Than nội tồn kho, nhưng... vẫn phải nhập?

Câu hỏi này sẽ được giải đáp thông qua cuộc trao đổi giữa PGS.TS Trương Duy Nghĩa - Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam với PV Thế giới điện.

Ông Trương Duy Nghĩa

Ông Trương Duy Nghĩa: Hơn một nửa than sản xuất trong nước dành cho sản xuất điện. Hiện nay, hầu hết các nhà máy nhiệt điện than đều sử dụng than nội địa. Chỉ có Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 và Duyên Hải 3 vừa hoàn thành xây dựng là được thiết kế dùng than nhập khẩu. Gần một nửa sản lượng than nội địa còn lại dành cho các ngành công nghiệp khác, nhưng các ngành này không sử dụng hết. Đó là chưa kể, giá thành khai thác than của Việt Nam vừa cao hơn, chất lượng than lại không đạt chuẩn, nên khó có thể cạnh tranh với than nhập khẩu.

Điều đáng nói, tổng trữ lượng than Việt Nam có thể khai thác được khoảng 2,2 tỷ tấn, tập trung chủ yếu ở vùng than Quảng Ninh. Hiện nay, trung bình mỗi năm, Việt Nam khai thác khoảng 60 – 65 triệu tấn than và trữ lượng khai thác than hiệu quả gần như đã đến giới hạn. Nếu tiếp tục khai thác than, Việt Nam phải đầu tư mỏ mới với thời gian 4 – 5 năm, suất đầu tư lớn vì phải khai thác ở mức sâu hơn, khó khăn nhiều hơn. Vì vậy, trong tương lai, để có đủ than cho sản xuất điện theo Quy hoạch điện VII, Việt Nam bắt buộc phải nhập khẩu than. 

PV: Ông có thể cho biết về giá bán cũng như chất lượng của than nội địa so với than nhập khẩu?

Ông Trương Duy Nghĩa: Than nội địa là than antraxit, loại than đá già nhất trong tuổi hình thành của than. Khi sử dụng cho sản xuất điện, than antraxit có nhược điểm là khó cháy hết, trong tro còn lẫn từ 15 - 20% cacbon chưa cháy. Đó là chưa kể, trong quá trình khai thác, do việc sàng tuyển kém, nên than của Việt Nam còn lẫn rất nhiều tạp chất. Loại than tốt cấp cho các nhà máy điện hiện nay chủ yếu là than cám 5a1 với giá 1.700.000 đồng/tấn (khoảng 77 USD/tấn). 

Trong khi đó, than nhập khẩu chủ yếu là than bitum và á bitum; là những loại than dễ cháy, thích hợp với việc đốt trong lò hơi nhà máy điện. Về nguyên lý, than càng dễ cháy, sử dụng cho nhà máy điện càng tốt hơn.

Thời gian qua, giá than thế giới ở mức khá thấp. Đã có thời điểm, than của Nam Phi chào bán 25 USD/tấn. Than của Indonesia dự thầu cho Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 chưa đến 40 USD/tấn.

PV: Vì sao giá than trên thế giới thời gian qua lại rẻ như vậy, thưa ông?

Ông Trương Duy Nghĩa: Là do nền kinh tế toàn cầu suy thoái, nhu cầu sử dụng than giảm rất nhiều. Bên cạnh đó, sản lượng khai thác than của thế giới rất lớn, nếu không bán được thì ngay cả nơi chứa than cũng khó khăn. Cách tốt nhất là hạ giá bán. Nhưng nếu cầu vượt cung thì giá than thế giới lại tăng. Đó là quy luật thị trường. Trong khi đó, giá bán than trong nước lại gần như ổn định. 

PV: Được biết, do tăng trưởng sản lượng điện thấp hơn dự kiến, hệ thống huy động cao các nhà máy thủy điện, nên hiện EVN đang đề xuất với Chính phủ không mua 2 triệu tấn than nội địa trong năm nay. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?

Ông Trương Duy Nghĩa: Các nhà máy nhiệt điện hiện nay được thiết kế đốt than nội địa, không thể chuyển sang sử dụng than nhập khẩu và ngược lại. Có chăng chỉ là một tỷ lệ nhỏ than nhập khẩu (khoảng 15 - 20%) trộn với than nội địa để cải thiện việc đốt than, song việc này chưa thực hiện.

Sản lượng than cần cho mỗi nhà máy điện cũng được phân bổ theo sản lượng điện sản xuất hàng năm của mỗi nhà máy. Trong quá trình điều hành sản xuất điện, EVN phải huy động hợp lý các nhà máy tùy theo nhu cầu sử dụng điện và nguồn tài nguyên (nước, than, khí, dầu…) để đảm bảo tối ưu về kỹ thuật và kinh tế.
Nhưng tất nhiên, nếu EVN không mua 2 triệu tấn than nội địa trong năm nay sẽ càng làm tăng lượng tồn kho, ảnh hưởng đến tình hình tài chính của Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV).

EVN và TKV là hai doanh nghiệp nhà nước, không chỉ phải đảm bảo đủ sản lượng điện/than cho nhu cầu của nền kinh tế; mà hoạt động sản xuất - kinh doanh của 2 Tập đoàn này phải có lãi. Đây là vấn đề thuộc điều hành kinh tế vĩ mô, nhưng vẫn phải đảm bảo hài hòa lợi ích của các doanh nghiệp.

PV: Ông có đề xuất giải pháp nào đảm bảo sự hài hòa lợi ích của 2 Tập đoàn này?

Ông Trương Duy Nghĩa: EVN cần phải tính toán kỹ việc cân đối sử dụng than cho sản xuất điện, cũng như việc huy động các nhà máy nhiệt điện than.
Ngược lại, về phía Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam, cũng cần phải linh hoạt trong khai thác hợp lý sản lượng than, đồng thời, việc mua bán than cũng phải tuân theo nguyên tắc của cơ chế thị trường. Nếu than tồn kho nhiều, không bán được, cần phải có các giải pháp kịp thời, hiệu quả, kể cả việc giảm giá bán than như các nước xuất khẩu than trên thế giới đã làm. Bên cạnh đó, ngành Than cũng cần quan tâm đến chất lượng sàng tuyển than, sao cho than nội địa có thể cạnh tranh được với than nhập khẩu.

PV: Xin cảm ơn ông! 


  • 25/09/2017 03:41
  • Theo TCĐL chuyên đề Thế giới điện
  • 8928