Các doanh nghiệp Iran lao đao vì tình trạng mất điện hàng ngày

09:28, 02/12/2024

Tình trạng mất điện luân phiên vào ban ngày, do thiếu hụt năng lượng, đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các doanh nghiệp tại thủ đô Tehran, Iran - nơi sinh sống của khoảng 10 triệu người.

"Khi mất điện, quán gần như không thể hoạt động được nữa bởi hầu hết các thiết bị quan trọng của quán đều chạy bằng điện," Ali, 30 tuổi, nhân viên làm việc tại một quán cà phê tại thủ đô Tehran, chia sẻ về tình trạng mất điện theo lịch diễn ra hàng ngày trên toàn quốc từ ngày 11/11.

Một phụ nữ Iran đang ở trong ngôi nhà của mình tại Tehran trong khi điện bị cắt do chính sách tiết kiệm năng lượng vào năm 2021. Ảnh: Japan Times.

Mặc dù sở hữu một trong những trữ lượng dầu mỏ và khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới, Iran đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng trong những tháng gần đây. Nhiều năm chịu lệnh trừng phạt từ phương Tây cùng với sự thiếu đầu tư vào cơ sở hạ tầng đã khiến vấn đề này trở nên tồi tệ hơn, đặc biệt trong những tháng cao điểm tiêu thụ năng lượng vào mùa hè và mùa đông.

Để đối phó với tình trạng này, chính phủ đã áp dụng chính sách cắt điện trong hai giờ, luân phiên giữa các khu phố tại Tehran từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Tổng thống Masoud Pezeshkian giải thích do "dự trữ nhiên liệu thấp" nên bắt buộc phải điều chỉnh việc phân bổ nhiên liệu cho các nhà máy điện để tránh khủng hoảng vào mùa đông.

Fatemeh Mohajerani, người phát ngôn của chính phủ Iran, giải thích rằng việc cắt điện là một biện pháp ngắn hạn để giảm thiểu việc sử dụng dầu mazut, loại nhiên liệu ô nhiễm hiện đang được các nhà máy điện cũ sử dụng vì thiếu nhiên liệu sạch hơn như khí đốt. Mazut là một giải pháp tạm thời, nhưng lại gây ra tác hại lớn về môi trường và sức khỏe con người, vì nó tạo ra khí thải độc hại và ô nhiễm không khí. Trước khi tìm kiếm được giải pháp lâu dài và bền vững hơn, người dân chắc chắn phải chịu đựng cảnh mất điện và ảnh hưởng sức khỏe từ ô nhiễm.

Mona, nhân viên tại quán cà phê ở Tehran, phản ánh rằng chính sách này đang gây ra sự bất công, đặc biệt là đối với người dân thủ đô. Chính phủ Iran đã ngừng đốt mazut tại các nhà máy điện ở một số thành phố khác, trong khi Tehran thì chưa, dẫn đến việc người dân Tehran vẫn phải chịu sự ô nhiễm và những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Tình trạng mất điện kéo dài không phải là vấn đề mới ở Iran, đặc biệt là trong mùa hè nóng bức. Vào tháng 7 vừa qua, chính phủ đã quyết định giảm một nửa giờ làm việc của công chức trong nhiều ngày để tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt năng lượng không chỉ ảnh hưởng đến cung cấp điện mà còn ảnh hưởng đến nguồn cung khí đốt.

Ngày 12 tháng 11, Công ty Khí đốt Quốc gia Iran (NIGC) thông báo rằng lượng khí đốt tiêu thụ hàng ngày của đất nước đã đạt mức kỷ lục mới là 794 triệu mét khối. Theo chuyên gia kinh tế Hassan Forouzanfard, nguyên nhân chính dẫn đến cuộc khủng hoảng năng lượng này là sự yếu kém trong cơ sở hạ tầng, quản lý kém hiệu quả, cùng với các lệnh trừng phạt của phương Tây. Ông cho biết: "Các lệnh trừng phạt đã cản trở Iran trong việc tiếp cận công nghệ hiện đại và nguồn vốn cần thiết để nâng cấp ngành dầu khí, dẫn đến sự thiếu hụt nguồn cung năng lượng trong nước."

Mặc dù Iran là quốc gia sản xuất dầu thô lớn thứ bảy trên thế giới và sở hữu trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn thứ hai, đất nước này vẫn phải đối mặt với bài toán khó trong việc cân đối cung cầu năng lượng trong nước.

Tổng thống Masoud Pezeshkian đã kêu gọi người dân tiết kiệm năng lượng, đặc biệt là khí đốt, trong bối cảnh mùa đông đang đến gần. "Tôi tự mặc thêm quần áo ấm ở nhà, mọi người cũng có thể làm như vậy để tiết kiệm năng lượng," ông Pezeshkian nhấn mạnh.

Tình trạng mất điện không chỉ làm gián đoạn cuộc sống hàng ngày của người dân mà còn gây tổn thất lớn cho các doanh nghiệp nhỏ. Sina, một nhân viên tại siêu thị ở Tehran, cho biết trong thời gian mất điện, cửa hàng phải hạn chế số lượng khách hàng vào cùng lúc. "Chúng tôi rất lo ngại vì không có camera giám sát, rất khó để kiểm soát được mọi thứ trong cửa hàng," ông chia sẻ. "Tình trạng mất điện kéo dài khiến cho việc kinh doanh của chúng tôi trở nên rất khó khăn."

Cuộc khủng hoảng năng lượng tại Iran là một minh chứng rõ ràng cho hậu quả của việc thiếu đầu tư vào cơ sở hạ tầng, sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch chất lượng thấp, và tác động của các lệnh trừng phạt quốc tế. Mặc dù chính phủ Iran đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp ngắn hạn, nhưng để giải quyết vấn đề năng lượng một cách bền vững, việc xây dựng một chiến lược năng lượng hợp lý và bền vững vẫn là bài toán dài hạn cần lời giải.


Nguyệt Hà (The Japan Times)

Share