Người “lính” truyền tải điện 27 năm xa nhà

27 năm dài “biền biệt” xa nhà, hai lần vợ sinh con đều không thể ở bên, bố mất dù đau đớn khôn cùng cũng phải vắng mặt… Điều đó đã không đơn giản là thiệt thòi, mà chính là sự hy sinh của người ‘lính’ truyền tải điện - anh Lê Trọng Nam, Đội trưởng Đội Truyền tải điện Đầm Hà, Truyền tải điện Đông Bắc 1, Công ty Truyền tải điện 1.

Gian nan trên những chặng đường

Anh Lê Trọng Nam, Đội trưởng Đội Truyền tải điện Đầm Hà, Truyền tải điện Đông Bắc 1, Công ty Truyền tải điện 1.

Năm 1992, sau khi tốt nghiệp trường Trung cấp xây lắp điện Thái Nguyên, anh Nam bắt đầu công việc tại Xí nghiệp Xây lắp điện Đông Bắc - Quảng Ninh, thuộc Công ty Xây lắp điện 4. Tháng 12/2006, anh chuyển sang công tác tại Truyền tải điện Đông Bắc 1, Công ty Truyền tải điện 1. Từ đó, cuộc sống của anh là những ngày tháng dài đằng đẵng xa nhà, xa quê, lăn lộn trên khắp các nẻo đường, vùng quê. Từ những mảnh đất đỏ Tây Nguyên cho tới vùng núi đá Tây Bắc đều đã từng in dấu chân của anh và các đồng nghiệp.

Gần 30 năm trong nghề, anh Nam thấm đủ mọi khó khăn. Nhiều kỷ niệm đã luôn khắc sâu trong tâm trí, như khi vừa tốt nghiệp, anh nhận công tác tại Công ty Xây lắp điện 4 thì được điều động vào Tây Nguyên, tham gia công trình xây dựng đường dây 500 kV mạch 1 tại Đăk Lăk. Lúc này, Tây Nguyên đang mùa mưa, vị trí các cột VT 2113 và 2125 ở địa hình rất khó tiếp cận. Để đến được hai điểm chân móng cột, anh cùng với đồng nghiệp phải băng rừng vượt núi, vượt qua khu vực rừng rậm ẩm ướt nhiều rắn rết, vắt và muỗi. Không chỉ thế, trên vai anh còn phải gùi thêm cả chục cân cát, đá, xi măng và nước, bởi các phương tiện vận chuyển nguyên vật liệu không thể tiếp cận vị trí này. Vượt qua nỗi sợ về bệnh sốt rét rừng và tất cả những gian nan trên đường, đơn vị của anh cuối cùng đã hoàn thành nhiệm vụ.

27 năm “biền biệt" xa nhà

27 năm – quãng thời gian đủ dài để một người thanh niên trải qua nhiều gian nan trở nên cứng cáp, thành một người đàn ông trưởng thành. Nhưng 27 năm ấy cũng là thời gian mà anh Nam phải hy sinh rất nhiều vì nhiệm vụ chung của người ‘lính’ truyền tải điện. Trong tâm sự của mình, anh Nam chia sẻ, điều anh cảm thấy hối tiếc nhất là đã không thể có mặt ở nhà vào những thời điểm quan trọng. Đó là ngày vợ anh sinh đứa con đầu lòng năm 2000 tại Thanh Hóa, còn anh thì đang cheo leo trên những đỉnh cao của vùng Đông Bắc. Nghe tin con gái đầu lòng chào đời, cách hơn 300 cây số, anh mừng, nhưng cũng chạnh lòng vì chẳng thể ở bên để ôm vợ con vào lòng. Đến lần thứ 2 vợ anh sinh con, vẫn tâm trạng vui mừng, mong chờ, nhưng anh lại một lần nữa lỡ hẹn.

Nhưng, nỗi buồn tột cùng nhất là khi bố anh mất đột ngột (năm 2007) cũng là thời điểm bão đang đe dọa đường dây truyền tải điện nơi anh đang công tác. Vậy là, chấp nhận vượt qua nỗi đau, anh ở lại đơn vị tham gia ứng trực bão và không thể về nhìn mặt bố lần cuối cùng. Cho đến tận ngày hôm nay, khi nhắc lại những kỷ niệm ấy, sự day dứt và cảm giác có lỗi với cha của một người con trai vẫn chưa thể nguôi ngoai. Song có lẽ ở một thế giới khác, bố của anh cảm thông và vẫn tự hào về người con trai của mình.

