Vì sao khuyến cáo người dân tuyệt đối không bắn pháo tráng kim gần đường dây, trạm điện?

Trao đổi nhanh với evn.com.vn về việc đảm bảo an toàn điện trong dịp tết Nguyên đán cận kề, ông Mai Quang Hùng – Trưởng ban An toàn, Tổng công ty Điện lực miền Bắc khuyến cáo, mỗi người dân cần tuân thủ quy định của pháp luật về Điện lực. Đặc biệt, người dân tuyệt đối không bắn pháo tráng kim loại, pháo hoa gần đường dây, trạm điện để tránh nguy cơ gây sự cố điện.

Ông Mai Quang Hùng - Trưởng ban An toàn EVNNPC

- Thưa ông, việc bắn pháo tráng kim gần đường dây, trạm điện có thể gây nguy hiểm như thế nào với lưới điện?

- Ông Mai Quang Hùng: Pháo tráng kim là loại pháo được nhồi bên trong rất nhiều giấy có tráng thiếc, hoặc kim loại mỏng và sợi kim tuyến. Khi bắn pháo gần đường dây, trạm điện, những sợi kim loại mỏng, sợi kim tuyến dễ bị mắc vào đường dây điện, vào các mối nối hoặc trạm biến áp, gâp chập điện hoặc cháy nổ, làm mất điện trên diện rộng.

Vì vậy, ngành Điện khuyến cáo người dân khi vui xuân đón tết cần chú ý tuyệt đối không sử dụng pháo tráng kim loại, thả diều, đèn trời, đồ chơi đĩa bay,… gần các trạm điện, đường dây điện vì nguy cơ gây ra sự cố điện rất cao.

- Việc bắn pháo tráng kim, thả đèn trời… gây sự cố lưới điện có bị xử phạt không, thưa ông?

- Ông Mai Quang Hùng: Những hành vi như bắn pháo có tráng kim, thả đèn trời... gây sự cố lưới điện là hành vi vi phạm các quy định của pháp luật.

Cụ thể, Điều 7, Luật Điện lực năm 2004 quy định các hành vi bị cấm trong hoạt động điện lực và sử dụng điện, trong đó có hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện, khoảng cách an toàn của đường dây và trạm điện. Điều 4, Nghị định số 14/2014 quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện nêu rõ các hành vi bị nghiêm cấm gồm: thả diều, vật bay gần công trình lưới điện cao áp có khả năng gây sự cố lưới điện; lắp đặt ăng ten thu phát sóng; dây phơi; giàn giáo; biển, hộp đèn quảng cáo và các vật dụng khác tại các vị trí mà khi bị đổ, rơi có thể va chạm vào công trình lưới điện cao áp; bắn chim đậu trên dây điện, trạm điện hoặc quăng, ném bất kỳ vật gì lên đường dây điện, trạm điện; sử dụng cột điện, trạm điện để làm nhà, lều, quán, buộc gia súc hoặc sử dụng vào mục đích khác…

Các hành vi vi phạm này dẫn đến sự cố lưới điện, người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định số 17/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính.

Cụ thể, tại Điều 2 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 134/2013/NĐ-CP) thuộc Nghị định số 17/2022/NĐ-CP nêu rõ: phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: thả diều hoặc bất kỳ vật gì gây sự cố lưới điện; lắp đặt ăng ten ti vi, dây phơi, giàn giáo, biển, hộp đèn quảng cáo tại vị trí khi bị đổ, rơi có thể va chạm vào lưới điện.

- Cùng với pháo tráng kim, còn những hoạt động nào mà người dân cần đặc biệt lưu ý về nguy cơ gây mất an toàn điện trong dịp tết Nguyên đán, thưa ông?

- Ông Mai Quang Hùng: Tết Nguyên đán là lễ hội truyền thống lớn nhất trong năm của người Việt Nam. Nó thể hiện sự gắn kết trong cộng đồng, gia tộc và gia đình; là giá trị tâm linh, tình cảm sâu sắc của người Việt. Mọi người, mọi nhà đều náo nức trang hoàng nhà cửa, tổ chức các hoạt động đón Tết. Tuy nhiên, có những hoạt động có thể gây ảnh hưởng đến hệ thống điện và thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng của bản thân.

Đặc biệt nguy hiểm là việc sử dụng pháo tráng kim loại, thả đèn trời, đồ chơi đĩa bay,… gần trạm điện, đường dây điện. Bên cạnh đó, ở nhiều địa phương bà con thường dựng và trang trí cây nêu ngày Tết, nhưng lại không để ý quan sát, làm đổ vào đường dây điện gây sự cố lưới điện và gây tai nạn cho bản thân. Ví dụ, vụ tai nạn điện do dựng cây nêu ngày Tết xảy ra vào ngày 25/01/2022 tại khoảng cột 02-03, nhánh rẽ Hương Sơn - đường dây 372 trung gian Tân Kỳ, thuộc địa bàn xóm Tân Sơn, xã Tân Hương, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An, đã làm bị thương 3 người; trong đó 2 người bị thương nặng và 1 người bị thương nhẹ.

Nhiều gia đình còn lạm dụng cột điện, trạm điện làm hàng quán và các hình thức kinh doanh, làm điểm vui chơi giải trí khác, dẫn đến vi phạm khoảng cách an toàn đến đường dây, thiết bị lưới điện, dẫn đến nguy cơ sự cố lưới điện, mất an toàn cho bản thân và cộng đồng…

- Ông có khuyến cáo gì đến người dân để vừa vui tết, đón xuân vừa góp phần đảm bảo an toàn điện và an toàn cho chính bản thân?

- Ông Mai Quang Hùng: Để có cái Tết vui vẻ, đầm ấm bên gia đình mà vẫn đảm bảo an ninh, an toàn nói chung và an toàn điện nói riêng, mỗi người dân cần tuân thủ quy định pháp luật về Điện lực như Luật Điện lực, các Nghị định, Thông tư quy định về an toàn điện và hành lang lưới điện cao áp.

Đặc biệt, bà con tuyệt đối không bắn pháo tráng kim, pháo hoa gần đường dây, trạm điện; không thả diều, máy bay đồ chơi điện tử, điều khiển flycam gần đường dây điện, trạm điện; không lắp đặt ăng ten, biển hộp, đèn led trang trí, đèn quảng cáo gần dây dẫn điện; không dựng các cột cây nêu, cột đu quay và tổ chức ném còn dưới hoặc gần đường dây điện; không dựng các giàn giáo, sân khấu lưu động để tổ chức vui chơi (ngoài trời) gần hoặc dưới gầm đường dây điện.

Khi phát hiện người khác vi phạm các quy định pháp luật về bảo vệ hành lang lưới điện cao áp như kể trên, bà con nên điện thoại báo ngay cho cơ quan quản lý Điện lực hoặc công an địa phương để kịp ngăn chặn, xử lý nhằm tránh xảy ra sự cố mất điện hoặc xảy ra tai nạn về điện.

- Trân trọng cảm ơn ông!


  • 20/01/2023 08:00
  • P.Thảo (thực hiện)
  • 8926