Đầu xuân gặp gỡ những văn nghệ sỹ không chuyên ngành Điện

Đón xuân Đinh Dậu, Tạp chí Điện lực đã có buổi trò chuyện với một số CBCNV ngành Điện, đồng thời cũng là tác giả của những bức ảnh nghệ thuật, những bài hát, bài thơ hay, được công chúng đón nhận.

PV: Nguồn cảm hứng nào đã giúp anh cho ra đời những bức ảnh đẹp, những bài thơ, ca khúc hay về ngành Điện?

Anh Nguyễn Đắc Cường: Khi còn nhỏ, quê tôi nghèo lắm. Chưa có điện, việc học tập của chúng tôi rất vất vả, phải sử dụng đèn dầu. Mùa hè nóng không chịu nổi, còn mùa đông lại rét cắt da, cắt thịt. Vì vậy, ngay từ nhỏ, tôi đã nuôi ý chí quyết tâm theo học ngành Điện. 

Và khi tôi đã là một CBCNV ngành Điện, tôi lại càng cảm nhận được vai trò quan trọng của EVN trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhờ đó, mỗi bài hát tôi viết, mỗi bức ảnh tôi chụp đều từ bắt nguồn cảm xúc chân thực nhất, từ những đồng cảm, chia sẻ và ngưỡng mộ đối với chính bạn bè, đồng nghiệp về những đóng góp của họ cho Tổ quốc. 

Anh Lê Văn Tám: Từ lâu, tôi đã có sự đam mê với thơ văn và chiếc máy ảnh. Khi có dịp được cùng anh em thợ điện đi thực tế, tôi luôn tranh thủ “tác nghiệp”. Có những khi “dầm mưa, dãi nắng” cùng các anh thợ điện cả ngày trên công trường, hoặc lúc tranh thủ được nghỉ ngơi đôi chút, tôi thường thể hiện cảm xúc của mình qua những vần thơ, vừa để anh em có những phút thư giãn, vừa ghi lại những cảm xúc cho riêng mình. Làm thơ về ngành Điện khó, bởi những thuật ngữ chuyên ngành khá phức tạp, lại khô khan, không theo vần theo điệu nào cả. Chỉ khi ta yêu nghề, có cảm xúc với nghề và viết về chính công việc ta đang làm thì mới bớt khô khan, gò bó. 

Anh Hồ Tuấn Nghĩa: Gắn bó và dành tình yêu tha thiết cho những đường dây, những công trình điện, tôi say sưa ghi lại những khoảnh khắc đẹp về những con người, những công trình của ngành Điện trên mọi miền đất nước, những người đã góp phần làm đổi thay cuộc sống, giúp người dân được hưởng ánh sáng điện, tiếp thu văn minh nhân loại...  Trải qua những ngày nắng như đổ lửa, hay những lúc mưa như trút nước, thật bất ngờ, khi những người thợ điện dường như đã quen với sự “khắc nghiệt” và “đỏng đảnh” của thời tiết, luôn miệt mài lao động trên công trường. Và đó cũng là lúc, tôi cảm nhận được những giá trị của sức lao động, tình đồng nghiệp chân chất, ngọt ngào cần được ghi lại một cách chân thực nhất thông qua những bức ảnh. Từ chỗ thích chụp ảnh và có đưa tin, bài, ảnh lên trang thông tin điện tử, Tạp chí của ngành Điện nên mọi người thường gọi tôi là nhiếp ảnh gia (có người thì gọi là phóng viên chiến trường). Nghe điều đó, tôi tự thấy “trách nhiệm” của mình rất lớn.

Nhiều người cho rằng, chụp ảnh, làm thơ, sáng tác ca khúc về ngành Điện rất khó vì ngành này khá khô khan. Anh nghĩ sao về quan điểm này?

Anh Nguyễn Đắc Cường: Quả thật, để đưa được hình ảnh những đường dây, những cột điện vốn khô khan, không biết làm duyên vào nghệ thuật là rất khó. Thế nhưng, chính từ sự chân chất của người làm điện, những công trình điện mà từng ngày tôi được nhìn thấy, được chạm vào, đã đem đến cho tôi cảm xúc mãnh liệt, đủ để tôi dành nhiều công sức và sự đam mê thổi hồn vào các tác phẩm của mình. Và trên thực tế, có nhiều ca khúc tôi sáng tác về ngành Điện bằng giai điệu nhẹ nhàng, sâu lắng và phần ca từ rất dung dị, nhưng giàu cảm xúc yêu thương. 

