Vì sao cần nâng công suất các nhà máy thủy điện?

Trong bối cảnh nhiều nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) được đưa vào vận hành, tạo ra những thách thức không nhỏ trong vận hành hệ thống điện, việc mở rộng, nâng công suất các nhà máy thủy điện hiện hữu có ý nghĩa như thế nào?

Nâng cao chất lượng điện

Ông Nguyễn Hữu Chỉnh - Tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 1 (PECC1) cho biết, các nguồn phát điện chủ yếu hiện nay trong hệ thống điện Việt Nam là từ các nhà máy nhiệt điện than, khí và các nhà máy thủy điện. Các nhà máy nhiệt điện than sẽ được xây dựng thêm, nguồn than nội địa sẽ dần cạn kiệt, buộc phải nhập khẩu. Các nhà máy nhiệt điện khác như LNG cũng trong hoàn cảnh tương tự. Nói một cách tổng thể, năng lượng điện của Việt Nam trong tương lai sẽ phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nhiên liệu. Trong khi đó đối với thủy điện, nếu được chú trọng đầu tư khai thác sẽ hoàn toàn trở thành nguồn năng lượng quan trọng cung cấp điện cho cả hệ thống. Năm 2018, sản lượng thủy điện đóng góp đáng kể vào hệ thống điện, chiếm đến khoảng 47%, năm 2019 chiếm hơn 41%.

Thủy điện cũng là nguồn năng lượng tái tạo nên chi phí vận hành thường thấp, góp phần quan trọng vào việc giảm giá phát điện của hệ thống. Hiện nay, giá thành sản xuất điện từ thủy điện là thấp nhất trong các nguồn điện tại Việt Nam.

Tuy nhiên, giá trị của việc mở rộng các công trình thủy điện không phải nằm ở sản lượng điện năng tăng thêm do nâng công suất mà là ở giá trị công suất khả dụng, khả năng tham gia phủ đỉnh hoặc hỗ trợ hệ thống điện một cách nhanh nhất. Cùng với đó là hiệu quả kinh tế thể hiện qua sản lượng điện thu được từ việc nâng công suất có thể chuyển đổi phương thức sử dụng từ giờ thấp điểm sang giờ cao điểm. Mọi giá trị kinh tế khác như, điều tần, ổn định điện áp… của các nhà máy thủy điện hiện vẫn chưa được tính đến.

Hiện nay, công suất thủy điện trong hệ thống điện Việt Nam chiếm khoảng 37% (khoảng 20.000MW), do đó vai trò của thủy điện ngoài việc phủ đỉnh và điều tần còn là cung cấp năng lượng cho phần thân của biểu đồ phụ tải. Tuy nhiên, theo dự báo nhu cầu điện đến năm 2030, tổng công suất điện của cả hệ thống sẽ phải đạt khoảng 131.000MW, trong đó nguồn thủy điện chỉ còn chiếm khoảng 20% và nguồn năng lượng tái tạo gió và mặt trời (NLTT) sẽ chiếm khoảng gần 20%.

Ông Nguyễn Hữu Chỉnh cho biết: “Đặc điểm của các nguồn NLTT có công suất phát không ổn định, gây khó khăn cho vận hành hệ thống điện nếu không có nguồn điện dự phòng. Trong cơ cấu nguồn điện tương lai, vai trò của các Nhà máy Thủy điện cần được xác định lại trong hệ thống điện theo hướng đảm nhận vai trò phủ đỉnh biểu đồ phụ tải và dự phòng công suất sự cố (cho các nguồn điện mặt trời) phát huy ưu thế của thủy điện, góp phần bảo vệ môi trường do giảm chất thải rắn từ việc sử dụng thiết bị lưu trữ điện của NLTT”.

Nhà máy Thủy điện Tuyên Quang sẽ được nghiên cứu mở rộng trong thời gian tới.

Cần sớm thông qua chính sách

Hiện nay các nhà máy thủy điện đang khai thác theo chỉ tiêu kinh tế của những năm trước đây với số giờ sử dụng công suất khoảng 4000h/năm. Chỉ số này đến nay không còn phù hợp do cơ cấu nguồn điện và giá thành điện năng trong hệ thống điện đã thay đổi. Do đó, nếu vẫn giữ nguyên số giờ sử dụng công suất như cũ sẽ gây lãng phí nguồn năng lượng sạch hiện có và không phát huy được thế mạnh của thủy điện là nâng cao chất lượng điện, mang lại hiệu quả chung cho hệ thống điện.

Ông Nguyễn Hữu Chỉnh cho biết: “Kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển trên thế giới cho thấy, số giờ khai thác kinh tế cho thủy điện vào khoảng từ 2.500-3.000h/năm tùy thuộc vào tính chất và cơ cấu nguồn điện. Trên cơ sở cơ cấu nguồn điện đến năm 2030 của Việt Nam, thủy điện chỉ chiếm tỷ trọng gần 20% trong hệ thống điện. Như vậy, các nhà máy thủy điện ngày càng chuyển dịch thời gian vận hành vào đỉnh của biểu đồ phụ tải (giảm thời gian chạy, tăng công suất) để phát huy lợi thế, còn các nguồn nhiệt điện sẽ đảm nhận phần chạy đáy”.

Vì vậy, số giờ sử dụng công suất của thủy điện có xu hướng giảm đến 2000h/năm tương đương với số giờ đỉnh phụ tải bình quân trong năm. Việc đầu tư mở rộng một số nhà máy thủy điện nếu thuận lợi, sẽ cho phép cung cấp bổ sung công suất phủ đỉnh cho hệ thống điện, đạt mức hợp lý trong việc sử dụng tài nguyên năng lượng tái tạo hiện có của Việt Nam.

Mặt khác khi mở rộng, các nhà máy thủy điện cũng cung cấp thêm một phần năng lượng đáng kể và nâng cao chất lượng điện cho hệ thống điện. Đối với tác động môi trường, các dự án thủy điện mở rộng không làm tăng tác động xấu hoặc tăng không đáng kể (chủ yếu là hoạt động xây dựng tạm thời), hạn chế được việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong hệ thống điện.

Để phát huy hiệu quả khi mở rộng các Nhà máy Thủy điện hiện có, PECC1 kiến nghị, cần có hành lang pháp lý về giá điện cho giờ cao điểm, thấp điểm đối với các thủy điện lớn (do Bộ Công Thương ban hành) phù hợp, đảm bảo các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật khả thi. Ngoài ra, để đáp ứng mức độ tham gia nhanh của điện gió và điện mặt trời, các Nhà máy Thủy điện cần sớm nghiên cứu phương án mở rộng, khi có hành lang pháp lý (giá điện) có thể triển khai được ngay.

Thời gian điều chỉnh điện áp của các nguồn điện:

Nguồn phát điện Thời gian điều chỉnh điện áp
Thủy điện Khoảng 5 - 8 phút
Tuabin khí (chu trình đơn) Khoảng 1 giờ
Tuabin khí hỗn hợp Khoảng 3 giờ
Nhiệt điện dầu, khí Khoảng 3 giờ
Nhiệt điện than Khoảng 4 giờ
Điện nguyên tử Khoảng 5 giờ


  • 15/06/2021 03:06
  • Theo Tạp chí Điện lực chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 12419