Phòng Kinh tế - Dự toán Ban A Sơn La: Những khác biệt tạo nên thương hiệu

Đến tháng 11/2016, Ban Quản lý Dự án NMTĐ Sơn La (Ban A Sơn La) kỷ niệm tròn 20 năm thành lập. Với cuộc đời mỗi con người, tuổi đôi mươi là khoảng thời gian tràn đầy sức xuân, mạnh mẽ, sôi nổi và hoài bão.

Tập thể phòng Kinh tế Ban A Sơn La

Với Ban A Sơn La, tuổi đôi mươi đánh dấu sự trưởng thành của một tập thể người lao động đã làm nên những kỳ tích trong lịch sử ngành Điện Việt Nam. Đó là hoàn thành công tác quản lý đầu tư những công trình trọng điểm quốc gia, nhân tố quyết định góp phần đưa Nhà máy Thủy điện Sơn La công suất 2.400 MW - lớn nhất Đông Nam Á và Thủy điện Lai Châu công suất 1.200 MW (lớn thứ 3 tại Việt Nam) vào vận hành trước tiến độ với chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật và hiệu quả cao.

Ban A Sơn La thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tiền thân là Ban Quản lý chuẩn bị đầu tư Dự án Thủy điện Sơn La, được thành lập ngày 24/10/1996, chính thức hoạt động từ ngày 1/11/1996. Ban A Sơn La cũng như những ban QLDA khác thuộc EVN gồm các phòng cơ bản: Tổ chức - hành chính, Kế hoạch – Kinh tế, Kỹ thuật – Vật tư, Tài chính – Kế toán.

Tuy vậy, đến năm 2002, để chuẩn bị chuyển giai đoạn từ chuẩn bị sang thực hiện đầu tư Dự án Thủy điện Sơn La, lãnh đạo Ban A Sơn La lúc bấy giờ đã quyết định thành lập phòng Kinh tế (hiện nay gọi là phòng Kinh tế - Dự toán) được tách ra từ phòng Kỹ thuật - Vật tư với chức năng nhiệm vụ tham mưu giúp việc trong lĩnh vực kinh tế của Dự án, cụ thể về tổng mức đầu tư, tổng dự toán, định mức, đơn giá, chế độ chính sách của công trình, thẩm tra để trình duyệt dự toán chi tiết và một số công việc có tính chất đặc thù khác.

Điều đáng nói ở đây, theo mô hình tổ chức chung của các ban QLDA thủy điện trong EVN không có riêng phòng Kinh tế. Nhiệm vụ quản lý về kinh tế thường được phòng Kỹ thuật đảm nhiệm một phần, một phần ở Phòng Kế hoạch. Điều này phù hợp với các dự án quy mô vừa, nhỏ nhưng đối với các dự án trọng điểm quốc gia như Sơn La, Lai Châu là chưa phù hợp vì tại các dự án này luôn có cơ chế, chính sách đặc thù, có định mức đơn giá công trình riêng, khối lượng công việc phải giải quyết rất lớn do vậy cần có bộ phận chuyên sâu để tham mưu, giúp giải quyết kịp thời các vấn đề về kinh tế.

Xuất phát từ chủ trương đúng đắn này, mà tổng mức đầu tư, tổng dự toán của Dự án Thủy điện Sơn La, Lai Châu được lập, thẩm tra và phê duyệt với chất lượng cao, thể hiện ở việc không phải điều chỉnh tổng mức, tổng dự toán mặc dù trong quá trình thực hiện Dự án, chế độ chính sách về tiền lương, giá vật tư, vật liệu, nguyên liệu, tỷ giá ngoại tệ không ngừng tăng cao, đặc biệt có thời kỳ bão giá ở các năm 2007-2008.

Cũng nhờ mô hình này, Ban đơn giá công trình do Bộ Công Thương quyết định thành lập mà nòng cốt là phòng Kinh tế đã hoạt động rất hiệu quả, thể hiện ở sản phẩm là bộ định mức đồ sộ, khoa học của công trình, trong đó có những định mức lần đầu thực hiện tại Việt Nam như định mức thi công bê tông đầm lăn (RCC) bằng hệ thống trạm trộn, trạm lạnh, băng tải vận chuyển vữa đồng bộ; định mức thi công nổ om hố xói; định mức thi công bằng các loại cần trục năng suất cao, tiên tiến MD900, MD2200, cần trục xích 600 tấn.

Viết về các định mức này chỉ là những dòng khô khan, ngắn gọn nhưng ẩn chứa trong đó là tâm huyết, trí tuệ của cả tập thể đội ngũ cán bộ công nhân viên Ban A Sơn La, Tư vấn, Tổng thầu, là sự thẩm tra tỉ mỉ chính xác của các đơn vị Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, EVN,… với phương châm chính xác, phù hợp đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật và kinh tế, đảm bảo quyền lợi chính đáng, hợp pháp của chủ đầu tư cũng như các đơn vị thi công xây dựng công trình.

