Vì sao phải thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải ở Việt Nam?

Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong kinh doanh - dịch vụ khách hàng năm 2019 của EVN là thực hiện các chương trình điều chỉnh phụ tải (DR). Theo ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng Ban Kinh doanh EVN, khách hàng sẽ có nhiều lợi ích khi phối hợp thực hiện DR cùng EVN.

Ông Nguyễn Quốc Dũng

Phóng viên (PV): Ông có thể lý giải, tại sao phải thực hiện Chương trình điều chỉnh phụ tải (DR) ở Việt Nam?

Ông Nguyễn Quốc Dũng: Để hiểu rõ về ý nghĩa quan trọng và tính cấp thiết của Chương trình DR, tôi nghĩ, chúng ta cần đặt ngược lại vấn đề: Hậu quả gì sẽ xảy ra, nếu không thực hiện DR, nhất là trong giờ cao điểm của hệ thống điện? Hiện nay, hệ thống điện của Việt Nam đã không còn nguồn dự phòng, trong lúc tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm vẫn ở mức rất cao, khoảng 10% /năm. Vào những giờ cao điểm, nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao, nếu không thực hiện DR, hệ thống điện có thể sẽ rơi vào tình trạng quá tải, không thể cung cấp điện tới một bộ phận lớn khách hàng. Nếu không thực hiện DR, chúng ta sẽ phải đầu tư rất nhiều vào nguồn và lưới điện để có thể đáp ứng mức công suất cực đại của hệ thống điện. Mức công suất tăng cao như vậy có thể chỉ kéo dài 10 - 15 phút, nhưng vốn cần đầu tư lại quá lớn, khiến cho giá thành sản xuất điện tăng cao, tạo áp lực lên giá bán điện, ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng điện.

Trước áp lực như vậy, vấn đề hơn - thiệt đã rõ ràng, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy, tầm quan trọng của việc thực hiện các chương trình DR: Khuyến khích khách hàng chủ động tiết giảm nhu cầu sử dụng điện trong giờ cao điểm, góp phần giảm công suất cực đại của hệ thống điện, giảm tình trạng lưới điện bị quá tải, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế của hệ thống điện. Đồng thời, cũng sẽ tạo điều kiện để cộng đồng nhận thức rõ hơn về tiết kiệm điện, sử dụng điện hiệu quả, góp phần bảo vệ tài nguyên đất nước. Hiện, dư địa để thực hiện tiết kiệm điện còn rất lớn.

Đối với các doanh nghiệp (DN), việc sử dụng điện tiết kiệm còn góp phần làm giảm giá thành sản xuất sản phẩm, nhờ đó tăng tính cạnh tranh của hàng hóa. Không chỉ tại Việt Nam, các chương trình DR với những mục tiêu lớn như vậy đã được triển khai rộng rãi tại nhiều quốc gia trên thế giới. 

PV: Vậy đâu là đối tượng trọng điểm mà Chương trình DR hướng tới, thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Dũng: Toàn bộ khách hàng sử dụng điện đều có thể tham gia Chương trình DR. Đơn cử, trong khung giờ cao điểm, chúng ta tắt bớt 1 bóng đèn không cần thiết, chuyển việc bật bình nóng lạnh, vận hành máy giặt… sang khung giờ thấp điểm, như vậy là đã góp phần tránh cho hệ thống điện bị nguy cơ quá tải. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, thực hiện Chương trình DR là tự nguyện, thể hiện một xã hội văn minh hơn khi mọi người đều nghĩ đến những lợi ích chung, thay đổi thói quen sử dụng điện, sống có trách nhiệm hơn.

Tuy nhiên, việc triển khai DR cũng cần phải theo lộ trình. Trong giai đoạn đầu, tập trung vào các phụ tải công nghiệp - xây dựng, những khách hàng tiêu thụ tới 57% sản lượng điện toàn hệ thống. Đồng thời, theo Quyết định Chính phủ, danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm có khoảng 5.000 khách hàng, đây là những khách hàng phải kiểm toán năng lượng. EVN và các tổng công ty điện lực đang tập trung giới thiệu và ký kết thoả thuận thực hiện Chương trình DR với các khách hàng này trong năm 2019. Theo tính toán, nếu nhóm khách hàng này tiết kiệm điện ở mức chỉ 1% thì sẽ giảm tiêu thụ điện tương ứng khoảng 700-800 triệu kWh/năm, giảm áp lực lên hệ thống điện.

PV: Một số doanh nghiệp không muốn tham gia chương trình DR, vì sợ có thể ảnh hưởng tới kết quả SXKD. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào? 

