Ông Hoàng Quốc Vượng |
PV: Xin ông cho biết những kết quả chính về phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) của Việt Nam thời gian qua?
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng: Phát triển năng lượng tái tạo là định hướng lớn của Việt Nam. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, cụ thể là phát triển điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối và thủy triều... Nhờ vậy, đã có nhiều nhà đầu tư trong, ngoài nước quan tâm, đầu tư các dự án điện gió, điện mặt trời tại Việt Nam.
Đến nay, nếu tính cả công suất của các nhà máy thủy điện thì năng lượng tái tạo đã chiếm khoảng 40% trong tổng công suất hệ thống điện Việt Nam. Tuy nhiên, nếu không tính các nhà máy thủy điện, năng lượng tái tạo nước ta vẫn chiếm tỷ trọng thấp, không đáng kể trong hệ thống điện quốc gia.
Dự kiến, đến cuối năm nay, Việt Nam sẽ có khoảng 1.000 MW công suất các nhà máy điện mặt trời và khoảng hơn 1.000 MW điện gió được đưa vào khai thác. Tôi cho rằng, đó là những kết quả đáng khích lệ trong phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo ở Việt Nam.
PV: Việt Nam là một quốc gia biển, với hơn 3.600 km đường bờ biển. Chính phủ Việt Nam dự kiến phát triển điện thủy triều, điện sóng biển như thế nào, thưa ông?
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng: Năng lượng sóng biển là một dạng năng lượng có tiềm năng lớn. Tuy nhiên, trên thực tế, sử dụng năng lượng thủy triều, sóng biển trên thế giới còn rất hạn chế.
Tại Việt Nam, thời gian qua, Bộ Công Thương mới chỉ nhận được một số đề xuất của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế “chào hàng” công nghệ, thiết bị, chứ chưa có nhà đầu tư nào đăng ký dự án thực tế khai thác năng lượng sóng, năng lượng thủy triều phục vụ cho phát điện.
Nhưng chúng tôi cho rằng, với sự tiến bộ của KHCN, thời gian tới, đây cũng là một dạng năng lượng có tiềm năng rất lớn mà chúng ta cần phải quan tâm, nghiên cứu và khai thác.
PV: Nhật Bản là nước đi đầu trong phát triển năng lượng tái tạo và đã có những dự án hỗ trợ Việt Nam. Xin ông cho biết, Nhật Bản đã hỗ trợ cụ thể như thế nào?
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng: Bộ Kinh tế - Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) và Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) đã hỗ trợ Bộ Công Thương tập trung phát triển công nghệ năng lượng sạch một cách bền vững, có hiệu quả, hạn chế tối đa những mặt tiêu cực;…
Không chỉ hợp tác với Nhật Bản, Bộ Công Thương còn phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Nhật Bản, Liên minh Châu Âu (EU) và nhiều nước khác trong phát triển năng lượng tái tạo, thúc đẩy tăng trưởng xanh.
PV: Thời gian tới, Việt Nam sẽ tập trung phát triển các nguồn năng lượng nào và năng lượng tái tạo có là nguồn năng lượng chủ đạo hay không, thưa ông?
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng: Việt Nam là đất nước đang phát triển, nhu cầu sử dụng năng lượng hàng năm có mức tăng trưởng rất cao. Nhu cầu sử dụng điện hàng năm của Việt Nam đều tăng trên 10%. Vì vậy, Việt Nam cần phải phát triển hợp lý các nguồn năng lượng như thủy điện, nhiệt điện than, nhiệt điện dầu, điện khí và các dạng năng lượng tái tạo...
Chủ trương của Chính phủ là phải đẩy nhanh khai thác có hiệu quả các nguồn năng lượng sơ cấp mà chúng ta có, nhất là các nguồn năng lượng tái tạo mà ở đây là năng lượng gió, năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải phát triển ở mức độ hợp lý các loại năng lượng truyền thống, làm sao đảm bảo được an ninh năng lượng quốc gia, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
PV: Xin cảm ơn ông!