Anh Trần Xuân Vinh, công nhân Đội Quản lý lưới điện 2, Công ty Điện lực Thủ Đức (Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh) còn nhớ như in cảm giác hoang mang, chới với khi nhận tin dữ. Người cha 81 tuổi có nhiều bệnh nền đã bị nhiễm COVID-19. Lúc đó, anh muốn chạy về ngay bên cạnh ba nhưng không thể, bởi công việc và lệnh giãn cách không cho phép anh di chuyển. Anh muốn gọi điện để an ủi, động viên ba nhưng ông bị lãng tai, không nghe được điện thoại. Đến khi y tế phường xuống đưa ông đi cách ly, điều trị, anh mới có thể trao đổi và gửi gắm ba mình cho đội ngũ y bác sĩ trong bệnh viện dã chiến.
28 ngày chờ đợi người cha điều trị COVID-19 là quãng thời gian khó khăn với cả đại gia đình anh Vinh. "Tôi cứ bị nỗi sợ hãi đeo bám, có những lúc mất liên lạc với ba vài ngày, rồi nghe thông tin là ba đã chuyển viện do khó thở, mà không liên lạc được. Thật may mắn, nhờ vào sự chăm sóc y tế kịp thời của bác sĩ và lực lượng tình nguyện trong bệnh viện, ba tôi đã vượt qua và dần dần khỏe lại", anh Vinh tâm sự.
Ngay từ khi TP Hồ Chí Minh áp dụng Chỉ thị 16, nhóm công nhân sửa chữa điện của anh Vinh được Công ty Điện lực Thủ Đức điều động và giao nhiệm vụ sửa chữa điện cho các khu cách ly, bệnh viện dã chiến trên địa bàn thành phố Thủ Đức.
Anh Đào Quốc Đạt – Đội trưởng Đội Quản lý lưới điện 2 cho biết: “Nhóm công tác gồm 9 người, trong thời gian thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi tập trung, ăn ở tại một khu nhà trọ do đơn vị thuê, nhằm đảm bảo an toàn cho đơn vị và cho cả những thành viên trong gia đình. Anh em sẽ đi làm từ thứ hai đến thứ sáu. Sáng thứ sáu hàng tuần sẽ được xét nghiệm, nếu kết quả âm tính thì chiều thứ sáu được về với gia đình, sáng thứ hai lại tiếp tục vào công tác và ở tập trung".
Công nhân Công ty Điện lực Thủ Đức thực hiện thi công, sửa chữa điện tại Bệnh viện dã chiến An Phú
|
Trong những ngày dịch bệnh bùng phát dữ đội tại TP. Hồ Chí Minh, bản thân những CBCNV ngành Điện như anh Vinh, anh Đạt cũng đối diện với không ít nguy cơ khi đi thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó là nỗi lo lắng cho người thân, cho gia đình trong dịch bệnh bủa vây. Dù vậy, khi đã vào ca, họ ưu tiên công việc lên hàng đầu. Các anh hiểu rằng, việc đảm bảo điện đầy đủ cho tuyến đầu chống dịch sẽ góp phần tích cực trong việc điều trị những bệnh nhân F0, trong đó có cả những người thân của mình.
Ông Lê Văn Đoàn - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Thủ Đức cho biết, hiện tại công ty đang đảm bảo cung cấp điện cho 36 địa điểm phục vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TP. Thủ Đức; trong đó, có 9 bệnh viện, 2 cơ sở y tế, 6 cơ sở cách ly và 9 bệnh viện dã chiến. Toàn bộ các hoạt động đảm bảo an toàn điện tại các khu vực này luôn được công ty theo sát. Lực lượng công nhân ứng trực sẵn sàng có mặt bất cứ thời gian nào.
“Điều mà lãnh đạo đơn vị quan tâm, lo lắng nhất là việc đảm bảo an toàn cho lực lượng công nhân sửa chữa vận hành, khi tham gia công tác tại các khu phong tỏa, khu cách ly hay các bệnh viện dã chiến" - ông Lê Văn Đoàn cho biết thêm. Chính vì vậy, Công ty Điện lực Thủ Đức yêu cầu anh em công nhân không được lơ là, chủ quan trong việc phòng dịch của bản thân và gia đình; tuân thủ nghiêm ngặt 5K, mặc quần áo bảo hộ y tế và thực hiện khử khuẩn các phương tiện di chuyển, dụng cụ sửa chữa điện trước và sau khi vào công tác.
Ông Đoàn khẳng định, CBCNV toàn công ty đã và đang nỗ lực cao độ, nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đồng thời tập trung phát huy mọi nguồn lực để triển khai thực hiện thành công kế hoạch sản xuất kinh doanh mà tổng công ty giao phó.