TS Nguyễn Mạnh Cường
|
PV: Được biết, Bộ Công Thương đang triển khai xây dựng Quy hoạch điện VIII theo yêu cầu của Chính phủ. Vậy thời điểm nào Bộ sẽ hoàn thành dự thảo để trình Chính phủ, thưa ông?
TS Nguyễn Mạnh Cường: Hiện Chính phủ đã thông qua đề cương Quy hoạch điện VIII và nhiệm vụ lập Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia do Bộ Công Thương trình lên. Hạn hoàn thành Quy hoạch điện VIII là tháng 6/2020, nên ngay từ đầu năm 2019, Bộ Công Thương đã phải triển khai rất tích cực vấn đề này.
Việc xây dựng Quy hoạch điện VIII là rất phức tạp. Đầu tiên, Bộ Công Thương phải tính toán dự báo phụ tải, lấy số liệu kinh tế - xã hội của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các dự báo về tăng trưởng kinh tế. Từ đó, tính toán các nguồn điện; trong đó, phải xem xét kỹ việc phát triển điện gió, điện than, năng lượng tái tạo như thế nào để phù hợp với nền kinh tế và phù hợp với đặc điểm xu hướng phát triển nguồn năng lượng hiện nay.
PV: Thưa ông, hướng xây dựng Quy hoạch điện VIII có khác gì so với những quy hoạch điện trước đó?
TS Nguyễn Mạnh Cường: Quy hoạch điện VIII sẽ có những điểm khác cơ bản. Các Quy hoạch điện VI, Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh vẫn chủ yếu dựa vào nguồn điện truyền thống như: Thủy điện, nhiệt điện, tuabin khí… nhưng Quy hoạch điện VIII sẽ là quy hoạch điện của thời kỳ năng lượng tái tạo, nên cách làm khác hẳn. Điện mặt trời và điện gió phần nhiều do thời tiết quyết định, trong khi đó không được để quá trình cung ứng điện bị gián đoạn nên cách thiết kế trong Quy hoạch điện VIII cũng sẽ phải khác so với trước.
PV: Thời gian qua, việc thu xếp vốn cho các dự án điện gặp nhiều khó khăn, Quy hoạch điện VIII sẽ đặt vấn đề thu hút vốn đầu tư trong xây dựng nguồn điện và lưới điện ra sao, thưa ông?
TS Nguyễn Mạnh Cường: Trong Quy hoạch điện VIII có riêng 1 chương cơ chế chính sách về vốn, đấu thầu dự án điện, lưới truyền tải điện… Tất cả các vấn đề về đầu tư lưới điện, nguồn điện, vốn… đang được Bộ Công Thương tổng hợp và thực hiện và dự kiến tháng 6/2020 sẽ có dự thảo lần 1. Theo đó, chúng tôi sẽ đặt ra vấn đề giả thiết, chi phí đầu tư trong tương lai của các dạng năng lượng sẽ càng ngày càng giảm hoặc càng ngày càng tăng thì đầu tư bao nhiêu. Về thu hút đầu tư lưới điện sẽ áp theo quy định Luật Điện lực, còn lưới truyền tải sẽ thuộc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia. Về vấn đề xã hội hóa để thu hút đầu tư hệ thống đường dây, phải có cơ chế riêng.
Với công suất nguồn, Quy hoạch điện VIII sẽ nêu rõ cơ cấu, tỷ lệ các nguồn điện ra sao, đặt ở đâu, bao nhiêu MW… để các doanh nghiệp có thể chủ động tham gia đầu tư. Sau quy hoạch là vấn đề thu hút đầu tư bằng giá điện. Nếu giá điện tốt, hợp lý, sẽ có sức hút với các nhà đầu tư, giống như đầu tư điện mặt trời thời gian vừa qua.
PV: Trong bối cảnh hiện nay, nguồn thủy điện đã khai thác cạn kiệt, nhiệt điện than và khí gặp nhiều khó khăn về nguồn cung. Vậy theo ông cơ cấu nguồn điện trong Quy hoạch điện VIII sẽ như thế nào và có tính tới việc thực hiện dự án điện hạt nhân hay không?
TS Nguyễn Mạnh Cường: Nhập khẩu điện sẽ tạo một nguồn cung ứng không nhỏ cho Việt Nam. Còn với năng lượng tái tạo, chúng ta đang khuyến khích để càng đưa vào nhiều càng tốt. Hiện tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng cơ cấu nguồn điện mà Bộ đang nghiên cứu ở các mức 10%, 20%, 50% và thậm chí là 80% trong tương lai. Tỷ lệ cụ thể ra sao phía Viện Năng lượng vẫn đang tính toán. Tháng 6/2020, khi có bản dự thảo lần 1, Bộ có thể sẽ lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà quản lý, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị quốc tế.
Với điện hạt nhân, đây là nguồn có tính ổn định, công suất lớn, giá rẻ, nếu có thể làm tốt vấn đề an toàn thì cũng không đáng lo ngại. Chúng ta cũng luôn để mở khả năng sử dụng điện hạt nhân, chứ không hoàn toàn đóng lại. Về mặt chủ trương, Quy hoạch điện VIII sẽ đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo. Bởi, thứ nhất là đảm bảo môi trường, thứ hai là suất đầu tư có xu hướng ngày càng thấp hơn.
PV: Xin cảm ơn ông!
1. Lập quy hoạch phát triển điện lực nhằm:
- Dự báo nhu cầu tiêu thụ điện thời kỳ 2021 - 2030, có xét đến năm 2045;
- Nghiên cứu các phương án phát triển nguồn và lưới điện, lựa chọn phương án có chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật tốt và có tính khả thi cao, đảm bảo cung cấp điện an toàn liên tục cho phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước;
- Đánh giá về tác động môi trường và lập báo cáo môi trường chiến lược trong phát triển điện lực;
- Nghiên cứu đề xuất các giải pháp chủ yếu về cơ chế, chính sách phát triển ngành Điện, tổ chức thực hiện quy hoạch, đảm bảo phát triển bền vững ngành Điện.
2. Quy hoạch điện VIII phải đảm bảo:
- Phát triển cân đối giữa các vùng, miền, cân đối giữa nguồn và phụ tải;
- Ưu tiên phát triển hợp lý năng lượng tái tạo;
- Sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả;
- Phát triển lưới điện hiện đại, thông minh và lưới điện liên kết với các quốc gia láng giềng;
- Phát triển thị trường điện và khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển điện lực;
- Phát triển điện lực thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo sự phát triển bền vững và phù hợp với chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.
(Nguồn: Quyết định 1264/QĐ-TTg ngày 1/10/2019, của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch điện VIII)
|