Tài liệu sinh hoạt Chi bộ tháng 1/2024

I. TÌNH HÌNH THỜI SỰ, CHÍNH TRỊ TRONG NƯỚC; HOẠT ĐỘNG TIÊU BIỂU CỦA ĐẢNG ỦY KHỐI DNTW

1. Tình hình thời sự, chính trị trong nước:

1.1. Chiều ngày 26/12, tại trụ sở Trung ương Đảng, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp đồng chí Shii Kazuo, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Nhật Bản, đang dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Nhật Bản thăm và làm việc tại Việt Nam theo lời mời của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh về truyền thống đoàn kết, hữu nghị giữa Đảng Cộng sản Nhật Bản và Đảng Cộng sản Việt Nam được xây dựng trong những năm tháng đấu tranh cách mạng, cảm ơn sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu mà Đảng Cộng sản Nhật Bản và nhân dân yêu chuộng hòa bình Nhật Bản đã dành cho Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây, cũng như trong xây dựng chủ nghĩa xã hội và phát triển đất nước ngày nay. Đồng chí Tổng Bí thư trao đổi về đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng vui mừng trước những bước phát triển tốt đẹp của quan hệ hai Đảng trong thời gian qua thông qua duy trì giao lưu, tiếp xúc cấp cao, chia sẻ thông tin; đánh giá cao hoạt động Trao đổi lý luận thường niên giữa hai Đảng, coi đây là điểm sáng trong quan hệ hợp tác, giao lưu giữa hai Đảng.

1.2. Nhận lời mời của Nhà nước Nhật Bản, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 26 - 30/11/2023. Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, là điểm nhấn nổi bật và quan trọng nhất trong chuỗi khoảng 500 sự kiện kỷ niệm trong năm 2023.

Chuyến thăm có kết quả quan trọng và toàn diện, trong đó dấu ấn nổi bật là việc hai bên đã ra Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới”. Tuyên bố chung khẳng định mong muốn của hai nước cùng thúc đẩy quan hệ hợp tác trên mọi lĩnh vực lên tầm cao mới và mở rộng sang những lĩnh vực hợp tác mới; nhấn mạnh các nguyên tắc nền tảng định hướng quan hệ Việt Nam - Nhật Bản. Việt Nam và Nhật Bản thống nhất tiếp tục thực hiện hiệu quả các cơ chế đối thoại song phương, tăng cường hợp tác thực chất, hiệu quả trong lĩnh vực quốc phòng, nhất trí đẩy mạnh hợp tác về an toàn và an ninh trên biển thông qua việc tăng cường các hoạt động hợp tác, bao gồm huấn luyện chung, chia sẻ thông tin và nâng cao năng lực của lực lượng cảnh sát biển hai nước. Hai bên cũng tái khẳng định cam kết đẩy mạnh các nỗ lực nhằm giải quyết các khó khăn còn tồn đọng trong quá trình thực hiện các dự án ODA của Nhật Bản. Hai bên đã đạt nhất trí cao về định hướng lớn, quan trọng trong thời gian tới, ký kết 5 văn kiện hợp tác trong chuyển đổi năng lượng, y tế, nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển, vệ tinh vũ trụ, di sản văn hóa.

Đặc biệt, trong phát biểu tại Quốc hội Nhật Bản (29/11), Chủ tịch nước đã truyền tải thông điệp về một đất nước Việt Nam đổi mới mở cửa, yêu chuộng hòa bình, khát vọng phát triển, về chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Điểm lại chặng đường 50 năm quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam - Nhật Bản, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định quan hệ hai nước là “Lương duyên trời định”. Chủ tịch nước chia sẻ tầm nhìn và định hướng lớn để triển khai hiệu quả Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới, bày tỏ quyết tâm cùng Nhật Bản xây dựng quan hệ hai nước thực sự là: “Bạn bè chân thành, đối tác tin cậy, hợp tác chiến lược, tương lai bền vững”. Chuyến thăm của Chủ tịch nước có dấu ấn quan trọng, mở ra một giai đoạn hợp tác mới giữa hai nước với các ưu tiên cần tập trung triển khai cụ thể trong khuôn khổ quan hệ mới Đối tác Chiến lược toàn diện. Trong đó, trước tiên là tiếp tục tăng cường sự tin cậy chính trị thông qua duy trì giao lưu, tiếp xúc cấp cao hàng năm bằng nhiều hình thức linh hoạt trên các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, tạo nền tảng vững chắc cho quan hệ hai nước trên tất cả các lĩnh vực. Hai là, định ra phương hướng triển khai quan hệ trong các lĩnh vực. Tăng cường kết nối nguồn nhân lực, đẩy mạnh các hoạt động giao lưu nhân dân, hợp tác địa phương, tạo sự hiểu biết, tin cậy, hợp tác hiệu quả, thực chất. Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo cán bộ cấp chiến lược. Ba là, tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế như Liên Hợp Quốc, ASEAN, Mê Công, APEC…

