Hội thảo do Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam, Bộ Thương mại Quốc tế (DIT), Hội đồng Công nghiệp Năng lượng (EIC), Hiệp hội Doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam (BBGV) và Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) phối hợp tổ chức.
Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam, ông Gareth Ward nhận định Việt Nam trong những năm gần đây nổi lên là một nhà sản xuất năng lượng quan trọng ở Đông Nam Á và được xếp trong nhóm bốn quốc gia hàng đầu Đông Nam Á về sản xuất dầu khí và trữ lượng dầu. Đồng thời, nhu cầu phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam ngày càng tăng và Chính phủ đang có những sáng kiến để thúc đẩy lĩnh vực này, đặc biệt là điện gió và mặt trời.
Trong khi đó, Vương quốc Anh cũng là quốc gia dẫn đầu thế giới về gió ngoài khơi với công suất lắp đặt lớn nhất toàn cầu là 7,6 GW. “Tôi tin rằng Hội thảo này sẽ là nền tảng để Vương quốc Anh hợp tác chặt chẽ với Việt Nam và hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển hướng khỏi nhiên liệu hóa thạch và gia tăng thị phần của năng lượng tái tạo trong những năm tới”, Đại sứ Gareth Ward nói.
Tại Hội thảo, đại diện 30 công ty của Vương quốc Anh trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và tài chính xanh cũng đã tham dự và chia sẻ với các đối tác Việt Nam cách tiếp cận chính sách, phát triển khung pháp lý và kinh nghiệm về phát triển năng lượng hướng tới giảm thiểu carbon.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, trong vòng 20 năm qua, Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ấn tượng từ 6-7%. Nhưng mặt khác, nhu cầu điện năng đã tăng trên 13% trong giai đoạn 2000-2010; trên 11% trong giai đoạn 2011-2016; đến năm 2018 là trên 10%. Nhu cầu điện năng tăng cao liên tục tạo ra những sức ép lớn về đầu tư cho năng lực phát điện, cũng như hệ thống truyền tải và phân phối.
Các dự báo cho thấy từ nay cho đến năm 2030, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức cao từ 6,5 - 7,5%/năm, do đó, ưu tiên cao phải được dành cho đảm bảo nhu cầu năng lượng.
Một trong những mục tiêu ưu tiên của Việt Nam là phát triển năng lượng tái tạo để giảm dần sự phụ thuộc vào các dạng năng lượng phát điện truyền thống nhằm bảo vệ môi trường.
Theo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia đã được Chính phủ phê duyệt, công suất lắp đặt nguồn điện cả nước sẽ lên đến 130.000 MW vào năm 2030. Như vậy, khoảng 83.000 MWW nguồn điện mới sẽ cần phải xây dựng và đưa vào vận hành từ nay đến 2030, cùng với đó là các cơ sở hạ tầng truyền tải và phân phối đồng bộ.
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho biết thêm, Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2030, có xét đến 2050 được Chính phủ Việt Nam phê duyệt vào tháng 9/2015 đã đưa ra các mục tiêu cụ thể. Trong đó, tỷ trọng điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng điện năng sản xuất toàn quốc sẽ tăng từ 35% năm 2015 lên mức 38% năm 2020 và 43% năm 2050.
Để khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo nhằm đạt các mục tiêu phát triển trên, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành hàng loạt các cơ chế như Fit (Feed-in-Tariff) cho điện mặt trời, điện gió, điện sản xuất từ chất thải rắn, điện sinh khối,... Chính phủ cũng ban hành các chính sách ưu đãi khác cho các nhà đầu tư như ưu tiên cung cấp tín dụng, miễn/giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, sử dụng Hợp đồng mua bán điện mẫu...
Thông qua Hội thảo, “Bộ Công Thương mong muốn được trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của Vương quốc Anh và quốc tế trong phát triển năng lượng carbon thấp và phát triển các nguồn năng lượng tái tạo; trao đổi các giải pháp, khả năng hợp tác, khả năng tiếp cận các nguồn vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế và Anh quốc cho các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam”, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho biết.