Anh Lê Văn Tám: Nhiều lần tôi được đi công tác cùng anh em thợ điện vào ban đêm. Ngồi dưới vỏ lái (tên một loại xuồng máy ở vùng sông nước miền Tây Nam Bộ) đi từ công trường về, nhìn thấy những đường dây, hàng trụ thẳng tắp, mặt nước sáng lung linh dưới ánh trăng vằng vặc, các đồng nghiệp ngồi yên lặng bên nhau sau một ngày lao động mệt nhoài. Tiếng máy nổ và tiếng sóng nhè nhẹ vỗ vào bờ trên dòng sông lấp lánh ánh điện là những hình ảnh rất đẹp, rất nên thơ. Chuyển những hình ảnh dung dị đời thường ấy thành một tác phẩm nghệ thuật sẽ mang tới cho cộng đồng xã hội một cái nhìn chân thực hơn, khách quan hơn về những người làm điện đang ngày đêm miệt mài công việc để dòng điện luôn tỏa sáng. 

Anh Hồ Tuấn Nghĩa: Mỗi bức ảnh có một cách thể hiện khác nhau, một ý tưởng riêng, nét đẹp riêng. Trên thực tế, tôi thấy có nhiều bức ảnh chụp về ngành Điện được đăng trên báo, Tạp chí nhìn rất đẹp, nhưng cũng chỉ đơn thuần là những hình ảnh về đường dây và trạm biến áp rất quen thuộc. Vì vậy, khi bạn gửi vào những bức ảnh chụp công phu, sao cho toát lên được tinh thần lao động hăng say của người thợ Điện, làm việc với tinh thần tất cả vì sứ mệnh “thắp sáng niềm tin,” bức ảnh đó sẽ “có hồn”, sẽ đem đến cho độc giả một cái nhìn không hề “khô khan” chút nào.   

Vậy theo anh, để có được một bức ảnh đẹp, một ca khúc, bài thơ hay về ngành Điện, điều khó nhất là gì? 

Anh Lê Văn Tám: Điều khó nhất khi sáng tác một bài thơ hay về ngành Điện đó là thuyết phục độc giả chấp nhận nội dung, câu chuyện. Khi đọc bài thơ lên, độc giả phải như đang được xem những thước phim trôi chậm về công việc của những người làm điện bằng ngôn ngữ vậy. Đó cũng là điều thôi thúc tôi có mặt trên mọi nẻo đường để tìm ra vẻ đẹp bình dị và chân thật trong cuộc sống mỗi con người làm điện, giúp cho công chúng hiểu nhiều hơn về công việc của họ bằng thứ ngôn ngữ dung dị, không nặng tính kỹ thuật.

Anh Nguyễn Đắc Cường: Nhiều độc giả nhận xét, các ca khúc của tôi viết về ngành Điện như chứa đựng bê tông, cốt thép, không khí lao động khẩn trương trên các công trường thủy điện, thể hiện được niềm tin của những người thợ EVN. Và nếu chuyển được những hình ảnh giàu cảm xúc đó vào những giai điệu đẹp, lời ca hay và gần gũi là bạn đang sở hữu được một tác phẩm hay, có thể làm rung động trái tim người nghe. Đó cũng là điều khó khăn nhất khi tôi sáng tác.

Anh Hồ Tuấn Nghĩa: Để có những bức ảnh đẹp về ngành Điện, chúng ta cần phải có kiên nhẫn để “săn” được những khoảnh khắc “vàng”. Nếu không chịu khó xâm nhập thực tế nơi làm việc của công nhân thì sẽ không thể phản ánh được những nét đẹp trong lao động của người thợ điện. Do vậy, muốn có những bức ảnh đẹp thì người chụp phải “lặn lội” sát cánh cùng với anh em công nhân. Ngoài những yếu tố về bố cục, ánh sáng, kỹ thuật chụp, điều quan trọng nhất là cái tâm người chụp, phải làm sao “bắt” được những khoảnh khắc khi họ đang miệt mài, say mê nhất với công việc. 

Anh có thể chia sẻ những kỷ niệm đẹp trong quá trình tác nghiệp của mình?

Anh Lê Văn Tám: Thời gian đầu, cả Công ty Điện lực Cà Mau chỉ có một chiếc máy ảnh phục vụ kiểm tra điện. Vì vậy, mỗi lần đi tác nghiệp, tôi phải mượn máy từ Phòng Kinh doanh. Máy ảnh không phải là “hàng xịn” nên khi chụp rất chậm và còn bị hỏng mất màn hình quan sát. Mỗi lần chụp, tôi phải nheo mắt ngắm thật lâu, trời lại nắng, mồ hôi chảy ướt mắt và máy, nhưng tôi vẫn kiên trì chờ đợi để có được những khoảnh khắc đẹp nhất. Như vậy mới biết, làm điều gì cũng phải có sự kiên trì!