2. Điểm một số hoạt động của Đảng ủy Khối DNTW

2.1. Trong 2 ngày (18-19/12/2023), Ban Thường vụ Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức Hội nghị kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể và các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối năm 2023. Trên tinh thần dân chủ, thẳng thắn, Hội nghị đã tập trung kiểm điểm, thảo luận, phân tích làm rõ kết quả, nguyên nhân và chỉ ra những tồn tại, hạn chế của tập thể và cá nhân các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy Khối; đồng thời đề ra giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Hội nghị cũng đã tiến hành bỏ phiếu xếp loại chất lượng tập thể và các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Đảng uỷ Khối đảm bảo đúng quy định, yêu cầu đề ra.

2.2. Ngày 8/12 và ngày 12/12 tại Hà Nội, Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác tuyên giáo, dân vận, văn phòng cấp uỷ năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 và Hội nghị tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.

2.3. Ngày 06/12, Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cở sở của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Đồng chí Nguyễn Lam, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện QCDC ở cơ sở dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Tại Hội nghị, các đại biểu đã tham gia góp ý vào dự thảo Báo cáo kết quả thực hiện QCDC ở cơ sở năm 2023, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024. Các ý kiến phát biểu tại Hội nghị đã thẳng thắn đánh giá, phân tích kết quả cũng như hạn chế trong quá trình thực hiện QCDC ở cơ sở năm 2023 trong toàn Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương. Qua báo cáo tổng kết việc thực hiện QCDC ở cơ sở và đánh giá hàng năm của Ban Chỉ đạo Trung ương, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương là một trong số cơ quan, đơn vị triển khai việc thực hiện dân chủ ở cơ sở bài bản, có hệ thống, đạt hiệu quả tốt. Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại các doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, phát huy tinh thần làm chủ của công nhân viên chức, người lao động, kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc; hạn chế tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể xảy ra, đảm bảo và phát huy quyền làm chủ của người lao động.

II. TIN HOẠT ĐỘNG CỦA ĐẢNG ỦY TẬP ĐOÀN VÀ ĐƠN VỊ

1. Ngày 4/12, Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã triệu tập Hội nghị trực tuyến kết nối với Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Trung ương 8 khóa XIII của Đảng từ điểm cầu của Đảng ủy Khối DNTW đến điểm cầu của EVN và phòng họp trực tuyến tại các tổ chức đảng trực thuộc với gần 8.500 cán bộ, đảng viên kết nối hơn 200 điểm cầu thuộc 27 tổ chức đảng trực thuộc  Đảng ủy EVN tham gia nghiên cứu, học tập.

2. Ngày 27/12, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lần thứ 16. Đồng chí Đặng Hoàng An, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV EVN chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có lãnh đạo Vụ địa bàn VI, Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Hữu Tuấn - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy EVN đã trình bày báo cáo của Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam về kết quả thực hiện nhiệm vụ giữa 2 kỳ họp Ban Chấp hành.

Ban Thường vụ Đảng ủy EVN đã bám sát nhiệm vụ theo Chương trình công tác trọng tâm năm 2023 đã được Ban Chấp hành thông qua, chủ động, linh hoạt điều chỉnh các nội dung công việc theo tình hình thực tiễn của Tập đoàn và các chương trình, nhiệm vụ đột xuất theo yêu cầu của cấp trên; cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình công tác năm 2023. Tại hội nghị cũng đã thông qua các nội dung quan trọng như: Báo cáo công tác năm 2023, nhiệm vụ năm 2024; Nghị quyết công tác năm 2024; Chương trình công tác trọng tâm năm 2024; Chương trình kiểm tra, giám sát năm 2024; dự thảo sửa đổi “Đề án nhân sự Ban Chấp hành Đảng bộ EVN, nhiệm kỳ 2020-2025”.