Cùng với định mức công trình, hàng năm có các bộ đơn giá riêng được lập, ban hành phù hợp với mặt bằng giá của năm thi công. Nhờ có các bộ đơn giá này đã giảm bớt đáng kể về khối lượng tính toán, về hồ sơ trong khâu thanh, quyết toán. Với thời gian thi công các dự án kéo dài từ 5 đến 7 năm, với biến động liên tục của chế độ chính sách, tiền lương nhân công, giá vật tư vật liệu, xăng dầu điện năng, nếu không xây dựng đơn giá bình quân gia quyền theo năm thì công tác nghiệm thu, thanh, quyết toán rất phức tạp, phải bóc tách khối lượng chi tiết theo từng tháng, quý, phải chiết tính đơn giá cho mỗi công việc trong từng phiếu giá do vậy không thể tránh khỏi những sai sót, nhầm lẫn và khối lượng hồ sơ, số lượng dữ liệu cần kiểm soát sẽ rất lớn. Với những bộ đơn giá theo năm của công trình, việc kiểm soát, tính toán hoàn toàn tự động, giảm thiểu hồ sơ tài liệu, tăng độ chuẩn xác và hiệu quả của quá trình thanh quyết toán.

Cũng từ việc có bộ phận chuyên môn theo dõi, quản lý về định mức, đơn giá mà các thành viên Ban đơn giá, tổ chuyên gia giúp việc đã tìm hiểu, nghiên cứu để đề xuất nhiều ý kiến với các Bộ, ngành hiệu chỉnh thành phần, trị số hao phí các định mức chưa phù hợp, giúp công tác quản lý về lĩnh vực định mức, đơn giá được hoàn thiện, phù hợp thực tế thi công ngày một tốt hơn, thể hiện ở việc hiệu chỉnh định mức đổ bê tông CVC công trình thủy điện Lai Châu (không còn hao phí gỗ ván cầu công tác), định mức lắp đặt turbin, máy phát Thủy điện Lai Châu đã ưu việt hơn (năng suất tăng từ 5 đến 10%), định mức cậy dọn nền trước khi đổ bê tông chuẩn xác hơn, định mức thi công RCC thủy điện Lai Châu hoàn thiện và có năng suất cao hơn sơ với thủy điện Sơn La v.v… Các nội dung này làm tiết kiệm cho dự án hàng trăm tỷ đồng và cũng giúp các nhà thầu thuận tiện trong quá trình thi công, nghiệm thu thanh quyết toán.

Khi công trình hoàn thành, cái thấy được hiện hữu là công trình đầu mối sừng sững hiên ngang, là tuyến năng lượng với tuabin máy phát ngày đêm miệt mài sản sinh ra nguồn năng lượng sạch cho lưới điện Quốc gia mà ít ai nhắc đến những cống hiến thầm lặng của những người làm về lĩnh vực kinh tế, mặc dù hiệu quả kinh tế của mỗi dự án luôn là yếu tố đầu vào quan trọng để hình thành nên mỗi công trình.

Để kết thúc bài viết này, tôi lại muốn nhắc đến những quyết sách đúng đắn của Ban A Sơn La khi quyết định thành lập, duy trì phòng Kinh tế - Dự toán với đội ngũ những con người tâm huyết với nghề, được kinh qua các dự án lớn, có kinh nghiệm từ khảo sát, theo dõi lập định mức đơn giá đến thẩm tra, thẩm định tổng mức đầu tư, tổng dự toán, dự toán chi tiết. Được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, tới đây, không chỉ là thủy điện mà có thể là nhiệt điện, đường dây, trạm biến áp, điện mặt trời, điện gió hay bất kỳ công trình, dự án nào khác của ngành Điện, những cán bộ làm việc trong lĩnh vực kinh tế chắc chắn sẽ hoàn thành xuất sắc công việc được giao, là chìa khóa đảm bảo tính kinh tế, hiệu quả của các dự án.

Ở tuổi 20 tràn sức xuân, đầy khát khao và hoài bão, với những kinh nghiệm có được từ các dự án lớn của ngành và đất nước, Ban A Sơn La đã và đang trở thành đầu tầu mẫu mực trong mô hình quản lý dự án. Chúng ta có quyền tự hào và kỳ vọng vào đội ngũ cán bộ viên chức làm việc trong lĩnh vực quản lý kinh tế nói riêng và quản lý dự án nói chung.


  • 31/10/2016 09:39
  • Lê Minh Tuấn (Ban Quản lý đầu tư EVN)
  • 4620