Bà Sunita Dubey là Đại diện Quốc gia của GEAPP tại Việt Nam (GEAPP – Quỹ liên minh năng lượng toàn cầu cho con người và hành tinh, hoạt động nhằm thúc đẩy đầu tư vào chuyển đổi năng lượng xanh và các giải pháp năng lượng tái tạo ở các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi trên toàn thế giới).
Bà có hai bằng thạc sĩ về khoa học môi trường và chính sách năng lượng, hơn 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, tiếp cận năng lượng và biến đổi khí hậu tại khu vực Nam Á, Đông Nam Á và châu Phi, đồng thời bà cũng đã xuất bản một loạt các chính sách, báo cáo kỹ thuật, bài viết và blog cho Ngân hàng Thế giới và các tổ chức khác.
Bà Sunita Dubey - chuyên gia về chính sách năng lượng và khoa học môi trường, đại diện của GEAPP tại Việt Nam
|
Dưới đây là một số điểm chính trong bài viết thể hiện góc nhìn của bà Sunita Dubey trước vấn đề Việt Nam cần phụ nữ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo hơn bao giờ hết:
Một báo cáo của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) vào tháng 7/2023 nhấn mạnh rằng, 3,1 tỷ phụ nữ và trẻ em gái - hơn 90% dân số nữ trên thế giới - sống ở các quốc gia có sự thiếu hụt lớn về trao quyền cho phụ nữ và có khoảng cách giới tính lớn. Ở đó, phụ nữ thiệt thòi đáng kể so với nam giới về giáo dục, y tế, việc làm, tiếp cận các nguồn lực và tham gia vào quá trình ra quyết định. Những khác biệt này khiến phụ nữ đặc biệt dễ bị tổn thương trước các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, chủ yếu là do họ có tỉ lệ làm việc cao trong các lĩnh vực dễ bị ảnh hưởng bởi khí hậu và có ít tài sản tài chính hơn để đối phó với những khó khăn kinh tế.
Báo cáo trên cũng chỉ ra rằng, các công ty có bộ máy lãnh đạo đa dạng về giới sẽ vận hành với hiệu suất cao hơn ở 8 trong số 9 chỉ số hành động về chống biến đổi khí hậu, và gấp đôi trong chỉ số khả năng phát triển các chiến lược khử cacbon. Các công ty gia tăng sự đa dạng về giới có khả năng giảm cường độ tiêu thụ năng lượng hơn 60% và giảm phát thải khí nhà kính hơn 39%.
Một nghiên cứu khác do Ngân hàng Trung ương châu Âu thực hiện trên khoảng 2000 công ty ở 24 nền kinh tế công nghiệp hóa đã cho thấy rằng trong một công ty, cứ tăng 1% số lượng nhân viên nữ sẽ giúp họ giảm 0,5% lượng khí thải carbon.
Dù vậy, phụ nữ và các nhóm lao động yếu thế khác không có được sự hiện diện tương xứng trong vai trò lãnh đạo và quá trình ra quyết định cho các vấn đề liên quan đến khí hậu. Trong Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2022 (COP27), đại diện từ các quốc gia có tới 110 nam giới và chỉ có 7 phụ nữ. Các công ty khởi nghiệp do phụ nữ lãnh đạo chỉ nhận được 2,3% vốn đầu tư mạo hiểm vào năm 2020.
Trong danh sách các nhà khoa học khí hậu có ảnh hưởng nhất của Reuter, 878 người là nam giới và chỉ 122 người là phụ nữ. Khoảng cách này cho thấy tổn thất lớn đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo, vì phụ nữ là những người tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ trong việc hành động thúc đẩy việc phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo, giảm thiểu ô nhiễm và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nhiều bằng chứng đã chỉ ra rằng các công ty có nữ lãnh đạo chiếm đa số, hoặc ngang bằng với số lãnh đạo nam giới, có xu hướng hoạt động tốt hơn những công ty lãnh đạo chủ yếu bởi nam giới. Một nghiên cứu vào năm 2020 của McKinsey cho thấy rằng sự hiện diện mạnh mẽ hơn của phụ nữ trong các công ty có mối tương quan tích cực với khả năng hoạt động vượt trội hơn. Các công ty có hơn 30% giám đốc điều hành là phụ nữ đã chứng minh khả năng hoạt động tốt hơn những công ty có tỷ lệ từ 10 đến 30%, và ngược lại.