3. Ngày 02/01/2024, tại Hà Nội, Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác Đảng, sản xuất kinh doanh năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Tham dự Hội nghị, có đồng chí Nguyễn Thanh Sơn - Vụ trưởng Vụ địa bàn VI;  đồng chí Nguyễn Long Hải, Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối;  đồng chí Nguyễn Hoàng Anh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban QLV; đồng chí Nguyễn Sinh Nhật Tân - Thứ trưởng Bộ Công Thương và Dự hội nghị còn có lãnh đạo các ban của Đảng ủy Khối DNTW; lãnh đạo các cục, vụ chức năng thuộc Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Cục An ninh kinh tế - Bộ Công an; lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản, Tổng công ty Đông Bắc.

Báo cáo tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy EVN Nguyễn Hữu Tuấn cho biết, Năm 2023, Đảng ủy Tập đoàn đã tiếp nhận thêm 07 đảng bộ về trực thuộc Đảng ủy Tập đoàn, tiếp nhận 10 tổ chức đảng đơn vị cấp 3 với 4.637 đảng viên. Đến nay, Đảng bộ có 9.211 đảng viên, tăng hơn 2 lần so với đầu năm. Mô hình tổ chức các Ban Đảng cũng được thành lập lại theo quy định mới của Trung ương. Việc thành lập các cơ quan chuyên trách, kiện toàn nhân sự chuyên trách của Đảng và sắp xếp, kiện toàn mô hình tổ chức đảng của các tổ chức đảng trực thuộc góp phần nâng cao trai trò, hiệu quả lãnh đạo của cấp ủy đối với hoạt động sản xuất kinh doanh và công tác cán bộ, phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tiễn của Đảng bộ Tập đoàn và các tổ chức đảng. Đảng ủy EVN đã hoàn thành đạt và vượt nhiều chỉ tiêu công tác xây dựng Đảng như: chỉ tiêu “Đảng ủy Tập đoàn và 100% cấp ủy trực thuộc ban hành nghị quyết nhiệm vụ công tác năm 2023 để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện”; chỉ tiêu “Hoàn thành việc thực hiện Đề án thành lập Đảng bộ Tập đoàn theo Quy định số 60-QĐ/TW ngày 08/3/2022 và Quy định số 87-QĐ/TW ngày 28/10/2022”; chỉ tiêu “Kịp thời triển khai và nghiêm túc thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương Đảng, của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương”,…

Một số mục tiêu của Đảng bộ EVN đề ra trong năm 2024:

a. Về công tác xây dựng Đảng

- Đảng ủy Tập đoàn và cấp ủy trực thuộc ban hành nghị quyết chuyên đề về nhiệm vụ công tác năm 2024 để lãnh đạo thực hiện.

- Kịp thời triển khai có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương Đảng, của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương.

- Phấn đấu 100% tổ chức đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó có 20% tổ chức đảng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 90% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, trong đó có 20% đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

- Kết nạp 250 đảng viên mới.

- Các tổ chức đoàn thể đạt danh hiệu xuất sắc.

b. Về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị

- Đảm bảo cung cấp đủ điện với sản lượng điện thương phẩm năm 2023 đạt 262,26 tỷ kWh; sẵn sàng cho phương án cao đến 269,3 tỷ kWh.

- Hoàn thành phát điện 03 dự án, gồm NMTĐ Ialy mở rộng và 02 dự án ĐMT Phước Thái 2, 3 (Quý II/2024), phấn đấu khởi công các dự án NMTĐ Trị An MR, TĐ tích năng Bắc Ái; Hoàn thành 190 dự án lưới điện từ 110-500kV. Tập trung mọi nỗ lực để đảm bảo tiến độ dự án đặc biệt quan trọng: Đường dây 500kW mạch 3 từ Quảng Trạch - Phố Nối theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

- Vốn đầu tư toàn Tập đoàn: 101.911 tỷ đồng.

- Phấn đấu cân bằng tài chính, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước.

- Năng suất lao động tăng trên 8%.

4. Trong tháng 12 năm 2022, nhiều đảng bộ trực thuộc Đảng bộ Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tiến hành tổ chức Kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; Hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Tham dự Hội nghị, đại diện Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn đều đánh giá cao những kết quả đạt được của cấp ủy cơ sở, khẳng định vai trò đóng góp của cấp ủy và tổ chức đảng trực thuộc vào trong những thành tích chung của Đảng bộ Tập đoàn trong công tác xây dựng Đảng và thực hiện các nhiệm vụ chính trị.

