Anh đã sống như thế, anh Tòng ơi!

Sài Gòn mấy hôm nay se lạnh. Cái lạnh bất thường của vùng Đất Phương Nam. Cái lạnh se sắt như đồng cảm và chia sẻ với nỗi buồn của đông đảo anh chị em cán bộ nhân viên chúng tôi trước sự ra đi của anh Tăng Nái Tòng - Phó Tổng giám đốc, Phó Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh.

57 tuổi đời, hơn 30 tuổi nghề, anh chưa đi hết con đường đã chọn, nhưng trong khoảng thời gian ngắn hơn lẽ thường ấy, anh đã để lại những dấu ấn đậm nét trong thành tựu chung của Tổng công ty, để lại sự khâm phục và tình cảm tiếc thương sâu sắc trong bạn bè, đồng nghiệp, người thân. 

Ông Tăng Nái Tòng, Phó Tổng Giám đốc EVNHCMC (hàng đầu bên phải) trong buổi ký kết thỏa thuận hợp tác cùng VNPT TP Hồ Chí Minh - Nguồn ảnh: EVNHCMC

Không tiếc nuối sao được khi mất đi một vị lãnh đạo tài năng và tâm huyết; không đau lòng sao được khi mất đi một cán bộ luôn thân ái, chan hoà, gần gũi và thấu hiểu anh em, đồng nghiệp; không hụt hẫng sao được khi anh đã là một người thầy, một người anh đối với nhiều người khác, luôn tận tình chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, phương pháp làm việc.

Khi mắc căn bệnh quái ác, anh đã chiến đấu, dũng cảm đương đầu với tất cả nghị lực và sự lạc quan. Chúng tôi vào thăm anh sau một đợt điều trị, anh bảo để anh trả lời chung cho tất cả các câu thăm hỏi sức khoẻ. Rồi anh ca bài vọng cổ "Tình anh bán... điện". Bài vọng cổ nổi tiếng "Tình anh bán chiếu" được anh đặt lời mới, với những tâm tình của người làm ngành Điện. Chỉ có người thật tha thiết với nghề mới có những sáng tạo như thế. Nghe giọng anh vang lên trong căn phòng bệnh viện với đầy những máy móc trợ lực, ai cũng cảm thấy nghẹn ngào, thấy cay nồng sống mũi.

Từ nay sẽ không còn có dịp nghe bài vọng cổ "thương hiệu" của anh nữa. Trong những ngày này, đọc những câu chia sẻ của bạn bè, đồng nghiệp viết trên facebook, sẽ thấy mọi người nhớ anh, thương anh như thế nào.

Cũng phải thôi, vì anh đã thường xuyên quan tâm thăm hỏi mọi người, từ anh chị em đang còn công tác đến các cô bác, anh chị hưu trí. Đến thắp hương tiễn biệt anh, nhiều đồng nghiệp đã nghỉ hưu mắt đỏ hoe nói: “Thương quá! năm nào Tòng cũng điện thoại thăm mình”.

Tôi chưa bao giờ thấy anh im lặng, bỏ qua những câu hỏi của đàn em. Anh luôn dành thời gian giải thích cặn kẽ, hướng dẫn tỉ mỉ cho từng người. Anh bảo: “Tri thức phải được truyền mới sống”.

Anh vận dụng kiến thức của mình vào việc phân tích các số liệu để đưa ra những kết luận và chỉ đạo đầy thuyết phục. Khi chỉ đạo công tác giảm tồn kho, anh đọc danh mục hàng ngàn dòng vật tư tồn kho của Tổng công ty, của các đơn vị để chỉ ra hàng loạt bất hợp lý. Anh đặt câu hỏi: Tại sao phải dự phòng loại này nhiều đến thế? Tại sao loại kia rất ít khi dùng đến nhưng đơn vị nào cũng lưu trữ, dự phòng? Tại sao cần nhiều chủng loại công suất máy biến thế như vậy? Tại sao phải nhận hàng sớm và lưu kho khi công trình chưa khởi công?...

