Xử lý nghiêm hành vi vi phạm hành lang bảo vệ lưới điện cao áp

17:27, 03/03/2014

Đây là trách nhiệm của đơn vị quản lý vận hành lưới điện cao áp được quy định tại Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ về quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2014 để thay thế cho Nghị định 106/2005, Nghị định số 81/2009 về quy định bảo vệ công trình lưới điện cao áp.

Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực về an toàn điện bao gồm: An toàn trong phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, sử dụng điện trong sản xuất; bồi thường hỗ trợ nhà ở, công trình, đất và cây trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây điện trên không khi xây dựng các công trình lưới điện cao áp (từ 6kV trở lên).

Theo quy định tại Nghị định, khi phát hiện hành vi vi phạm về hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp, đơn vị quản lý phải yêu cầu dừng ngay các hành vi vi phạm. Đơn vị quản lý vận hành lưới điện cao áp có trách nhiệm kiểm tra thường xuyên hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp trong phạ m vi quản lý của mình. Khi phát hiện hành vi vi phạm, phải yêu cầu đối tượng vi phạm dừng ngay các hành vi vi phạm, báo cáo và phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại địa phương lập biên bản xử lý các hành vi vi phạm đó.

Bảo vệ an toàn lưới điện cao áp được quy định chi tiết tại Nghị đinh số 14/2014/NĐ-CP ngày 26/2/2014 của Chính phủ - Ảnh Văn Lương

Đơn vị quản lý vận hành cũng phải kiểm tra, sửa chữa, bảo dưỡng lưới điện đúng thời hạn quy định; không vận hành quá tải đối với đường dây phía trên nhà ở, công trình xây dựng.

Đồng thời, thống kê, theo dõi tai nạn điện, các vi phạm đối với hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp trong phạm vi quản lý và báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động điện lực và sử dụng điện tại địa phương, cơ quan cấp trên theo định kỳ 6 tháng, hàng năm; đối với tai nạn điện còn phải thực hiện chế độ báo cáo nhanh đến cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động điện lực và sử dụng điện tại địa phương, cơ quan cấp trên trong vòng 24 giờ kể từ khi tai nạn xảy ra;

Người quản lý vận hành, sửa chữa lưới điện phải thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn điện…

Nghị định cũng quy định trách nhiệm bảo vệ an toàn lưới điện cao áp. Cụ thể, khi phát hiện lưới điện cao áp bị xâm phạm, bị phá hoại, bị cháy, bị sự cố nghiêm trọng thì đơn vị quản lý vận hành lưới điện cao áp, UBND các cấp, công an, lực lượng vũ trang trên địa bàn có trách nhiệm phối hợp khẩn trương khắc phục để hạn chế thiệt hại và đưa công trình vào hoạt động.

Chủ tịch UBND cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ an toàn lưới điện cao áp trong phạm vi quản lý của mình.

Căn cứ tình hình ở từng địa phương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác bảo vệ an toàn lưới điện cao áp. Thành phần và quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định.

Nghị đinh số 14/2014/NĐ-CP ngày 26/2/2014 của Chính phủ có đính kèm file.


Lương Nguyên

Share