III. TIN THAM KHẢO

1. Một số kết quả chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình

Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Thưởng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình và Phu nhân thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 12 - 13/12/2023.

Chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân có ý nghĩa hết sức quan trọng, diễn ra đúng vào dịp Kỷ niệm 15 năm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc (2008 - 2023); là sự nối tiếp các hoạt động giao lưu cấp cao giữa hai Đảng, hai nước từ sau chuyến thăm lịch sử tới Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (30/10 - 01/11/2022); khẳng định sự coi trọng, ưu tiên hàng đầu của cả Việt Nam và Trung Quốc đối với việc củng cố, phát triển quan hệ ổn định, vững chắc, bền vững, vì lợi ích chung của hai nước.

Trong khuôn khổ các hoạt động của chuyến thăm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; hội kiến với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; dự tiệc chiêu đãi cấp Nhà nước và tham dự chương trình Gặp gỡ nhân sĩ hữu nghị, thế hệ trẻ Việt Nam - Trung Quốc cùng nhiều hoạt động khác. Hai bên đã ký kết 36 văn bản thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

Tại cuộc hội đàm giữa Tổng Bí thư hai nước, trong bầu không khí thân tình, hữu nghị, chân thành, thẳng thắn, hai bên đã đi sâu trao đổi về tình hình mỗi Đảng, mỗi nước, quan hệ hai Đảng, hai nước và những vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm; nhất trí xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, vì hòa bình và tiến bộ của nhân loại, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, trên nguyên tắc hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, kiên trì giải quyết các bất đồng thông qua biện pháp hòa bình.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị hai bên cùng thực hiện tốt những nhận thức chung cấp cao, tôn trọng các lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhau, không làm phức tạp thêm tình hình, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), thúc đẩy Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) phù hợp với UNCLOS 1982.

Hai bên ra Tuyên bố chung về tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược. Nội dung Tuyên bố chung nhấn mạnh: Trung Quốc kiên trì chính sách hữu nghị với Việt Nam, coi Việt Nam là hướng ưu tiên trong ngoại giao láng giềng. Phía Việt Nam khẳng định luôn coi quan hệ với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Hai bên xác định rõ các phương hướng hợp tác lớn giữa hai nước là: Tăng cường trao đổi chiến lược, kiên trì đối xử bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, củng cố hơn nữa tin cậy chính trị; hợp tác quốc phòng, an ninh thực chất hơn; hợp tác thực chất sâu sắc hơn; nền tảng xã hội vững chắc hơn; phối hợp đa phương chặt chẽ hơn; bất đồng được kiểm soát và giải quyết tốt hơn.

2. 10 dấu ấn nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2023

Khép lại năm 2023, trong bối cảnh khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi, tình hình diễn biến bất thường, phức tạp vượt mọi dự báo trước đó, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, nhiều lĩnh vực đạt thành tựu, dấu ấn nổi bật. Những kết quả, thành tựu đó đạt được là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, kịp thời của Trung ương Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự vào cuộc, giám sát, đồng hành của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc, đoàn kết, phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương; sự ủng hộ, tham gia tích cực của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; sự quan tâm, giúp đỡ của bạn bè quốc tế. Sau đâu là 10 thành tựu, dấu ấn tiêu biểu của đất nước trong năm 2023 được các cơ quan thông tấn, báo chí lựa chọn:

2.1. Việt Nam tiếp tục là điểm sáng kinh tế toàn cầu

Kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực; tiếp tục là điểm sáng của kinh tế toàn cầu; đạt và vượt 10/15 chỉ tiêu.

Năm 2023, Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế ghi nhận là quốc gia đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế xã hội. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát; tăng trưởng được thúc đẩy; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Tăng trưởng GDP cả năm khoảng 5%, là nỗ lực rất lớn trong bối cảnh tình hình chung toàn cầu rất khó khăn, giúp nền kinh tế nước ta vẫn thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới. Khu vực nông nghiệp là điểm sáng và tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế trong khó khăn; khu vực dịch vụ phát triển khá sôi động, khu vực công nghiệp và xây dựng từng bước phục hồi.

Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế nước ta và dự báo Việt Nam sẽ phục hồi nhanh trong thời gian tới. Fitch Ratings đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+ (từ mức BB), với triển vọng "Ổn định". Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD, tăng 1 bậc lên thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới.

2.2. Đối ngoại, hội nhập đạt những thành tựu lịch sử

Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai sôi động, bài bản, liên tục, thành công toàn diện và là điểm sáng nổi bật của năm 2023, với sự kết hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, hiệu quả của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân. Nhiều thành tựu đối ngoại quan trọng có tính lịch sử, tạo thời cơ, vận hội mới để phát triển đất nước; nổi bật là công tác chuẩn bị và tổ chức đón, tiếp thành công các chuyến thăm chính thức cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. Một loạt chuyến thăm và làm việc ở nước ngoài của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã làm sâu sắc thêm quan hệ tốt đẹp với nhiều đối tác quan trọng. Hình ảnh, tầm vóc, uy tín và vị thế Việt Nam được nâng lên tầm cao mới.

2.3. Phát triển vượt bậc hệ thống đường cao tốc

Việc thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, có sự chuyển biến vượt bậc, đặc biệt là hệ thống đường bộ cao tốc. Năm 2023 là năm có nhiều dự án cao tốc hoàn thành và khởi công mới nhất trong hơn một thập kỷ qua. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 729 km đường bộ cao tốc, nâng tổng số km đường cao tốc đưa vào khai thác đến nay là 1.892 km, đồng thời đang thi công khoảng 1.700 km cao tốc, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mục tiêu cả nước có khoảng 3.000 km đường cao tốc vào năm 2025, 5.000 km cao tốc vào năm 2030. Về hàng không, hoàn thành đưa vào khai thác Nhà ga hành khách T2, cảng hàng không Phú Bài, Điện Biên; xử lý quyết liệt, dứt điểm vướng mắc để khởi công nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành... bảo đảm chất lượng, tiến độ yêu cầu.

2.4. Xây dựng, hoàn thiện  thể chế được chú trọng xứng tầm đột phá chiến lược

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách được chú trọng xứng tầm đột phá chiến lược với nhiều đổi mới trong chỉ đạo, cách làm. Chính phủ đã nhận được sự chia sẻ, đồng hành, phối hợp chặt chẽ Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trong năm 2023, Quốc hội đã thông qua 16 luật, 29 Nghị quyết và cho ý kiến 18 dự án luật. Chính phủ đã tổ chức 10 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, cho ý kiến đối với 47 nội dung, tập trung hoàn thiện, trình Quốc hội dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Chính phủ ban hành 86 nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 29 quyết định quy phạm. Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước được triển khai quyết liệt, có hiệu quả; trong đó tập trung cắt giảm, đơn giản hóa, phân cấp giải quyết thủ tục hành chính. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy; chấn chỉnh tình trạng cán bộ, công chức đùn đẩy, sợ trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ, đã ban hành Nghị định của Chính phủ về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Công tác quy hoạch được đẩy nhanh, 108/111 quy hoạch đã hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt, chất lượng được nâng lên; đã ban hành Quy hoạch tổng thể quốc gia và nhiều quy hoạch ngành, lĩnh vực, tỉnh.

2.5. Xuất khẩu nông sản lập đỉnh, mở ra nhiều thị trường mới

Trong bối cảnh thị trường gặp nhiều khó khăn, song tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn ước đạt 683 tỷ USD, xuất siêu khoảng 26 tỷ USD, trong đó xuất khẩu nông sản, nhất là các mặt hàng rau quả và gạo lập đỉnh mới với nhiều con số kỷ lục.

Cụ thể, nhóm nông sản đạt 24,3 tỷ USD, tăng 17% so với năm ngoái. Có 6 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu hơn 3 tỷ USD gồm cà phê, gạo, rau quả, hạt điều, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ.

Xuất khẩu rau quả đạt 5,6 tỷ USD, mức cao kỷ lục và vượt xa kỳ vọng ban đầu "cả năm 4 tỷ USD". Trong 11 tháng, xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng lập kỷ lục với hơn 7,7 triệu tấn gạo cho giá trị hơn 4,4 tỷ USD, tăng hơn 36% so với năm ngoái. Hạt gạo Việt đã vượt qua các đối thủ để giành vị trí số 1 cuộc thi gạo ngon nhất thế giới.

