Xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong bối cảnh mới

Thành công hay thất bại của mỗi doanh nghiệp (DN) đều gắn với việc có hay không văn hóa DN, văn hóa doanh nhân.

Kiến tạo phát triển doanh nghiệp

Theo các chuyên gia, văn hóa DN là nền tảng quan trọng để quá trình hoạt động của DN ổn định và phát triển bền vững. Đó là toàn bộ giá trị văn hóa được gầy dựng trong suốt quá trình tồn tại và phát triển của DN, tạo nên bản sắc DN. Vì vậy, việc xây dựng, nâng cao văn hóa DN là rất cần thiết, giúp kiến tạo phát triển DN.

TS. Võ Phước Tài - Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF), cho rằng, xây dựng văn hóa đặc trưng cho DN và doanh nhân trong môi trường kinh doanh có nhiều lợi ích. Đó là giúp tạo dựng thương hiệu, tăng khả năng nhận diện thương hiệu của công ty trong tâm trí khách hàng. Tăng sức cạnh tranh, tạo động lực cho nhân viên, tạo niềm tin cho đối tác và nhà đầu tư, góp phần phát triển đất nước.

Ảnh minh họa.

Không chỉ thế, DN và doanh nhân cần phải xây dựng một văn hóa đặc trưng linh hoạt, có khả năng thích nghi với nhiều môi trường kinh doanh khác nhau trong bối cảnh toàn cầu hóa. Bởi những DN và doanh nhân có văn hóa đặc trưng linh hoạt, sáng tạo và thích nghi sẽ có nhiều cơ hội để tận dụng các cơ hội kinh doanh trên thị trường toàn cầu.

Theo GS. Võ Tòng Xuân, có hai vấn đề văn hóa DN trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là trong bối cảnh TP.HCM đang cố gắng tạo ra những bứt phá trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên thị trường quốc tế. DN cần thiết lập một hệ thống các giá trị và niềm tin, được chia sẻ từ lãnh đạo đến từng nhân viên trong công ty nhằm duy trì sự gắn kết xã hội cũng như đóng góp vào ý tưởng và sự phát triển của công ty.

Bởi, văn hoá DN không chỉ được xây dựng dựa trên những đặc quyền vật chất như bữa ăn miễn phí hay nhạc nền trong văn phòng... mà phải là một môi trường làm việc tích cực thúc đẩy sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, khiến các cá nhân cảm thấy như thể họ thuộc về một cộng đồng và khuyến khích nhân viên phát huy hết khả năng của mình. Điều này không chỉ có thể ngăn chặn tỷ lệ nghỉ việc cao mà còn tăng năng suất, thúc đẩy đổi mới…, giúp công ty trở nên cạnh tranh hơn.

Để đạt được mục tiêu này, các lãnh đạo DN cần xây dựng hướng phát triển rõ ràng, có thể đặt mục tiêu doanh thu thấp nhưng nhiều cơ hội tăng trưởng. Không chạy theo doanh thu cao trong khi khả năng chuyên nghiệp thấp, dẫn đến những mánh lới làm mờ ám, giả dối, dẫn đến mất đoàn kết trong nhân viên. Bên cạnh đó, phải công nhận thành công và thành tích kịp thời, cân bằng giữa công việc và cuộc sống lành mạnh giữa các nhân viên.

Phụ thuộc vào người đứng đầu

Chia sẻ tại hội thảo "Giải pháp xây dựng văn hóa đặc trưng của doanh nghiệp, doanh nhân TP.HCM trong không gian văn hóa Hồ Chí Minh" do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy và Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM tổ chức ngày 25/7/2023 tại TP.HCM, ông Lê Doãn Hợp - nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, có 3 vấn đề cần chú ý khi xây dựng văn hóa doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh hiện nay.

Thứ nhất, văn hóa DN mãi mãi lệ thuộc văn hóa của người đứng đầu. Mà văn hóa của người đứng đầu lãi lệ thuộc vào đạo đức, tài năng và bản lĩnh của họ. Vì vậy, lo văn hóa DN trước hết là lo văn hóa của người đứng đầu. Những người lãnh đạo phải là người giỏi, phải tiếp cận, tiếp thu và điều chỉnh mình. Họ phải là những người dám nghĩ ra những gì chưa có, dám nói để bảo vệ người tốt, ngăn chặn người xấu và dám nói với nhà nước để ủng hộ mình.

Thứ hai, các quy chế quản lý nội bộ phải có văn hóa. Đó là quản lý con người, tài chính và quản lý thu nhập trên cơ sở cống hiến của người lao động. Đừng có suy nghĩ quản lý theo kiểu cào bằng, vì cào bằng sẽ không giúp người lao động có động lực phát triển.