Còn tại ngành năng lượng tái tạo của Việt Nam, dù đã phát triển vượt bậc trong những năm gần đây với sản lượng điện mặt trời tăng 11%, phụ nữ Việt vẫn chỉ chiếm 6% trong đội ngũ kỹ thuật về năng lượng tái tạo và 18% trong số thành viên hội đồng quản trị doanh nghiệp. Sự chênh lệch này đáng lưu tâm khi trên thực tế, số lượng sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành STEM (ngành đào tạo về Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) tại Việt Nam có tới 40% là nữ, cao hơn mức trung bình trên thế giới.
Tất cả những điểm trên đều cho thấy vai trò và sự ảnh hưởng của phụ nữ trong ngành năng lượng tái tạo chưa được đánh giá và đầu tư tương xứng, vậy ta có thể làm gì để cải thiện vấn đề này?
Hãy bắt đầu bằng cách đầu tư vào phụ nữ trong tương lai, giúp họ cải thiện kỹ năng và cơ hội việc làm thông qua cả giáo dục và tài trợ. Các tổ chức phi chính phủ đang hoạt động tại Việt Nam có thể tài trợ hoạt động giáo dục người trẻ về những thách thức môi trường mà thế hệ của họ phải đối mặt, bắt đầu từ những thói quen sống "xanh" như giảm thiểu rác thải và nhấn mạnh thực tế rằng bất kỳ ai cũng có thể là một phần của giải pháp. Kế đến, họ có thể liên kết tới các chương trình giáo dục và học bổng cho bậc học cao hơn trong ngành học liên quan đến năng lượng và năng lượng tái tạo tương tự Học bổng Women in STEM của RMIT Việt Nam.
Số lượng sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành STEM tại Việt Nam có tới 40% là nữ, cao hơn mức trung bình trên thế giới (ảnh minh họa)
|
Học tập các mô hình thành công ở một số nước về chia sẻ phương pháp thu hút phụ nữ tham gia vào nền kinh tế xanh, khuyến khích thanh niên khởi nghiệp tham gia lĩnh vực này, tổ chức các cuộc thi dành cho sinh viên đại học xoay quanh việc thiết kế các giải pháp đối phó với những thách thức về khí hậu và giải pháp tiếp cận năng lượng sạch.
Để tất cả các sáng kiến này phát huy hiệu quả, GEAPP, IFC (Tập đoàn Tài chính Quốc tế) và USAID (Cơ quan phát triển Quốc tế Mỹ) đang thảo luận với các nữ lãnh đạo từ các công ty lớn hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo hoặc doanh nghiệp liên quan đến khí hậu về cách phụ nữ có thể tham gia và đóng góp vào việc xây dựng môi trường tương lai bền vững cho tất cả người dân Việt Nam. Sự hợp tác này cũng nhằm mục đích thu hút các bên liên quan từ khu vực tài chính công và tư nhân dựa trên mối liên kết giữa giới tính - khí hậu và lợi ích đã được minh chứng của các hành động bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu có liên quan về giới; đồng thời đầu tư và hỗ trợ thế hệ nữ lãnh đạo tiếp theo cho lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Trên tất cả, hãy nỗ lực xây dựng liên minh giữa các doanh nghiệp có cùng chí hướng, tập trung vào tính bền vững hay tạo ra các mạng lưới và chương trình cố vấn giữa những người phụ nữ Việt Nam làm trong lĩnh vực năng lực tái tạo, cách duy nhất để chúng ta có thể tạo ra thay đổi đủ lớn tác động đến biến đổi khí hậu là cùng nhau hành động. Việt Nam đã có một khởi đầu tuyệt vời, một nguồn tài nguyên con người phong phú và giờ là lúc khai thác sức mạnh của phụ nữ để củng cố mạnh mẽ lĩnh vực năng lượng tái tạo cho quốc gia.
Minh Thanh (lược dịch theo theleader.vn)
Share