Theo hãng thông tấn AP News, mực nước trong hồ chứa đập thủy điện Kariba – hồ nhân tạo có thể tích lớn nhất thế giới, thuộc sở hữu chung của Zambia và Zimbabwe – đã giảm mạnh, làm cho các tua bin thủy điện không đủ nước để vận hành, dẫn đến những sự cố mất điện kéo dài trên diện rộng.
Tình trạng hạn hán nghiêm trọng trong khu vực khiến cho đập Kariba không đủ nước để chạy các tua bin thủy điện. Ảnh: AP News
|
Hiện nay, chỉ một trong sáu tua bin ở phía Zambia của đập Kariba có thể hoạt động, với sản lượng điện chỉ đạt dưới 10% so với thông thường. Nếu tình hình thời tiết cực đoan tiếp tục, nhà máy thủy điện này còn đứng trước nguy cơ phải đóng cửa hoàn toàn.
Trước khi xảy ra tình trạng hạn hán lịch sử, chỉ một nửa trên 20 triệu người dân Zambia có điện. Hiện tại, con số này đã tăng thêm hàng triệu người. Người dân Zambia không còn cách nào khác ngoài việc phải thích nghi với điều kiện cuộc sống khắc nghiệt. Nhiều gia đình phải nấu ăn bằng những biện pháp tạm thời, nhiều trẻ em phải học dưới ánh nến. Thiếu điện còn gây ảnh hưởng nặng nề nhất đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn là xương sống của nền kinh tế đất nước.
Nhà kinh tế học Trevor Hambayi lo ngại rằng nếu cuộc khủng hoảng điện tại Zambia tiếp tục kéo dài, nó sẽ làm trầm trọng hơn mức độ nghèo đói trong nước.
Một người phụ nữ tự đào hố ở lòng sông khô cạn để múc múc nước tại Lusitu, Zambia. Ảnh: AP News
|
Mặc dù Châu Phi đóng góp rất ít vào tình trạng biến đổi khí hậu, nhưng lại là khu vực dễ bị tổn thương nhất trước các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán do các quốc gia nghèo trong khu vực không có đủ nguồn lực tài chính để thích ứng và tự bảo vệ mình. Năm nay, miền Nam châu Phi đã trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, gây thiệt hại nặng nề cho mùa màng và đẩy hàng triệu người vào tình trạng thiếu lương thực. Zambia và nhiều nước khác phải tuyên bố tình trạng thảm họa quốc gia và kêu gọi viện trợ quốc tế.
Thủy điện hiện chiếm 17% sản lượng điện của toàn châu Phi, và con số này dự kiến sẽ tăng lên 23% vào năm 2040. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo rằng quá phụ thuộc vào thủy điện không còn là giải pháp an toàn trong bối cảnh khí hậu biến đổi. Các quốc gia như Zambia, Mozambique, Malawi, Uganda, và Ethiopia, nơi thủy điện chiếm hơn 80% tổng nguồn cung điện, đang đối mặt với những rủi ro lớn nếu hiện tượng thời tiết cực đoan tiếp tục xảy ra.
Giáo sư Carlos Lopes từ Đại học Cape Town cũng nhận định rằng, các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán đã cho thấy việc phụ thuộc vào thủy điện không còn bền vững, và cần phải tìm kiếm những giải pháp năng lượng ổn định hơn.
Chính phủ Zambia đã kêu gọi người dân và doanh nghiệp chuyển sang sử dụng năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, nhiều người dân Zambia không đủ khả năng tài chính để lắp đặt công nghệ này. Để đáp ứng nhu cầu điện khẩn cấp, chính phủ đã tạm thời sử dụng máy phát điện diesel. Ngoài ra, Zambia cũng dự định tăng cường sản lượng điện từ các nhà máy điện chạy bằng than để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước.
Nước láng giềng Zimbabwe cũng gặp phải tình trạng mất điện nghiêm trọng do hạn hán tại đập Kariba. Tuy nhiên, Zimbabwe đã ứng phó thành công bằng biện pháp tăng cường sản lượng điện than, giúp cải thiện nguồn cung điện dù phải đối mặt với những thách thức tương tự.