Với hàng ngàn câu hỏi tại sao như thế, anh cùng anh em cấp dưới đã kéo trị giá tồn kho từ 1.500 tỷ đồng xuống dưới 1.000 tỷ, rồi dưới 800 tỷ, 600 tỷ. Nhưng thành quả lớn hơn chính là sự thay đổi nhận thức của các cán bộ, chuyên viên vật tư: Tồn kho chính là thứ làm giảm hiệu quả kinh doanh, giảm thu nhập của cán bộ, nhân viên.

Cách tổ chức, quản lý vật tư cũng thay đổi. Bằng phần mềm quản lý, Công ty nắm được danh mục tồn kho của đơn vị để điều chuyển linh hoạt từ nơi nhiều sang nơi ít, nơi chưa dùng sang nơi cần dùng. Định mức tồn kho được thiết lập. Danh mục và số lượng vật tư thiết bị lưu kho đã giảm đến mức hợp lý.

Anh là thế, luôn bắt các con số phải lên tiếng! Anh là thế, luôn suy nghĩ, tìm tòi những giải pháp thấu đáo cho các vấn đề. Anh là thế, thường đúc kết các chỉ đạo của Tổng công ty vào những câu nói ngắn gọn nhưng nội hàm như: “Nếu phải làm thêm 10 việc để khách hàng bớt 1 việc thì cũng phải làm”.

Trên cương vị là Phó Tổng giám đốc phụ trách tài chính và Phó Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty, anh đã chỉ đạo xây dựng quy chế lương, thưởng để người lao động nâng cao thu nhập chính đáng và công bằng, để cán bộ hưu trí được chăm sóc tốt hơn. Anh đã đề xuất Tổng công ty chi trả hoàn toàn viện phí cho các trường hợp bị bệnh hiểm nghèo, phải điều trị lâu dài; chi hỗ trợ cho các trường hợp hưu trí bệnh nặng, khó khăn.

Trong đời sống bên ngoài cơ quan cũng vậy. Từ năm 2005, anh đã tập hợp những bạn học trường THPT An Hữu, huyện Cái Bè, Tiền Giang quê anh, gây quỹ học bổng nhằm hỗ trợ học sinh nghèo hiếu học của trường cũ.

Anh chia sẻ: “Tôi xuất thân từ một gia đình lao động nghèo nên rất thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của các em học sinh nghèo hiếu học. Nay có việc làm, cuộc sống ổn định, có điều kiện nên tôi ủng hộ và đứng ra vận động anh em đóng góp để giúp đỡ các em…”.

Ở lần thứ 11 (năm 2015), quỹ đã trao 320 suất học bổng với tổng trị giá 470 triệu đồng. Anh nói anh vui vì “được góp phần thắp sáng những ước mơ của thế hệ đàn em của ngôi trường mình đã học”. Ngay cả khi đã lâm bệnh, anh vẫn nhắc gia đình chuyển 10 triệu đồng vào quỹ để trao tặng các em vào ngày 3/12 năm nay.

Với gia đình, anh luôn là điểm tựa vững chắc. Nhớ những lần ngay trên đường đi công tác, anh hướng dẫn con gái giải toán qua điện thoại. Chắc cũng hiếm người cha nào ở tuổi 50 còn khả năng hướng dẫn con giải toán cấp 3 như anh. Phía sau câu chuyện giải toán ấy chính là sự quan tâm của anh cho gia đình, là sự tin tưởng như tuyệt đối của con cái đối với anh.

Trong tiếng gió hun hút lạnh lùng của đêm đông cuối cùng trước khi đưa anh về với Đất Mẹ, tôi hồi tưởng lại những ký ức về anh. Và tôi nhớ câu nói của nhà văn Bailey: “Khi sinh ra, bạn khóc còn mọi người đều cười. Hãy sống sao để khi qua đời, bạn mỉm cười còn mọi người đều khóc”.

Anh đã sống được như thế, anh Tòng ơi!


  • 26/12/2017 04:01
  • Phạm Việt Anh
  • 6591