Với việc ký kết Hiệp định thương mại tự do song phương (VIFTA) với Israel, đến nay, Việt Nam đã ký và tham gia 16 FTA, đang tiếp tục đàm phán 3 FTA nữa là Việt Nam-EFTA (Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein), ASEAN-Canada, và Việt Nam-UAE.

2.6. Kỷ lục trong thu hút đầu tư FDI và thành lập doanh nghiệp mới

Tính đến ngày 20/12/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam (FDI) đạt gần 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ, là năm cao thứ ba trong giai đoạn 2008 đến nay. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022, là mức giải ngân đạt kỷ lục từ trước tới nay trong bối cảnh thương mại đầu tư toàn cầu bị thu hẹp. Xếp hạng môi trường kinh doanh Việt Nam cũng tăng 12 bậc trên toàn cầu.

Hoạt động đăng ký kinh doanh năm 2023 rất ấn tượng với kỷ lục gần 160.000 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 7,2% so với năm 2022, gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2017-2022 và tăng 4,6% so với ước thực hiện cả năm 2023.

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2023 cũng đạt hơn 58.400. Như vậy, số doanh nghiệp gia nhập và quay lại thị trường tiếp tục ở mốc hơn 200.000, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022 và gấp 1,3 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong năm.

2.7. Quyết liệt thúc đẩy những ngành, lĩnh vực mới nổi

Năm 2023 ghi những dấu ấn mới trong cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển những ngành, lĩnh vực mới nổi, thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ.

Chuyển đổi số quốc gia được tích cực thúc đẩy, ước cả năm 2023 tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 15% GDP. Đề án phát triển, ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử (Đề án 06) được chỉ đạo và thực hiện quyết liệt với quyết tâm cao và đạt nhiều kết quả ấn tượng, góp phần hạn chế tiêu cực, tiết kiệm thời gian, công sức cho người dân, doanh nghiệp, là một "điểm sáng" trong chuyển đổi số ở nước ta.

Thị trường khoa học công nghệ có bước phát triển. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia phát triển mạnh; khánh thành Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC); tập trung xây dựng, hoàn thiện 03 Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam xếp hạng 46/132, tăng 02 bậc so với năm 2022.

Năm 2023 cũng đánh dấu bước nhảy vọt của Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn với hàng loạt thỏa thuận, dự án hợp tác phát triển với các đối tác hàng đầu, những tập đoàn, doanh nghiệp khổng lồ trên thế giới.

Việt Nam triển khai quyết liệt các chương trình hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng theo tuyên bố chính trị về chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP), lần đầu tiên bán tín chỉ carbon và phát hành trái phiếu xanh, thể hiện trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế đưa phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

2.8. Dấu ấn tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực

Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, phát hiện, xử lý kịp thời những bất cập, khó khăn, vướng mắc, cả về quy định pháp luật, cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, bảo đảm đời sống cho người lao động.

Ước giải ngân đầu tư công cả năm khoảng 667,882 nghìn tỷ đồng, đạt 94,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2022 khoảng 2,88% (91,42%), về số tuyệt đối cao hơn khoảng 137,6 nghìn tỷ đồng. Đầu tư công được cơ cấu lại theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho các dự án có tính lan tỏa cao, tạo động lực phát triển.

Chính phủ quyết liệt xử lý, tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, bất cập, phát triển các loại thị trường đồng bộ, an toàn, lành mạnh, bền vững và hội nhập; việc ổn định và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản khởi sắc tích cực hơn. Tiếp tục xử lý nợ xấu, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, nhất là 05 ngân hàng yếu kém.

Tập trung cơ cấu lại, nâng cao, cải thiện hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; tiếp tục xử lý hiệu quả bước đầu 8/12 dự án, doanh nghiệp thua lỗ đã kéo dài nhiều năm; hoàn thành và đưa vào vận hành nhiều dự án điện lớn, quan trọng sau thời gian dài gián đoạn.

2.9. Đạt và vượt toàn bộ các chỉ tiêu về xã hội

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư phát triển, đạt kết quả rõ nét hơn. Toàn bộ các chỉ tiêu kế hoạch về xã hội đều đạt và vượt mục tiêu đề ra, thể hiện rõ bản chất tốt đẹp của chế độ ta, không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Trước khó khăn của nền kinh tế, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất. Tổng trị giá của các chính sách này khoảng gần 200 nghìn tỷ đồng và tính đến tháng 11, đã miễn, giảm, gia hạn trên 172 nghìn tỷ đồng (trong đó miễn, giảm khoảng 65 nghìn tỷ đồng). Tăng thu, tiết kiệm chi, trích lập quỹ tiền lương (đến nay được khoảng 560 nghìn tỷ đồng), bảo đảm đủ nguồn để cải cách tiền lương trong 3 năm 2024 – 2026.

