Ông Nguyễn Tuấn Tùng - Chủ tịch HĐTV EVNNPT
|
PV: Xin ông cho biết, nhập khẩu điện từ Lào có những thuận lợi như thế nào cho Việt Nam?
Ông Nguyễn Tuấn Tùng: Việt Nam và Lào vừa kỷ niệm 60 năm quan hệ hợp tác (5/9/1962 - 5/9/2022). Trong lĩnh vực năng lượng, xuất phát từ nhu cầu của hai nước, thời gian qua, hai bên đã không ngừng tăng cường sự hợp tác, qua đó góp phần làm sâu sắc thêm tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt giữa hai quốc gia.
Thực tế, Lào là quốc gia có có tiềm năng về thủy điện và năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) gần khu vực biên giới Việt Nam, nhưng phụ tải của Lào không cao. Dưới gốc độ kinh tế-kỹ thuật, mua điện của Lào rất hiệu quả về mặt kinh tế. Vì thế, Chính phủ Việt Nam đã có chủ trương nhập khẩu điện và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ký hợp đồng mua, bán điện với các đối tác đang sở hữu các nguồn điện lớn tại Lào.
Cụ thể, ở Bắc Lào có tổng công suất tiềm năng nhập khẩu về Việt Nam gần 4.000MW. Khu vực Trung Lào có tiềm năng nhiệt điện, trong đó có Nhà máy nhiệt điện Boualapha 2.000MW, dự kiến đấu nối qua đường dây 500kV về Trạm biến áp (TBA) 500kV Hà Tĩnh. Các nguồn điện ở khu vực Nam Lào được đề xuất nhập khẩu về Việt Nam với tổng công suất 3.329MW.
EVNNPT làm việc với chủ đầu tư các nguồn điện tại Lào, tháng 8/2022
|
PV: Việc đầu tư hạ tầng lưới điện để nhập khẩu điện đang được EVNNPT triển khai như thế nào?
Ông Nguyễn Tuấn Tùng: Sau khi ký hợp đồng mua, bán điện với các chủ đầu tư dự án ở Lào, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã giao cho một số đơn vị triển khai dự án truyền tải, trong đó EVNNPT đã được giao đầu tư nhiều dự án lưới truyền tải điện từ biên giới, phần trên lãnh thổ Việt Nam.
Trong đó, Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc đang triển khai đường dây 220kV Nậm Sum - Nông Cống (qua khu vực Thanh Hóa, Nghệ An), dự kiến đóng điện vào quý II/2023 để kịp với nhu cầu phát và bán điện của đối tác ở Lào. Sau khi dự án hoàn thành, Việt Nam có thể nhập khẩu qua đường dây này với công suất khoảng hơn 500MW từ cụm thủy điện Nậm Sum (Bắc Lào) về phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh khu vực Bắc miền Trung Việt Nam.
Ban Quản lý dự án Truyền tải điện đang quản lý điều hành Dự án mở rộng ngăn lộ và cải tạo TBA 500kV Thạnh Mỹ (Quảng Nam) để có thể nhập khẩu điện từ Nhà máy điện gió Monsoon qua đường dây 500kV mạch kép Monsoon - Thạnh Mỹ. Monsoon là một trong những trang trại điện gió lớn nhất Đông Nam Á, với tổng đầu tư gần 1 tỷ USD (công suất 600MW) nằm ở khu vực Nam Lào, cách biên giới Việt Nam khoảng hơn 20 km.
Trong tương lai, EVNNPT sẽ đầu tư thêm đường dây 220kV Nậm Ou 5 - Điện Biên, đưa vào vận hành trong giai đoạn 2023 - 2024 để tiếp tục nhập khẩu điện từ khu vực Bắc Lào…
PV: Ông đánh giá như thế nào về sự phối hợp của các đối tác phía Lào trong thời gian vừa qua?
Ông Nguyễn Tuấn Tùng: Các đối tác ở Lào phối hợp với ngành Điện rất kịp thời và cởi mở trên tinh thần đó hai bên đã làm việc với nhau rất trách nhiệm, có hiệu quả.
Cụ thể, các đối tác ở Lào ký các Hợp đồng mua, bán điện với EVN. Vừa qua, đoàn công tác của EVNNPT đã trực tiếp sang Viêng Chăn (Lào) để làm việc với Công ty Impact Energy Asia Development Limited (IEAD) là chủ đầu tư của Nhà máy điện gió Monsoon, để khớp nối công tác đầu tư xây dựng Dự án mở rộng TBA 500 kV Thạnh Mỹ nhằm sớm đưa điện về Việt Nam.
Đoàn công tác của EVNNPT cũng đã làm việc với Tập đoàn Phongsubthavy là chủ đầu tư cụm nhà máy thủy điện Nậm Sum và nhiều thủy điện khác ở Lào. Phía bạn cam kết sẽ tích cực phối hợp, trao đổi thông tin cần thiết với EVNNPT; đồng thời khẳng định sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng lưới truyền tải sát biên giới (phần trên lãnh thổ Lào) để có thể đóng điện qua khu vực Bắc miền Trung nước ta trong quý II/2023.
Đường dây 220kV Xekaman 1- Pleiku 2 truyền tải điện từ Lào về Việt Nam
|
PV: Theo quan điểm của ông, dư địa về hợp tác năng lượng giữa Việt Nam và Lào trong tương lai là như thế nào?
Ông Nguyễn Tuấn Tùng: Việt Nam và Lào nên có hệ thống kết nối lưới điện quốc gia với nhau, vì hiện tại giữa hai nước đã có hệ thống kết nối xuyên biên giới nhưng mới chỉ dừng ở đấu nối vào các nguồn điện sát biên giới về Việt Nam.
Với mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa 2 quốc gia, tôi tin việc hợp tác về năng lượng theo hướng trên sẽ thuận lợi. Với vị trí địa lý của Lào là gần các nước Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc, nên việc liên kết lưới của Việt Nam với các nước Đông Nam Á sẽ thuận lợi hơn. Đây cũng là một xu thế tất yếu trong bối cảnh công suất nguồn năng lượng tái tạo trong hệ thống điện Việt Nam ngày càng tăng cao và có đặc tính không ổn định, cần phải có nguồn điện bổ sung như vào thời điểm điện mặt trời không phát được. Ví dụ đường dây 500kV Monsoon - Thạnh Mỹ sẽ giúp hài hòa nhu cầu phát và tiêu thụ điện giữa hai nước do thời điểm cao điểm về mùa gió để phát điện ở Lào thì ở Việt Nam không phát được, nên chúng ta có thể nhập khẩu điện qua đường dây này. Hoặc ngược lại khi vào mùa lũ, ở Việt Nam có thể phát và có nguồn điện lớn, thì lúc đó có thể xuất khẩu sang phía Lào.
PV: Xin cảm ơn ông!
Võ Tuấn
Share