Anh Nguyễn Đắc Cường: Tôi không được học nhạc lý, nhưng trong tôi cũng có máu văn chương. Hồi đầu, tôi chỉ viết lời bài hát bằng cảm xúc của mình với ngôn ngữ chân thực nhất, sau đó nhờ những người có chuyên môn âm nhạc, những nhạc sỹ mà tôi quen biết sáng tác phần nhạc. Sau này, khi tôi mày mò, tự học nhạc lý, có khi nửa đêm tôi lục đục trở dậy vì một ý tứ hay đột ngột xuất hiện trong giấc ngủ. Tôi lập tức ghi chép lại, sau đó hoàn thiện sản phẩm, gửi tặng bạn bè, đồng nghiệp. Đó là cách riêng của tôi thể hiện tình yêu với công việc, ngành nghề mình đã chọn.   

Anh Hồ Tuấn Nghĩa: Chuyến đi nghiệm thu đóng điện cho bản Cựp thuộc xã Hướng Lập - một trong những nơi xa nhất của huyện miền núi Hướng Hoá (tỉnh Quảng Trị) để lại cho tôi rất nhiều ấn tượng. Tuyến đường dây điện kéo dài đi theo lưng chừng đồi, vượt qua những cung đường quanh co, cấp điện cho gần 20 hộ dân bản Cựp. Chuyến đi ấy, tôi không chỉ cảm thông với sự vất vả, khó nhọc của những người thợ điện vùng cao mà còn vui với bà con nơi đây khi điện lưới quốc gia đã về thắp sáng  những nơi heo hút, giữa bạt ngàn núi rừng này. 
Hôm đó, tôi chụp không nhiều, nhưng mỗi bức ảnh là một niềm vui. Từ những đứa trẻ, những cô gái đến bà con dân tộc Pa Cô, Vân Kiều đều phấn khởi trong ngày đầu tiên có điện, họ cười rất tươi khi biết tôi bấm máy và tôi đã có một chuyến đi thật thú vị và nhiều ý nghĩa!  

Anh Nguyễn Đắc Cường: Mỗi công trình, mỗi thiết bị điện đều mang đến cảm giác thân quen như máu thịt. Tôi luôn coi những tổ máy khô khan là bạn tri kỷ. Đó cũng là nguồn cảm hứng cho tôi sáng tác. 

- Ngày sinh: 15/10/1976.
- Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty Thủy điện Sơn La
- Chuyên viên Quan hệ Cộng đồng, thuộc Văn phòng Công ty Thủy điện Sơn La
- Sở thích: Đi du lịch
- Một số giải thưởng đạt được:
- Giải Nhất cuộc thi “Niềm tin Điện lực Việt Nam” hạng mục bài viết hay.
- Giải Khuyến khích cuộc thi sáng tác VHNT và báo chí kỷ niệm 120 năm ngày thành lập Tỉnh Sơn La với ca khúc “Nguồn điện sông Đà”.

Anh Hồ Tuấn Nghĩa: Trong bóng dáng áo cam vắt mình trên đường dây bất tận, hay với những cột điện vươn mình lên trời xanh thăm thẳm, chúng ta bấm “tách” một cái, chỉ là một khoảnh khắc, nhưng khoảnh khắc đó phải thật, phải hội đủ “Chân - Thiện - Mỹ”.

- Ngày sinh: 4/7/1961  
- Chức vụ: Chuyên viên phòng Tổ chức nhân sự.
- Đơn vị: Công ty Điện lực Quảng Trị, Tổng công ty Điện lực miền Trung.
- Sở thích: Viết báo, chụp ảnh
- Giải thưởng đạt được: Giải ba cuộc thi tìm hiểu gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước ngành Điện năm 2002.

Anh Lê Văn Tám: Nếu có dịp đi nhiều, tiếp xúc nhiều với những người thợ điện, những trạm điện, đường dây ở cả thành phố và nông thôn, biển đảo hay rừng núi, bạn sẽ thấy công việc của họ không hề khô khan. Mỗi bài thơ về ngành Điện do tôi sáng tác cũng vậy, đều có số phận riêng, kỷ niệm riêng và “lý lịch” riêng của nó. 

- Ngày sinh: 20/10/1980
- Chức vụ: Chuyên viên phòng Tổ chức Nhân sự.
- Đơn vị: Công ty Điện lực Cà Mau, Tổng công ty Điện lực miền Nam.
- Sở thích: Chơi thể thao, đặc biệt là bóng đá.
- Một số giải thưởng đạt được:
- Giải Nhì thể loại Ảnh trong cuộc thi “EVNSPC - Thắp sáng niềm tin” năm 2011.
- Giải Ba thể loại Ảnh trong cuộc thi “EVNSPC - Thắp sáng niềm tin” năm 2012.

 


  • 02/02/2017 11:40
  • Nguồn: TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 1728