Những “thủ thuật” khơi nguồn sáng tạo của nhân viên

Thế giới luôn luôn biến đổi không ngừng, khoa học công nghệ liên tục tiến về phía trước, môi trường kinh doanh thay đổi… Muốn tồn tại và phát triển, doanh nghiệp không còn cách nào khác là phải sáng tạo, đổi mới cách nghĩ, cách làm. Chúng ta cùng xem, các thương hiệu lớn trên thế giới đã sử dụng những “thủ thuật” gì để thúc đẩy khả năng sáng tạo của nhân viên!

Google

Google đã có nhiều ý tưởng giúp nhân viên sáng tạo và thử nghiệm. Một trong những ý tưởng độc đáo là công thức nổi tiếng 70/20/10 kích thích sự sáng tạo của mỗi nhân viên: 70% thời gian tập trung vào công việc chuyên môn, 20% – tương đương 1 ngày làm việc trong tuần sẽ tham gia vào những dự án mà họ thấy thú vị và 10% thời gian của nhân viên dành cho những ý tưởng “điên rồ” nhất. Điển hình của chương trình sáng tạo này chính là Gmail, Google News…

Ngoài ra, Google còn mời những người nổi tiếng đến thuyết trình tại Công ty. Họ gọi chương trình là @Google Talks. Khách mời thuộc mọi tầng lớp, từ ngôi sao như Lady Gaga, Tina Fey tới các nghệ sĩ, tác giả, các nhà hoạt động xã hội và chính trị gia. Mục đích của chương trình là “giữ cho trí não luôn học hỏi, phát triển và suy nghĩ”. 

Google Moderator là một công cụ quản trị sự sáng tạo do các kỹ sư của Google thiết kế, lắp đặt. Qua hệ thống này, khi có các buổi hội thảo về công nghệ hay các cuộc họp toàn Công ty, bất cứ nhân viên nào cũng có thể đưa ra câu hỏi và chính nhân viên là người bình chọn những đề tài mà họ thích trao đổi nhất. Moderator tạo điều kiện cho nhân viên phát hiện ra các ý tưởng, vấn đề và các kiến nghị hiện tại, bình chọn cho các ý tưởng đó và đề xuất các sự kiện hay các cuộc họp thảo luận về các vấn đề này.

Google Cafes là một không gian được thiết kế nhằm khuyến khích nhân viên từ các phòng ban khác nhau cùng trao đổi, chia sẻ với nhau về công việc cũng như sở thích. Nhân viên của Google còn có thể tham gia vào Google+, một diễn đàn dành cho riêng họ.

Toyota

Một trong những tiêu chí tuyển dụng của Toyota là thói quen sẵn sàng học tập và thay đổi. Trong quá trình làm việc, Toyota dựa vào đặc điểm này để tạo lập những thói quen làm việc cần thiết cho nhân viên. 

Tất cả những người quản lý đều phải tham gia vào quá trình cải tiến và buộc phải thích nghi nếu muốn phát triển. Nhân viên được khuyến khích nêu các câu hỏi, từ đó, tìm nguyên nhân và đưa ra giải pháp giải quyết hợp lý những vấn đề đó. 

HubSpot

HubSpot cũng thường xuyên mời diễn giả đến nói chuyện. Độc đáo hơn, HubSpot cho phép nhân viên được tham gia vào các bộ phận khác trong một thời gian nhất định để hiểu về hoạt động của bộ phận đó. Vì thế, các kỹ sư công nghệ có thể hiểu thêm về công việc ở các bộ phận khác trong Công ty.

Bên cạnh việc khuyến khích sự sáng tạo của nhân viên, một số doanh nghiệp còn thuê sự sáng tạo từ bên ngoài. Nghe có vẻ lạ lẫm, nhưng thực chất đây là một trong những cách làm mới dành cho môi trường nuôi dưỡng sự đổi mới. Việc thuê từ bên ngoài các lĩnh vực hoạt động mà doanh nghiệp phải “lao tâm khổ tứ” đi tìm sự sáng tạo không hẳn đã là sai sách. Điều quan trọng là, sau đó có thể sử dụng sự sáng tạo ấy vào hoạt động doanh nghiệp sau này. 


  • 24/12/2016 10:37
  • Nguồn: Tạp chí Điện lực chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 1706