Ông Nguyễn Quốc Dũng: Tôi cho rằng, khách hàng ngần ngại, trì hoãn tham gia là do chưa hiểu đúng về cơ chế, cũng như lợi ích của chương trình. Trước hết, các sự kiện điều chỉnh phụ tải điện sẽ chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn, có thể chỉ khoảng 30 phút tới 1 giờ, khi công suất phụ tải đỉnh và sản lượng điện hệ thống tăng quá cao. 

Ngoài ra, Chương trình DR được triển khai luân phiên giữa các khách hàng mục tiêu, khách hàng có thể sẽ chỉ thực hiện 1 hoặc 2 lần trong năm. Tôi cũng muốn nói rõ thêm, không phải tới bây giờ chúng ta mới triển khai Chương trình DR, mà thực tế, nhiều khách hàng lớn đã quen thuộc với Chương trình DR thông qua cơ chế giá điện, với biểu giá có ba khung giá: Giờ bình thường, giờ cao điểm, giờ thấp điểm. 

PV: Ông có thể nói rõ hơn về lợi ích của khách hàng khi tham gia chương trình này? 

Ông Nguyễn Quốc Dũng: Như tôi đã chia sẻ ở trên, việc triển khai các chương trình DR không những giảm đầu tư lên hệ thống điện, giảm được một phần tác động tới giá thành sản xuất điện, giá bán điện mà còn đem lại lợi ích cho khách hàng. EVN đang xây dựng các chương trình chăm sóc đặc biệt, ưu đãi nâng cao độ tin cậy cung ứng điện và nâng cao chất lượng dịch vụ điện dành riêng cho các khách hàng ký kết tham gia DR. 

Thời gian qua, EVN đã tích cực ứng dụng các công nghệ hiện đại như, sửa chữa điện nóng hotline, bảo dưỡng TBA không cần cắt điện, triển khai lưới điện n-1, cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng, nâng cao độ tin cậy cung ứng điện, triển khai các chương trình tri ân khách hàng... Với nền tảng này, EVN và các tổng công ty điện lực có đủ nguồn lực, năng lực để cung cấp các dịch vụ chăm sóc một cách tốt nhất đối với khách hàng tham gia DR.

Trên thế giới, cũng đã khá phổ biển các chương trình DR thương mại, khách hàng được bù đắp một phần chi phí nào đó liên quan tới sản lượng không sử dụng vào giờ cao điểm. Tại Việt Nam, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và EVN cùng các cơ quan liên quan đang cố gắng xây dựng Chương trình DR thương mại tương tự, mang lợi ích tốt nhất tới khách hàng trong thời gian sớm nhất.

Những lợi ích của chương trình điều chỉnh phụ tải điện mang lại

PV: Để thực hiện những mục tiêu lớn khi triển khai Chương trình DR, EVN có kiến nghị gì với các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như với khách hàng, thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Dũng: Theo Quyết định số 175/QĐ- BCT ngày 28/1/2019, thông qua Chương trình DR, phấn đấu giảm công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện quốc gia ít nhất 90 MW vào năm 2020, 300 MW vào năm 2025. 

Để thực hiện các mục tiêu này, EVN đã triển khai nghiên cứu, dự báo phụ tải. Các công ty điện lực cũng đã tiến hành thực hiện tuyên truyền, vận động khách hàng, chuẩn bị hạ tầng công nghệ cho các sự kiện DR, xây dựng các chương trình ưu đãi kèm theo... Tuy nhiên, chỉ nỗ lực từ EVN sẽ là không đủ. 

EVN kiến nghị các Bộ, ngành liên quan, sớm bổ sung cơ chế và hoàn thiện cơ sở pháp lý để có thể triển khai các chương trình DR thương mại, tạo sự đa dạng và tăng thêm các lợi ích, thu hút khách hàng. Đồng thời, EVN mong muốn nhận được sự hỗ trợ, phối hợp từ phía chính quyền các địa phương, cùng tuyên truyền, vận động DN, người dân trên địa bàn, hiểu rõ trách nhiệm và lợi ích của Chương trình DR.

EVN mong muốn, khách hàng sử dụng điện sẽ nhận thức rõ được các lợi ích mà DR mang lại, cũng như ý thức được trách nhiệm với cộng đồng xã hội khi sử dụng năng lượng. Thiết nghĩ, sẽ rất tốt nếu chúng ta có cùng hệ quy chiếu khi nhìn nhận về DR: Triển khai Chương trình DR để hệ thống điện không quá tải, để tất cả mọi người đều có đủ điện sử dụng, để vận hành hệ thống điện một cách kinh tế, hiệu quả, an toàn nhất.

PV: Xin cảm ơn ông! 


  • 24/04/2019 02:48
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 23593