Trung tâm Metro - Đà Nẵng: Áp dụng tích cực và hiệu quả những giải pháp tiết kiệm năng lượng

Sau gần 10 năm hoạt động, Trung tâm Metro - Đà Nẵng đã áp dụng rất nhiều biện pháp kỹ thuật, ứng dụng sự tiến bộ của khoa học công nghệ, triển khai những giải pháp tiết kiệm năng lượng đồng bộ và hiệu quả. Các giải pháp này không những tiết kiệm cho Metro Đà Nẵng một khoản chi phí lớn hàng năm, mà còn giúp cho doanh nghiệp từng bước phát triển công nghệ xanh, thân thiện môi trường.

Những thay đổi trong chiếu sáng

Thay bóng đèn huỳnh quang T8 bằng bóng đèn T5, bóng Led, đây là giải pháp tiết kiệm điện năng rất hiệu quả đang được Metro Đà Nẵng áp dụng trong phạm vi chiếu sáng trần và chiếu sáng khu vực. Đến hết năm 2013, Metro đã thay thế toàn bộ khoảng 2.000 bóng đèn chiếu sáng công nghệ T8 bằng bóng đèn công nghệ T5.

Công suất tiêu thụ của bóng đèn T5 chỉ là 14 W so với 36 W của bóng đèn T8 cũ. Lượng nhiệt mà bóng đèn T5 tỏa ra cũng giảm hơn, không tạo sức nóng như bóng đèn sợi đốt nên nó không ảnh hưởng tới sức khỏe của người dùng và không gây tác hại cho môi trường. Sau khi thay thế hệ thống bóng đèn, Metro Đà Nẵng đã tiết kiệm được một lượng điện năng khá lớn cho hệ thống chiếu sáng siêu thị

  

Vấn đề chiếu sáng sao cho tiết kiệm năng lượng được quan tâm hàng đầu tại Metro Đà Nẵng. Ảnh: CAND

Bên cạnh giải pháp thay đổi công nghệ của bóng đèn chiếu sang thì Metro cũng thay đổi công nghệ chiếu sáng tại các gian trưng bày, tủ, kệ từ chiếu sáng bằng đèn huỳnh quang sang chiếu sáng bằng đèn LED. Sự thay đổi này cũng giúp tiết kiệm đáng kể sản lượng điện phục vụ chiếu sáng. Nếu lắp đặt loại bóng đèn có cùng một lượng quang thông phát ra thì đèn LED đã tiết kiệm được 40% công suất tiêu thụ.

Thay chấn lưu điện tử cho chấn lưu sắt từ của hệ thống đèn chiếu sáng của 2.000 bóng đèn, tiết kiệm được 14 W so với sử dụng chấn lưu sắt từ. Giải pháp này tiết kiệm cho đơn vị khoảng 16.800 kWh/tháng.

Ngoài ra, việc tận dụng ánh sáng tự nhiên cho chiếu sáng cũng là một giải pháp rất hiệu quả. Metro đã tận dụng tối đa ánh sáng mặt trời bằng các ô lấy sáng tại những khu vực trần có vị trí và chiều cao hợp lý, tiết kiệm điện năng cho hệ thống chiếu sáng.

Cải tiến hệ thống làm lạnh tại trung tâm

Trước đây, giữa các kho lạnh với hệ thống các gian trưng bày sản phẩm được ngăn bằng các màn nhựa kiểu màn sáo đơn giản, tạo ra nhiều kẽ hở, khiến hơi lạnh trong kho tiêu tốn ra môi trường bên cạnh khá nhiều. Sau khi thực hiện giải pháp cửa liên thông, hiệu suất làm lạnh của hệ thống giảm thấp.

Với cửa ra vào tự động kiểu bạt ngăn, cửa sẽ tự động đóng mở khi có nhân viên ra vào. Giải pháp này làm giảm độ thoát nhiệt của kho lạnh, tăng hiệu suất hệ thống làm lạnh, giảm điện năng tiêu thụ cho hệ thống điều hòa, tiết kiệm chi phí rất đáng kể.

Những năm trước, hệ thống các tủ bảo quản thực phẩm đông lạnh chỉ dùng các màng ngăn bảo quản nhiệt bằng nhựa, nilong khiến khả năng giữ nhiệt rất kém. Thời gian gần đây, trung tâm đã cho cải tiến các màng ngăn bằng các tấm che meca hoặc kính làm tăng khả năng giữ lạnh tối đa cho các tủ đông này.

Mạnh dạn đầu tư các công nghệ mới

Bên cạnh các giải pháp trên thì trung tâm Metro Đà Nẵng đã mạnh dạn đầu tư hơn 4 tỷ đồng thay thế hệ  thống trao đổi nhiệt của hệ thống làm lạnh công nghệ cũ bằng hệ thống mới với hiệu suất làm lạnh ưu việt hơn rất nhiều. Chủng loại ga dùng trong công nghệ làm lạnh cũng được Metro thay từ ga R407C cho ga loại R22 vừa đem lại hiệu suất làm lạnh cao vừa là loại ga có tiêu chuẩn tốt nhất cho môi trường. Giải pháp này đã tiết kiệm được cho trung tâm từ 10 - 15% sản lượng tiêu thụ hàng tháng của toàn trung tâm.

Ngoài ra, hệ thống điện năng lượng mặt trời với công suất 90 kW cũng được lắp đặt trên trần mái. Hệ thống này cung cấp điện cho một số lượng lớn máy móc của hệ thống cấp nước nóng, phục vụ cho công tác chế biến thực phẩm, súc rửa máy móc, dụng cụ, vệ sinh công nghiệp... Việc vận hành hệ thống này, hàng năm Metro Đà Nẵng cũng tiết kiệm được khoảng 20.000 kWh điện.

Hệ thống điện mặt trời đang được sử dụng tại Metro Đà Nẵng. Ảnh: CAND

Một giải pháp cũng được Metro Đà Nẵng áp dụng là nâng cao hệ số công suất của hệ thống điện bằng hệ thống tủ tụ bù công suất. Tại trạm phân phối điện trung tâm hay các trạm của hệ thống làm lạnh đều được Metro đầu tư lắp hệ thống tụ bù có công suất phù hợp nhằm tăng hệ số công suất (cos O). Giải pháp này giúp Metro tăng hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm tổn thất điện năng.   

Bên cạnh các giải pháp kỹ thuật và công nghệ, Metro còn tăng cường nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật điện tử và tự động hóa, tin học nhằm tăng cường công tác quản lý, giám sát và tiết kiệm năng lượng. Giải pháp này nâng cao hiệu quả trong việc lưu trữ, quản lý dữ liệu, công tác báo cáo được tiến hành khoa học, nhanh chóng và chính xác. Hiện nay, Metro đang áp dụng phần mềm MEMS (quản lý hệ thống năng lượng), hoàn toàn tự động trên máy tính.

Phần mềm này giúp Metro quản lý chặt chẽ các phụ tải quan trọng và có phương án cung cấp điện hợp lý: giảm phụ tải giờ cao điểm, giám sát điều khiển tự động đóng cắt các thiết bị, truy suất các thông số năng lượng, ghi lại đồ thị phụ tải... đảm bảo cho Metro vận hành hệ thống máy móc cùng các thiết bị phụ trợ một cách khoa học, hiệu quả nhất.

 

 

 

 


  • 13/10/2014 02:10
  • Nguồn tin và ảnh: Cand.com.vn
  • 3136