Thứ ba, có ba nhiệm vụ quan trọng để có thể chứng minh đây là DN có văn hóa. Đó là trách nhiệm với nhà nước (trong đó quan trọng là nộp thuế), trách nhiệm với cộng đồng và trách nhiệm với người tiêu dùng (hàng hóa chất lượng có giá hợp lý).

TS. Huỳnh Thanh Điền - Đại học Nguyễn Tất Thành, cũng cho rằng văn hóa doanh nhân quyết định văn hóa DN. Văn hóa doanh nhân được hiểu là các giá trị, chuẩn mực chi phối mọi hành vi lãnh đạo, từ đó củng cố hệ giá trị, chuẩn mực chi phối hành vi của người lao động trong DN. Doanh nhân ý thức trong việc xây dựng và duy trì thực hiện giá trị văn hóa theo mong muốn, giúp lan tỏa tinh thần sáng tạo, gắn kết người lao động và tăng năng suất, hiệu quả kinh doanh.

“Có một thứ thúc đẩy người lao động tích cực sáng tạo, nỗ lực hơn bất cứ thứ gì. Đó là niềm tin về các giá trị mà họ theo đuổi. Doanh nhân cần tạo được giá trị cốt lõi và xây dựng được đội ngũ cùng chung chí hướng, mọi người điều tin rằng giá trị họ theo đuổi là xứng đáng. Đó là các giá trị dung hòa lợi ích giữa bản thân và lợi ích DN. Khi nào người lao động tin chắc rằng DN phát triển gắn liền với sự phát triển của chính bản thân mình và xã hội, thì họ sẽ tích cực sáng tạo và cống hiến”, ông Điền nói.

Nên như thế nào?

Các chuyên gia cho rằng, muốn xây dựng văn hóa DN, cần hiểu rõ các nội dung phải thực hiện và lan tỏa. Cụ thể, xác định các trụ cột chính, cần phải lan tỏa trong toàn công ty, gồm: xây dựng văn hóa an toàn (trong sản xuất, di chuyển, sinh hoạt) nhằm tạo dựng môi trường làm việc tốt nhất cho người lao động, xây dựng nguyên tắc ứng xử, tối đa hóa giá trị cho khách hàng thông qua hệ thống kiểm soát chất lượng và giảm chi phí giá thành, nâng cao phúc lợi cho người lao động, phát triển bền vững DN gắn với trách nhiệm cộng đồng.

Theo TS. Võ Phước Tài, xây dựng văn hóa DN là một quá trình kéo dài và DN phải xác định các giá trị cốt lõi, tôn chỉ và mục tiêu hoạt động của mình. Đây là những yếu tố quan trọng để định hình văn hóa đặc trưng của DN. Ngoài ra, các quy tắc và tiêu chuẩn của DN cần được xây dựng rõ ràng và minh bạch, đảm bảo nhân viên hiểu và tuân thủ để tạo nên một môi trường làm việc đúng đắn và chuyên nghiệp.

Trong suốt quá trình xây dựng văn hóa đặc trưng, DN cần tạo ra môi trường làm việc tích cực, khuyến khích nhân viên phát huy năng lực và sáng tạo. Môi trường làm việc tốt cũng giúp cải thiện tinh thần làm việc của nhân viên, tăng năng suất và hiệu quả hoạt động của DN.

Bên cạnh đó, việc khuyến khích sự phát triển và học hỏi của nhân viên, đảm bảo rằng họ có đầy đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết để phát triển bản thân và đóng góp cho DN. Thêm nữa, trong môi trường DN hoạt động cũng không thể thiếu sự đồng thuận và sự tương tác giữa nhân viên, đảm bảo rằng mọi người đều cảm thấy có sự gắn kết và hỗ trợ lẫn nhau. Điều này cũng giúp xây dựng một môi trường làm việc tích cực và đặc trưng cho DN.

Ths. Nguyễn Minh Hải - Trưởng phòng Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM cho rằng, xây dựng văn hóa DN trước hết là trách nhiệm của các chủ DN, các doanh nhân. Để thực hiện thành công, các chủ DN cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và xem đó là một mục tiêu để phát triển DN bền vững.

“Tại TP.HCM, gắn với việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, yêu cầu về xây dựng văn hóa DN càng trở nên quan trọng. Do đó, các chủ DN, các DN phải thực sự chú trọng vấn đề này và có giải pháp phù hợp để triển khai có hiệu quả thiết thực tại DN của mình”, ông Nguyễn Minh Hải nhấn mạnh.

Thực tế đã chứng minh, thành công hay thất bại của mỗi DN đều gắn với việc có hay không văn hóa DN. Do vậy, hơn lúc nào hết, để DN phát triển nhanh và bền vững, ngoài việc chú trọng chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh của hàng hóa, lợi nhuận thu được, DN phải xây dựng được văn hóa DN trong điều kiện toàn cầu hóa.

Link gốc


  • 01/08/2023 04:06
  • Theo https://doanhnhansaigon.vn/
  • 7858