"Tôi cần giúp đỡ"
Amy Dickinson, nhà báo, nhà bình luận xã hội người Mỹ trên chương trình "Good Morning America" của đài ABC và "The Today Show" của đài NBC khuyên mọi người nên sử dụng cụm từ này tại nơi làm việc.
"Nhiều người cho rằng việc phải nhờ vả có thể bị đồng nghiệp đánh giá kém cỏi", Amy Dickinson nói. Tuy nhiên, câu nói này có thể thúc đẩy mối quan hệ đồng nghiệp, khi đối phương nghĩ rằng bạn tin tưởng và đánh giá cao năng lực của họ.
Theo Amy Dickinson, khi được nhờ giúp đỡ, đối phương có xu hướng tin tưởng và có cảm tình với bạn hơn. Sự sẵn lòng giúp đỡ đồng nghiệp không chỉ tạo ra mối quan hệ tin cậy mà còn thúc đẩy sự tôn trọng lẫn nhau. Khi mọi người cảm thấy được hỗ trợ và trân trọng, họ dễ dàng gắn kết và làm việc cùng nhau một cách hiệu quả hơn.
Nhà tâm lý học người Mỹ M. Nora Bouchard gợi ý, nếu việc nhờ giúp đỡ gây khó khăn với bạn, hãy thử từ những việc nhỏ như gợi ý về việc nên nấu gì cho bữa tối hoặc nên đi chơi ở đâu vào ngày cuối tuần.
"Tôi hiểu những gì bạn nói"
Lắng nghe không chỉ đơn giản là việc nghe được những thông tin hay câu chuyện mà còn là khả năng thấu hiểu, tôn trọng và đồng cảm với người khác.
Biết lắng nghe đồng nghiệp không chỉ giúp tạo ra mối quan hệ sâu sắc mà còn tích lũy thêm vốn sống và kỹ năng giao tiếp.
Chuyên gia truyền thông, diễn giả và cựu nhà báo truyền hình từng đoạt giải Emmy, Jessica Chen khuyên, khi tham gia bất kỳ cuộc họp nào, thay vì muốn ngắt lời ai đó hãy lắng nghe một cách tích cực và chăm chú, đồng thời đợi đối phương nói hết suy nghĩ của họ.
"Trước khi đưa ra quan điểm của mình, bạn hãy bắt đầu bằng câu: Tôi hiểu những gì bạn nói". Theo Jessica Chen, câu nói này sẽ cho đối phương thấy rằng họ được lắng nghe và công nhận.
Ngay cả khi bạn có quan điểm đối lập, nó vẫn giúp cho việc thảo luận diễn ra trơn tru và hiệu quả.
"Điều này là một thứ mới mẻ"
Trong quá trình thảo luận hoặc thuyết trình, thông tin quen thuộc thường gây sự nhàm chán cho mọi người, thậm chí không ai muốn phản hồi. Biết được điều này, những người giao tiếp giỏi luôn đưa yếu tố mới mẻ vào trong câu chuyện của họ để thu hút sự chú ý. Ví dụ, khi bắt đầu trình bày về một ý tưởng, họ sẽ khẳng định sự mới lạ, chưa từng có của ý tưởng đó bằng câu nói "điều này là một thứ mới mẻ".
Chiến lược này có thể tạo sự hứng khởi cho bản thân và những người xung quanh, ngoài ra còn thúc đẩy khả năng tranh luận về ý tưởng. Từ đó, bạn sẽ có thêm nhiều ý kiến bổ sung để hoàn thiện ý tưởng của mình.
"Cảm ơn vì..."
Khi được ai đó giúp đỡ trong công việc hay ủng hộ một ý kiến nào đó, bạn nên nói lời cảm ơn. Tuy nhiên, những người thông minh và khéo léo còn kéo dài câu nói đó với những lý do tại sao. Ví dụ như: Cảm ơn vì đã ủng hộ quan điểm của tôi, cảm ơn vì đã lắng nghe, cảm ơn vì đã giúp tôi hoàn thành công việc,...
Việc cụ thể hóa lời cảm ơn sẽ thể hiện rõ hơn sự trân trọng của bạn với đối phương. Đồng thời, nó cũng để lại những ấn tượng tích cực cho mọi người.
Link gốc
Theo vnexpress.net
Share