Ông Phạm Lê Phú - Tổng giám đốc EVNNPT
|
PV: Thưa ông, dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên cả nước, Tổng công ty đã có những chỉ đạo gì đối với các đơn vị thành viên trước đợt bùng phát trở lại này?
Ông Phạm Lê Phú: Ngoài những đợt dịch bùng phát mạnh, trong các thời điểm dịch tạm lắng, EVNNPT vẫn có văn bản yêu cầu, nhắc nhở các đơn vị tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác trước nguy cơ tiềm ẩn của dịch bệnh. Do vậy, đến trước khi đợt dịch thứ 4 diễn ra, có thể nói toàn EVNNPT vẫn luôn trong trạng thái chủ động, tích cực, sẵn sàng đối phó khi dịch bệnh xuất hiện.
Cuối tháng 4/2021, trước tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại các nước láng giềng, có nguy cơ lây lan vào nước ta và phát triển trong cộng đồng, EVNNPT đã ban hành 2 văn bản chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm soát, sẵn sàng ứng phó dịch bệnh, đặc biệt tại khu vực biên giới; chuẩn bị phương án nghỉ tập trung sau ca làm việc; đồng thời sẵn sàng kịch bản ứng phó nếu có CBCNV bị mắc dịch bệnh.
Mới đây, Đảng ủy EVNNPT đã ban hành văn bản số 99-CV/ĐU ngày 05/5/2021 về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, điều đó khẳng định quyết tâm của cả hệ thống chính trị của EVNNPT để phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này.
PV: Kinh nghiệm nào được EVNNPT rút ra từ những lần ứng phó với dịch COVID-19 trước đây?
Ông Phạm Lê Phú: Đầu tiên và quan trọng nhất đó là quán triệt tới toàn thể người lao động trong EVNNPT nâng cao tinh thần cảnh giác, tuyệt đối chấp hành nghiêm túc các chủ trương của Chính phủ, địa phương, các chỉ đạo, khuyến cáo, hướng dẫn của Bộ Y tế, của EVN và EVNNPT về công tác phòng chống dịch bệnh.
Thứ hai, phải chủ động chuẩn bị sẵn sàng phương án đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra. Các đơn vị đều được yêu cầu xây dựng các kịch bản cụ thể. Trong đó, các Công ty Truyền tải điện đều xây dựng “kịch bản cực đoan nhất đó là có từ 3 đến 10 đội truyền tải điện trong khu vực cùng thiếu từ 50% quân số trở lên do phải nghỉ việc để thực hiện cách ly theo quy định” nhưng vẫn đảm bảo truyền tải điện an toàn, ổn định.
Thứ ba, khi có tình huống dịch bệnh bùng phát ở địa phương, các đơn vị phải giữ bình tĩnh để tổ chức thực hiện theo kịch bản đã chuẩn bị. Đây là kinh nghiệm mà EVNNPT rút ra sau các đợt bùng phát trước đây. Mặc dù diễn biến dịch tại các địa phương rất phức tạp, số ca lây nhiễm cộng đồng liên tục tăng cao, tuy nhiên, nhờ công tác chuẩn bị và ứng phó tốt, người lao động của EVNNPT trên địa bàn không bị nhiễm bệnh, đồng thời duy trì tốt các hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị.
PV: Trong trường hợp TBA, đường dây, hoặc công trường đang thi công có người bị nhiễm COVID-19, EVNNPT sẽ ứng phó như thế nào?
Ông Phạm Lê Phú: Tuy đã thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch nhưng với những thay đổi khó lường của dịch bệnh, nhất là trong những ngày qua dịch bệnh đã bùng phát trở lại tại nhiều địa phương thì nguy cơ này là rất lớn. EVNNPT đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng kịch bản cụ thể như sau:
Đối với vận hành trạm biến áp, khi có ca bệnh thì ngoài việc người bị nhiễm bệnh phải tới cơ sở điều trị thì gần như toàn bộ lực lượng tại trạm này bị cách ly theo quy định. Do vậy đơn vị quản lý trạm biến áp này cần phải báo cáo ngay cho chính quyền địa phương sở tại và đơn vị cấp trên trực tiếp về tình hình ca bệnh cũng như những người có nguy cơ do tiếp xúc với ca bệnh. Phun khử khuẩn toàn bộ khu vực trạm biến áp, nhất là khu nhà điều hành, nhà nghỉ ca. Điều động lực lượng đến trực vận hành, thay thế cho những người đã được đưa đi điều trị hoặc cách ly.
