì đối thủ có thể “ăn cắp” con người, bí quyết công nghệ nhưng không thể ăn cắp được văn hóa.

Khi có khát khao văn hóa sẽ xuất hiện

Theo TS. Giản Tư Trung, khi gặp khó khăn hay khi có một khát khao thì văn hóa sẽ xuất hiện, như chúng ta thường nói là “giàu có hay là khốn khó” không làm thay đổi con người, nó chỉ lộ ra bản chất thật, văn hóa thật của họ mà thôi. Trong doanh nghiệp cũng vậy. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây bao khó khăn, khổ đau thì nó làm lộ ra văn hóa của rất nhiều doanh nghiệp, lộ ra rất nhiều văn hóa của nhân viên. Bởi người ta hay nói “trong hoạn nạn mới biết chân tình” thì đó chính là văn hóa. Thường là trong mấy năm khó khăn ấy mà những doanh nghiệp nào vượt qua được thì đó là doanh nghiệp mạnh.

Ảnh minh họa.

Nhiều chủ doanh nghiệp tư duy theo cách văn hóa là cách thức để đạt được mục tiêu của doanh nghiệp. “Theo tôi thì tư duy này đúng nhưng chưa đủ, vì văn hóa không phải chỉ là phương tiện để đạt được mục tiêu mà bản thân văn hóa cũng là một mục tiêu. Tức là văn hóa vừa là mục tiêu vừa là phương tiện để đạt được mục đích. Ví dụ như nếu nói về quản trị thì văn hóa có một vai trò rất nổi bật. Thứ nhất, công ty nào cũng có đông nhân viên nhưng không phải công ty nào cũng có một đội ngũ. Muốn có đội ngũ thì phải có lãnh đạo vì lãnh đạo là người biết biến đám đông thành đội ngũ, biến đám đông thành một lực lượng và cách thức để gắn kết mọi người với nhau thành một đội ngũ, một lực lượng thì chất keo sơn đó chính là văn hóa. Tức là chia sẻ tầm nhìn chung, giá trị chung và mục tiêu chung”, TS. Giản Tư Trung nói.

Theo TS. Giản Tư Trung, người ta hay nói “hoạn nạn mới biết chân tình” vì trong khó khăn, văn hóa xuất hiện giống như một nền tảng. Khốn khó không làm thay đổi con người mà nó chỉ làm rộ ra con người thật, văn hóa thật của mình hay của tổ chức mình mà thôi. Người ta nói vui là lúc đó mới “hiện nguyên hình”. Chẳng hạn, bình thường rất là vui vẻ, rất là dễ thương nhưng khi khó khăn, mỗi anh em phải bớt lương một chút để công ty được sống, tất cả cùng sống thì lại “nhăn nhó”, tức không vượt qua được chính mình để chấp nhận. Nếu như ai cũng không chấp nhận chuyện đó thì công ty phá sản, mọi người đều mất việc.

Cho nên trong những lúc khó khăn mới thể hiện con người thật và văn hóa thật của doanh nghiệp. Lúc đó giúp cho nhân viên nhận ra công ty mình là công ty như thế nào. Có phải là công ty đáng để mình gắn bó và cống hiến lâu dài hay không. Lúc đó lãnh đạo cũng nhận ra nhân viên nào thực sự tâm huyết, gắn kết vì công ty và sẵn sàng trao cho họ những cơ hội mới, tạo điều kiện cho họ đi đường dài với công ty. Quan trọng nữa là khát vọng. Nếu muốn có khát vọng, chẳng hạn như khát vọng “đại bàng” thì phải có văn hóa “đại bàng”, nếu mà khát vọng “đại bàng” nhưng mà chỉ có văn hóa “gà” thì không thể nào thực hiện được.

Không phải tự nhiên mà Hàn Quốc có hàng loạt tập đoàn chinh phục thế giới, có hàng loạt bộ phim chinh phục thế giới, có hàng loạt ban nhạc chinh phục thế giới. Bởi vì cả Hàn Quốc có tinh thần quốc gia trong việc chinh phục thế giới, mà cái khát vọng Đại Hàn đó thổi bùng lên khát vọng cho doanh nghiệp Hàn Quốc chinh phục thế giới. Từ đó mới có Samsung, LG, Hyundai và những tập đoàn khác.

Tôi quay lại đất nước của mình. Hiện nay, trong nhiều nghị quyết của Trung ương về phát triển kinh tế - xã hội đã có khát vọng một đất nước hùng cường vào năm 2045, nhưng tôi thấy chúng ta chưa có văn hóa 2045 nên cái khó khăn và khát khao sẽ làm văn hóa lên tiếng. Còn bình thường, người ta ít để ý tới văn hóa cho đến khi mình gặp khó khăn hoặc cho đến khi mình có khát vọng mới.

Cải biến văn hóa để trở nên tốt hơn

TS. Giản Tư Trung cho rằng, doanh nghiệp nào cũng có văn hóa hết. Vấn đề là văn hóa kiểu gì? Tức là văn hóa là bản tính của doanh nghiệp, mà bản tính thì có thể tốt hoặc có thể xấu. Ví dụ, văn hóa của một người chính là bản tính của người đó, văn hóa của tổ chức chính là bản tính của tổ chức đó và văn hóa của một dân tộc chính là bản tính của dân tộc đó, hay còn gọi là dân tộc tính.

Ví dụ như văn hóa của người Nhật, nói về dân tộc tính của Nhật Bản thì có thể kể đến nhiều điều rất hay như tín thực, dấn thân, chăm chỉ, kỷ luật… Có một câu nói của ông bà mình rất là hay, rất đáng để suy ngẫm: “Non sông dễ đổi, bản tính khó dời”, nên việc thay đổi văn hóa, điều chỉnh văn hóa hay cải biến văn hóa là điều vô cùng khó khăn nhưng nó quyết định sự tồn vong, bền vững cũng như sự phát triển của doanh nghiệp.

Tốc độ thay đổi của xã hội hiện nay là chóng mặt và khôn lường. Vì vậy, nếu mình điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh thì non sông dễ đổi nhưng bản tính thì có thể dời. Tức là nếu mình biết cách dời thì mình hoàn toàn có thể dời được bản tính. Mình nhìn vào bản tính của một ai đó tức là nhìn vào số phận của một ai đó. Mình cần phải cải biến văn hóa để mình trở nên tốt hơn, doanh nghiệp mình phải cải biến văn hóa để doanh nghiệp mình trở nên tốt hơn và dân tộc mình cũng phải cải biến văn hóa để trở nên tốt hơn.

Tôi đưa ra một mô hình để mọi người cải biến văn hóa theo kiểu bất thử sai. Về mặt kinh tế thì chúng ta thấy phát triển theo hình sin theo chu kỳ 5-10 năm/lần, nhưng văn hóa không đi theo hình sin. Suy bại về văn hóa là hàng chục năm, thậm chí là hàng thế kỷ và thăng hoa về văn hóa cũng là mấy chục năm. Cho nên, nếu bạn biết cách dời tính thì “non sông dễ đổi bản tính có thể dời”.

Link gốc


  • 20/07/2023 03:41
  • Theo https://doanhnhansaigon.vn/
  • 4265