Vượt thách thức với nguồn nhân lực kiên cường

Đối diện khó khăn, không ít doanh nghiệp chọn cách sa thải nhân viên và làn sóng này vẫn đang tiếp diễn. Tuy nhiên, cũng có nhiều doanh nghiệp bằng những cách khác biệt đã vượt thách thức với nguồn nhân lực kiên cường.

“Sóng thần sa thải”

Kể từ cuối năm 2022, những biến động của kinh tế vĩ mô khiến làn sóng sa thải diễn ra trên toàn thế giới. Việt Nam cũng không ngoại lệ khi “sóng thần sa thải” đã ập đến và tác động mạnh mẽ đến nhiều doanh nghiệp.

Chỉ số gắn kết và động lực làm việc của người lao động đang tụt giảm mạnh.

Theo số liệu khảo sát từ công ty tư vấn nguồn nhân lực Anphabe, từ tháng 9/2022 - 5/2023, trung bình cứ 10 doanh nghiệp tại Việt Nam thì có 3 doanh nghiệp buộc phải cắt giảm nguồn nhân lực với quy mô khác nhau để giảm thiểu chi phí. Đến nay, đã có khoảng 13% người đi làm tại Việt Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão sa thải, tập trung nhiều hơn ở cấp nhân viên và nhất là nhóm còn trong giai đoạn thử việc.

Doanh nghiệp các ngành công nghệ thông tin, phần mềm, thương mại điện tử đã cắt giảm trung bình khoảng 25% nguồn nhân lực trong năm qua. Ngành bất động sản cũng cắt giảm 22% nhân lực, bảo hiểm cắt giảm 18% và tỷ lệ này ở các ngành điện tử - công nghệ cao là 16%, du lịch - ẩm thực - nghỉ dưỡng là 16%...

Không dừng lại ở tình trạng hiện tại, “sóng thần sa thải” sẽ còn tiếp tục diễn trong thời gian tới. Theo khảo sát của Anphabe, ngoài 33% doanh nghiệp đã thực hiện cắt giảm, có 13% doanh nghiệp sẽ tiếp tục cắt giảm, 34% quyết định giữ nguyên và chỉ có 20% đơn vị có kế hoạch gia tăng nguồn nhân lực.

Đáng chú ý, với nhóm công ty quyết định giữ nguyên hoặc sẽ cắt giảm nhân sự, biện pháp “không tuyển dụng thay thế đối với nhân viên tự nguyện nghỉ việc” đang trở nên phổ biến. Chiến lược “sa thải thầm lặng” này nhằm tránh gây xáo trộn lớn trong tổ chức mà vẫn giảm dần số lượng nhân sự xuống mức mong muốn.

Dù làn sóng sa thải vẫn đang tiếp diễn nhưng Anphabe cho rằng bức tranh lao động không hoàn toàn chỉ có gam màu tối. Bởi các thống kê cho thấy, cứ 10 người bị cắt giảm sẽ có 7 người tìm được công việc mới. Trong số 7 người này, chỉ một người chấp nhận lương thấp hơn, 3 người giữ nguyên mức lương và 3 người thậm chí tìm được việc với mức lương mới cao hơn.

Cẩn trọng trong cắt giảm nhân sự

Theo phân tích của các chuyên gia, trong nỗ lực cắt giảm nhân sự, các doanh nghiệp có thể ngay lập tức tiết kiệm tối đa chi phí. Tuy nhiên, sau đó họ có thể sẽ trả giá cho những mất mát lớn hơn về năng suất và lòng trung thành của nhân viên, đặc biệt là những người may mắn được giữ lại hậu sa thải.

Bên cạnh đó, chính sách không sa thải tức thời của doanh nghiệp cũng đang khiến nhân viên dần chuyển sang trạng thái không cống hiến hết mình. Vì vậy, việc cắt giảm nhân sự phải được thực hiện cẩn thận và tỉnh táo. Không nên chỉ vì tầm nhìn ngắn hạn trước mắt mà ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp.

Một hệ lụy nữa của làn sóng sa thải là môi trường làm việc trở nên vô cùng áp lực. Những người bị cắt giảm có thể trải qua giai đoạn khó khăn và hụt hẫng, nhưng áp lực lớn hơn vẫn đang đè nặng lên vai những người được doanh nghiệp giữ lại. Họ bị stress nặng, rơi vào trạng thái kiệt sức, trống rỗng và không còn động lực để cố gắng. Và vì vậy, doanh nghiệp lại đối mặt với nhiều thách thức phức tạp, từ việc kinh doanh giảm sút dẫn đến áp lực cắt giảm nhân sự, đồng thời gặp phải các vấn đề liên quan đến mất gắn kết, giảm hiệu suất và tình trạng kiệt quệ vì stress.