Công tác bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo cho đời sống người lao động, nhất là các nhóm yếu thế, đối tượng chính sách tiếp tục được đẩy mạnh. Đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện, thu nhập bình quân của người lao động tăng 6,8%; trên 94% số hộ gia đình đánh giá có thu nhập ổn định hoặc cao hơn cùng kỳ năm 2022. Theo Báo cáo Hạnh phúc thế giới vào tháng 3/2023 của Liên Hợp Quốc, Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam tăng 12 bậc, từ vị trí 77 lên vị trí 65 trong bảng xếp hạng toàn cầu.

Việc tổ chức kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam và Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức, là những sự kiện quan trọng để tiếp tục cụ thể hóa, triển khai chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Đảng Nhà nước về phát triển văn hóa, đặc biệt là những chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021.

2.10. Đẩy mạnh và tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, khẳng định đây là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược được, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước. Có nhiều bước tiến mới trong điều tra, khám phá, xét xử nhiều vụ án lớn; đã khởi tố mới, điều tra nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội rất quan tâm xảy ra trong những lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động khép kín, có sự đan xen giữa khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước mà từ trước tới nay chưa xử lý được, như: Tiếp tục điều tra mở rộng giai đoạn 2 vụ án liên quan đến Công ty Việt Á; vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao); các vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC; Tân Hoàng Minh như: vụ án xảy ra tại Ngân hàng SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty An Đông…; xử lý nhiều bị can là cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu theo tinh thần "Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, dù bất kể đó là ai".

Đến nay, nước ta đã có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hoặc đối tác chiến lược với tất cả 05 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và nhiều nước G20; góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; duy trì được môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

IV. VĂN BẢN, QUYẾT ĐỊNH MỚI CỦA TRUNG ƯƠNG, ĐẢNG ỦY KHỐI DNTW VÀ ĐẢNG ỦY TẬP ĐOÀN

1. Ngày 23/11/2023, Ban Bí thư ra Chỉ thị số 26-CT/TW về việc tổ chức Tết Giáp Thìn năm 2024 nhằm chuẩn bị tốt nhất các điều kiện phục vụ nhân dân đón mừng năm mới 2023 và vui xuân, đón Tết Nguyên Giáp Thìn lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, tạo khí thế phấn khởi, quyết tâm tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp. Đảng ủy Tập đoàn đã ban hành Công văn số 1514-CV/ĐU, ngày 12/12/2023 để triển khai Chỉ thị. Nội dung Chỉ thị đã được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Tập đoàn.

2. Ngày 19/12/2023, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Công văn số 7413-CV/BTGTW về tuyên truyền kỷ niệm 45 năm Ngày Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (07/01/1979 - 07/01/2024). Nội dung Công văn xem tại đây.

3. Ngày 28/12/2023, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 129-HD/BTGTW tại đây, hướng dẫn công tác tuyên truyền miệng, hoạt động Báo cáo viên, tuyên truyền viên năm 2024. 

4. Ngày 27/10/2023, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quy định số 131-QĐ/TW về quy định kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. Nội dung Quy định tại đây.

5. Ngày 04/12/2023, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối DTNW đã ban hành Quyết định số 1614-QĐ/ĐUK về ban hành quy trình kiểm tra, giám sát và xem xét, thi hành kỷ luật đảng của chi bộ trong Đảng bộ Khối DNTW. Nội dung Quyết định xem tại đây

6. Ngày 22/12/2023, Đảng ủy Khối DNTW đã ban hành Kế hoạch số 110-KH/ĐUK về triển khai thực hiện mô hình “chi bộ bốn tốt”, “đảng bộ cơ sở bốn tốt”. Nội dung Kế hoạch tại đây (Đảng ủy Tập đoàn đã có văn bản số 1556-CV/ĐU, ngày 29/12/2023 để triển khai thực hiện).

Xem file tại đây


  • 02/01/2024 04:37
  • Ban Truyền Thông EVN
  • 8788