“Hậu phương” vững chắc

“Anh Nam là một Đội trưởng mẫu mực, không quản ngại gian khó trong công việc, thường xuyên có mặt cùng anh em trên các tuyến đường dây để kiểm tra, khắc phục sự cố. Anh cũng thường quan tâm, chăm sóc và sẻ chia tâm tư nguyện vọng với anh em trong Đội. Anh giống như người anh cả trong ngôi nhà Truyền tải điện Đầm Hà…”. -  Anh Vũ Xuân Cường - Đội Truyền tải điện Đầm Hà, Truyền tải điện Đông Bắc 1 nhận xét.  

Đã nhiều người thắc mắc, sự xa nhà biền biệt của một người lẽ ra phải là trụ cột gia đình, liệu rằng người thân có trách cứ hay gia đình có thể hòa thuận ấm êm? Anh Nam mỉm cười và tự nhận mình may mắn bởi có một hậu phương vững chắc. Vợ anh, chị Nguyễn Thị Chuyền đã thay anh đứng ra lo chu toàn mọi việc trong gia đình.

Chị Chuyền là giáo viên dạy học tại xã vùng sâu, vùng xa của huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Từ nhà tới trường cách 30 cây số. Khi hai con còn nhỏ, anh vắng nhà thường xuyên, không thể ngày nào cũng đi từ nhà tới trường xa xôi như thế, chị đành đưa cả hai con theo ở tại nhà tạm trú của trường. Chị kể lại, quãng thời gian cực nhọc nhất là khi con còn nhỏ, hay đau ốm triền miên, chị phải chạy ngược xuôi lo cho con mà vẫn phải đi dạy đều. May mắn có bà ngoại đỡ đần được đôi chút. Cứ như vậy suốt hơn 10 năm trời, chị vừa đi dạy, vừa một mình chăm sóc hai con nhỏ.

Chị tâm sự: “Chồng đi công tác xa nhà, có người vợ nào không buồn, nhất là khi con còn nhỏ, khi con ốm đau lại càng tủi thân. Tôi chỉ cố gắng làm tròn vai trò của người mẹ, người vợ để chồng yên tâm công tác xa nhà. Ba mẹ con cố gắng sống thật tốt để làm điểm tựa cho bố nơi xa làm nhiệm vụ với Tổ quốc”.

Anh Nam cũng không khỏi tự hào khi nhắc tới vợ con ở nhà bởi hai cô con gái của anh đều chăm ngoan và luôn là học sinh xuất sắc, đạt nhiều giải thưởng trong các kỳ thi học sinh giỏi các cấp. Hai bé đều hiểu và thương bố vô cùng. Chúng đều bày tỏ mong muốn học giỏi và giúp đỡ mẹ để bố yên tâm công tác. Những điều ấy đủ để khiến anh vững vàng tiếp tục công việc của mình tại những miền đất xa.

Nếu sự hy sinh của các anh trên các tuyến đường dây được ghi nhận một, thì sự hy sinh thầm lặng của những người vợ, người mẹ, người thân ở quê nhà xứng đáng được ghi nhận gấp 10 lần như thế. Họ là những người không chỉ làm hậu phương vững chắc mà còn tiếp thêm sức mạnh tinh thần trên mỗi bước đường, mỗi hành trình nối dây thông tuyến của các anh ở khắp mọi miền Tổ quốc.

Lại thêm một cái Tết mà những người vợ như chị Chuyền tiếp tục một mình lo toan chuẩn bị nhà cửa, bếp núc. Họ chỉ mong, Tết này, gia đình được đông đủ, sum vầy bên mâm cơm chiều cuối năm, rồi mấy đứa trẻ được cùng bố thăm ông bà nội ngoại trong một cái Tết trọn vẹn chữ “Tình”. 27 năm xa cách, những người vợ như chị Chuyền cũng mong mỏi mình giống như người phụ nữ khác, có chồng ở bên cạnh để đón chào năm mới. Nhưng trong sâu thẳm trái tim của người phụ nữ ấy, chị hiểu được rằng, sự hy sinh của anh Nam, của chị là cần thiết để cho hàng triệu gia đình khác trên đất nước chúng ta đón cái Tết sum vầy, an toàn và ấm áp.

Anh Lê Trọng Nam

- Năm sinh: 28/12/1972

- Sở thích: Ca hát;  thể thao (bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn...)

- Thành tích: Giải Nhì toàn đoàn tại Hội diễn văn nghệ quần chúng Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia lần thứ nhất và giải Ba song ca nam nữ (tháng 5/2010). Giải Nhì đơn ca nam tại Hội diễn văn nghệ quần chúng tại Công ty Truyền tải điện 1, năm 2008.

- Câu nói yêu thích: "Nếu bạn muốn có được những điều bạn chưa bao giờ có, thì hãy làm những điều bạn chưa bao giờ làm".

- Phương châm sống: Đam mê, cống hiến và có ích.


  • 24/01/2018 08:57
  • Nguồn: Tạp chí Điện lực chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 2407