GS-TS. Nguyễn Đức Khương - Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế Thủ tướng cho biết, ở góc độ vĩ mô, những bất ổn, những “cơn gió ngược” của nền kinh tế thế giới đã và đang tác động tới Việt Nam trong bức tranh đầu tư, hoạt động thương mại. Tuy nhiên, doanh nghiệp nên có những hành động thiết thực để từng bước vượt qua các cơn gió ngược, sóng ngầm. Doanh nghiệp hướng tới phát triển bền vững dựa trên chiến lược nhân sự ưu tú, đầu tư cho môi trường làm việc, nâng cấp kỹ năng, xây dựng sức khỏe tinh thần cho nhân viên.

Nên xây dựng nguồn nhân lực kiên cường

Doanh nghiệp phải xây dựng nguồn nhân lực kiên cường để cùng doanh nghiệp vượt thách thức là lời khuyên của các chuyên gia trong bối cảnh hiện nay. Và trên thực tế, một số doanh nghiệp sáng tạo, linh hoạt trong việc ứng biến và áp dụng “tư duy nghịch lý” trong quyết định và hành động của mình, đưa ra những giải pháp đột phá và độc đáo để xây dựng nguồn nhân lực kiên cường giúp doanh nghiệp vượt thách thức.

Việc nâng cao hiệu suất và đảm bảo an sinh cho nhân viên thường được xem là hai mục tiêu đối lập, nhưng nhiều doanh nghiệp đã “hóa giải” bằng việc ứng dụng số hóa. Đơn cử, Suntory PepsiCo Vietnam Beverage (SPVB) nhờ áp dụng các dự án tinh gọn quy trình và số hóa đã tiết kiệm hơn 4.000 giờ làm việc mỗi năm, đồng thời đạt mức tăng trưởng doanh số gấp đôi.

Tương tự, BAT Việt Nam đã sử dụng công nghệ để phân tích và cải thiện thói quen làm việc không hiệu quả, giúp nhân viên quản lý thời gian tốt hơn. Những thay đổi như “No meeting day - Ngày không có cuộc họp” hằng tháng, hệ thống nhắc nhở khung giờ vàng làm việc và các cuộc họp 1:1 định kỳ với quản lý cũng đã giảm tới 63% thời gian lãng phí khi đi họp ở doanh nghiệp này.

Nhiều doanh nghiệp còn nâng tầm năng lực nhân viên để sẵn sàng cho những bước đi xa hơn trong tương lai. Chẳng hạn, tại LG Display Việt Nam, việc đào tạo nhân viên với số lượng lớn là một thách thức nhưng nhờ tập trung đào tạo 4 lĩnh vực chính và áp dụng đào tạo thực nghiệm, thời gian đào tạo đã được rút ngắn đáng kể từ 1 năm xuống 6 tháng. Đồng thời, việc tăng cường tiếng Anh và tiếng Hàn cho công nhân cũng giúp tăng cường hiệu quả đào tạo. Kết quả là dù chỉ với mức đầu tư khiêm tốn, nhưng số lượng kỹ sư đạt chuẩn đã tăng gấp 3,3 lần chỉ sau một năm triển khai.

Trong khi đó, Schneider Electric Việt Nam tập trung nâng tầm nhân sự về chiều sâu với mục tiêu chuyển đổi tư duy bền vững cho ít nhất 90% nhân viên trước năm 2025. Công ty này đã không ngừng cải tiến chính sách nhân sự và xây dựng mô hình quản trị bền vững để phát triển đội ngũ nhân tài với khả năng thích ứng nhanh chóng trước sự thay đổi liên tục của thời đại.

Đại diện của Schneider Electric cho rằng, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo ngày càng phát triển, đòi hỏi doanh nghiệp phải điều chỉnh chính sách và mô hình quản trị để đào tạo ra nguồn nhân lực số có trình độ chuyên môn làm chủ công nghệ.

Schneider Electric đã áp dụng mô hình lãnh đạo và phát triển con người 4L (lãnh đạo với sự đa dạng - hòa hợp, lãnh đạo linh hoạt, lãnh đạo tạo ra thế hệ tương lai, lãnh đạo với sự quan tâm) với hơn 1.000 nhân viên. Doanh nghiệp này đã tạo được môi trường văn hóa lấy con người làm trọng tâm và nuôi dưỡng được thế hệ lãnh đạo tương lai thông qua các hoạt động thu hút, phát triển nội tại và giữ chân đội ngũ nhân sự phù hợp trong doanh nghiệp.

Cụ thể, doanh nghiệp này xây dựng văn hóa doanh nghiệp đa dạng về nền tảng, chuyên môn, độ tuổi, kinh nghiệm và giới tính, song song với việc triển khai chương trình linh hoạt đáp ứng nhu cầu cá nhân theo cách phù hợp nhất nhằm đảm bảo mọi nhân viên đều cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Doanh nghiệp còn áp dụng nhiều chương trình phúc lợi nhân viên, tập trung vào phát triển con người nhằm thể hiện sự quan tâm toàn diện đến sự nghiệp, sức khỏe, gia đình, môi trường làm việc, tài chính và tinh thần cho nhân viên thông qua nhiều sáng kiến và hoạt động thường niên…

Link gốc


  • 01/08/2023 03:43
  • Theo https://doanhnhansaigon.vn/
  • 4768