"Nữ tướng" Truyền tải điện

Đầu những năm 90 của thế kỷ XX, đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, lúc đó, miền Trung và miền Nam bị thiếu điện nghiêm trọng, trong khi ở miền Bắc có các Nhà máy điện Hòa Bình, Thác Bà, Phả Lại, Uông Bí, Ninh Bình nên không sử dụng hết sản lượng điện. Trước tình hình đó, Chính phủ đã có một quyết định đặc biệt quan trọng là cho xây dựng đường dây siêu cao áp 500 kV đưa điện từ miền Bắc vào miền Nam. Trong số rất ít chị em phụ nữ đã tham gia vào công trình vĩ đại này, bà Hồ Thị Bích Phượng (nguyên Giám đốc Công ty Truyền tải điện 4) được coi là "Nữ tướng" số 1 của ngành Điện.

Có lúc phải quên mình là phụ nữ

Tốt nghiệp đại học, được bố trí ở Hà Nội nhưng chỉ vì mê màu áo xanh công nhân mà bà quyết tâm xin về Điện lực Hải Phòng. Không chỉ hết lòng vì công việc, trong suốt giai đoạn chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của Đế quốc Mỹ, sáng nào người dân Hải Phòng cũng được nghe giọng opera cao vút của cô thợ điện HồThị Bích Phượng qua Đài Phát thanh TP. Hải Phòng. Sau giải phóng miền Nam, được bố trí về Công ty Truyền tải điện 4, bà đã chứng tỏ tư chất thông minh, làm việc có trách nhiệm, sôi nổi, biết gây dựng phong trào. Vì vậy, từ một cán bộ kỹ thuật, bà đã trở thành Giám đốc Công ty cho tới  ngày về hưu.

Bà tâm sự, trong cuộc đời làm ngành Điện của mình, thời gian tham gia giám sát nghiệm thu đường dây 500 kV mạch 1 là đáng nhớ nhất. Bởi vì, lúc đó miền Nam thiếu điện trầm trọng, các nơi bị cúp điện liên tục, hết “2 không, 1 có” lại đến “2 có 1 không” (tức là 2 ngày có điện, 1 ngày mất điện...). Khi được Nhà nước quyết định xây dựng đường dây 500 kV tải điện Bắc - Nam, bà rất phấn khởi khi nghĩ đến quê hương mình sắp thoát cảnh kinh tế chậm phát triển chỉ vì thiếu điện.

Bà kể, đêm 27/5/1994, tại trạm 500 kV Phú Lâm, sau khi nhận được lệnh của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Truyền tải điện 2 đã thao tác hòa điện tại trạm biến áp 500 kV Đà Nẵng, ghi nhận các tín hiệu dòng - áp tại trạm Phú Lâm, lần đầu tiên nhân dân miền Nam nhận nguồn điện truyền tải từ miền Bắc vào, bà đã khóc trong niềm vui khôn xiết. Làm Giám đốc Công ty Truyền tải điện 4 với chức năng quản lý vận hành lưới điện cao áp toàn bộ khu vực miền Nam, nhiệm vụ của bà là phải chỉ đạo thật tốt công tác nghiệm thu được công trình để sau này vận hành bảo đảm an toàn và liên tục. Muốn thế, phải có đội ngũ về kỹ thuật đủ trình độ chuyên môn,  đủ tư cách để giám sát nghiệm thu công trình, đảm bảo không xảy ra biến cố, nhất là trạm biến áp.

Bà tâm sự, nhìn các đơn vị xây lắp vất vả thì rất thương, nhưng nếu không cương quyết nghiệm thu chặt chẽ thì hậu quả sau này thật khó lường. Điều bà lo lắng nhất là công trình có quy mô quá lớn, lần đầu tiên xây dựng ởViệt Nam với thời gian quá gấp nên chỉ lo không đảm bảo chất lượng. Vì vậy, bà yêu cầu lực lượng giám sát phải nghiệm thu hết sức chặt chẽ. Làm tới đâu nghiệm thu tới đó, sai chỗ nào bắt sửa ngay chỗ đó. Có lần đi giám sát nghiệm thu cùng hai Phó Giám đốc nam giới. Gặp chiếc cột cao 110 m, hai đấng mày râu không dám trèo lên vì sợ độ cao, bà lập tức trèo lên tận đỉnh cột, kiểm tra từng mối nối, từng bu lông rồi mới chịu nghiệm thu. Cánh xây lắp lắc đầu bảo nhau: “Làm cẩn thận, không thể đùa với bà Phượng được đâu”. Có người gọi bà là một trong 5 "con hổ" của ngành Điện, còn bà khẳng định, nhiều lúc phải quên mình là phụ nữ, phải tự trọng, cương quyết, phải làm được mới nói được.

Theo bà, không có bí quyết thành công nào ngoài sự quyết tâm làm việc bằng cái tâm của mình. Ai không dám dấn thân, sẽ tự đánh mất niềm đam mê và sự thành công của mình.