Đối với những trạm biến áp đã được chuyển sang chế độ bán người trực hoặc không người trực thì sử dụng triệt để việc giám sát, điều khiển từ xa, lực lượng vận hành chỉ cần tới trạm khi xử lý những bất thường thiết bị nếu có.
Đối với các Đội truyền tải điện, các công trường xây dựng, thì việc khai báo, khử khuẩn cũng được xử lý tương tự như trên.
Do lực lượng quản lý đường dây không phải làm theo ca và cũng không phải thường xuyên có mặt tại hiện trường nên việc ứng phó cũng dễ hơn. Trong trường hợp này các đơn vị cử lực lượng thay thế để kiểm tra theo định kỳ và sẵn sàng xử lý sự cố nếu có theo yêu cầu của các cấp điều độ.
Các công trường xây dựng thì tùy từng mức độ cần thiết, EVNNPT sẽ có những chỉ đạo xử lý phù hợp. Nếu tiến độ của dự án không quá cấp bách thì chỉ đạo các ban quản lý dự án cho tạm thời dừng thi công. Đối với những dự án cấp bách thì các đơn vị quản lý dự án cùng các nhà thầu xây lắp sau khi khử khuẩn toàn bộ khu vực sẽ điều động lực lượng đến thay thế để đảm bảo tiến độ.
PTC2 sử dụng thiết bị bay phun thuốc khử khuẩn phòng chống dịch COVID-19 tại TBA 500kV Đà Nẵng
|
PV: Bên cạnh đó, nhiều dự án lưới điện truyền tải đang trong giai đoạn nước rút, EVNNPT có chỉ đạo gì để đảm bảo song hành 2 nhiệm vụ vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo đầu tư xây dựng?
Ông Phạm Lê Phú: Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao, mặc dù bị tác động không nhỏ bởi dịch COVID-19 nhưng với tinh thần khẩn trương, EVNNPT tập trung mọi nguồn lực và giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án lưới điện truyền tải nhằm giải tỏa công suất nguồn điện. Mục tiêu năm nay, EVNNPT hoàn thành đóng điện 72 dự án, khởi công 47 dự án.
EVNNPT chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đôn đốc và kiểm soát chặt chẽ các nhà thầu thi công tại công trường, tránh tình trạng lơ là và mất cảnh giác trong công tác phòng chống dịch COVID-19.
EVNNPT trực tiếp chỉ đạo xuyên suốt quá trình triển khai dự án, trong một số trường hợp cụ thể trực tiếp tham gia để điều hành, từ công tác điều phối cung cấp vật tư thiết bị, các thủ tục thu xếp vốn đến điều hành trên công trường và huy động các lực lượng nội bộ trong EVNNPT.
Giám đốc các Ban quản lý dự án phải trực tiếp điều hành thường xuyên tại công trường trong giai đoạn nước rút, để huy động tối đa và điều phối nguồn lực các đơn vị tham gia công trường do lãnh đạo cao nhất chỉ huy thực hiện.
PV: Để phòng chống dịch hiệu quả, việc đẩy mạnh ứng dụng KHCN nào trong sản xuất kinh doanh và đầu tư xây dựng có ý nghĩa rất quan trọng, EVNNPT đã có ứng dụng gì?
Ông Phạm Lê Phú: Trong các năm qua, EVNNPT đã tích cực nghiên cứu, ứng dụng KHCN mới với mục tiêu tiết kiệm chi phí, tăng năng suất lao động và đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện. Có nhiều giải pháp giúp EVNNPT điều hành sản xuất kinh doanh liên tục, đảm bảo tiến độ các công trình đầu tư xây dựng, đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp. Cụ thể, trong quản lý vận hành, EVNNPT triển khai trạm biến áp không người trực; ứng dụng thiết bị bay kiểm tra quản lý vận hành lưới điện; ứng dụng camera giám sát quản lý vận hành đường dây; ứng dụng thiết bị bay UAV phun thuốc tiệt trùng các trung tâm vận hành.
Trong quản lý điều hành, EVNNPT ứng dụng camera giám sát thi công các công trình xây dựng; họp qua hội nghị truyền hình đến tất cả các đơn vị cấp 4, các đơn vị giám sát, điều hành thi công công trình.
Tổng công ty sẽ tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng thêm các thành tựu KHCN trong thời gian tới để phục vụ tốt hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng, phòng chống dịch bệnh.
PV: Xin cảm ơn ông!
Huyền Thương (thực hiện)
Share