Bà Phượng (ngoài cùng bên phải) cùng với các cán bộ lão thành ngành Điện viếng mộ cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng - Ảnh: Tư liệu

Muốn có tầm, trước hết phải có tâm

Không chỉ hết lòng vì công việc, bà còn hết lòng chăm lo cho anh em công nhân của mình với tấm lòng của người mẹ, người chị, người em gái. Tôi đã được nghe câu chuyện bà đòi quyền lợi tăng lương cho anh em ở đường dây Đa Nhim. Hồi đó, để bù đắp sự vất vả của thợ vận hành, Nhà nước duyệt tăng 10% lương cho anh em ởchốt Bảo Lộc. Tuy nhiên, chốt Ma Đa Gui cách đèo Bảo Lộc chỉ 10 km lại không được hưởng chính sách đó. Đấu tranh cho anh em mãi không được, một lần lên chốt, bà mang theo cái lọ, bị con vắt nào cắn bà đều bắt bỏ lọ đưa về Sài Gòn.

Hôm họp giao ban tuần, bà đưa chiếc lọ có 18 con vắt ra để lên bàn và nói: "Anh nào chưa biết con vắt, anh nào đi kháng chiến lâu năm mà quên con vắt hãy nhìn lại đi, máu của công nhân mình đó. Anh em trên chốt, ai cũng bị ghẻ, bị vắt cắn. Tại sao anh em cực khổ thế mà lại không được hưởng quyền lợi gì?". Mọi người đều ngán cách đấu tranh của bà, ông trưởng phòng tổ chức lắc đầu: "Bả đấu tranh kiểu này là hết cỡ rồi". Ngày hôm sau lập tức có quyết định tăng 10% lương cho công nhân chốt Ma Đa Gui.

Bà tâm sự, quản lý, vận hành đường dây ở khu vực phía Nam rất khó khăn vất vả vì đường dây rất dài, lại đi qua nhiều địa hình quá phức tạp, núi cao, rừng rậm, khu đô thị sầm uất, vùng đầm lầy sông nước, hàng năm phải “sống chung với lũ” từ 3 - 4 tháng. Phức tạp nhất là qua khu đồng bào dân tộc, nhiều nơi bà con chưa hiểu gì về điện. Bà phải bố trí lực lượng quản lý, phân công giao việc cụ thể, ai phụ trách cột nào, bao nhiêu ngày phải đến tận cột để kiểm tra một lần. Đồng thời, kí hợp đồng với dân quân tựvệ, công an địa phương để họ giúp mình đi kiểm tra thường xuyên, chống mất cắp sắt hoặc bu-lông trên đường dây.

Tuy nhiên, quan trọng nhất là phải tuyên truyền cho dân hiểu được tầm quan trọng của đường dây cao thế, huyết mạch của quốc gia để nâng cao ý thức cho bà con.  Biết thế nhưng làm cách nào cho bà con hiểu mới là chuyện khó, bởi vì ngôn ngữ bất đồng, lại không có điều kiện đến tận từng nhà để tuyên truyền. Bà quyết định tổ chức đội văn nghệ của Công ty đi từ Sài Gòn ra Pleiku, đến huyện nào cũng dừng lại biểu diễn văn nghệ phục vụ bà con.

Trước mỗi buổi biểu diễn, đội văn nghệ lại tranh thủ tuyên truyền về đường dây để dân chúng biết hơn, hiểu hơn về đường dây cao thế, về dòng điện. Nhờ thế, 20 năm qua, đường dây vẫn vận hành an toàn, chất lượng.

Trong "Hành trình về với chiến trường xưa" do Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) tổ chức cuối tháng 4/2014, bà Phượng vẫn khoác trên mình chiếc áo mặc trong ngày đóng điện lịch sử, để thầm nhắc nhở mình và các thế hệ cán bộ công nhân viên kế tiếp cần cố gắng phát huy hơn nữa sức trẻ, sự lao động sáng tạo ngày đêm để vận hành an toàn, hiệu quả công trình mang tầm lịch sử.

Tôi thực sự ngạc nhiên vì với công việc như thế thì bà dành thời gian nào cho gia đình, bà cười: Đã là phụ nữ, ngoài công việc, tôi phải biết cách thu xếp thời gian cho gia đình, chăm sóc chồng con, mình phải là ngọn lửa ấm áp trong cuộc sống gia đình. Gia đình có bền thì công tác xã hội mới vững được. Nghe những câu chuyện của bà, tôi hiểu rằng viết bao nhiêu về bà cũng chưa đủ. Tôi chỉ biết nghiêng mình kính nể người “nữ tướng” thời bình, người đã cống hiến gần trọn cuộc đời cho sự phát triển của ngành Điện Việt Nam, người không tiếc công sức đào tạo, bồi dưỡng cho thế hệ đi sau, góp phần tạo dựng nên Công ty Truyền tải điện 4 có nền tảng vững chắc như hôm nay.


  • 16/09/2016 04:04
  • Nguồn: Ấn phẩm Phụ nữ ngành Điện - Tạp chí Công Thương
  • 2819