ĐEM TRÂU ĐI HỎI VỢ: Dân tộc Duria (Indonesia) rất coi trọng con trâu. Chàng trai nào muốn đi hỏi vợ phải đem trâu đến nhà cô gái. Người ta sẽ hỏi chàng trai: “Anh là người biếu con trâu này phải không?” và hỏi cô gái: “Cô có bằng lòng nhận con trâu này không?”. Nếu cô gái bằng lòng, lễ cưới sẽ được tổ chức. Trong lễ vật cưới thì con trâu phải đứng hàng đầu và trong các món ăn của lễ cưới, nhất định phải có món thịt trâu.
TRÂU BIẾT CƯỜI: Ở Guyana có một giống trâu biết cười. Thực ra là ở bộ phận cổ họng của giống trâu này có màng cách âm hình chữ S. Khi chúng kêu, hơi đi ra sẽ làm cho lớp màng cách âm này rung lên, phát ra những âm thanh giống như tiếng cười “ha ha”. Người dân Guyana cho rằng, tiếng cười của giống trâu này sẽ mang lại điều may mắn, do vậy họ đã đặt tên cho chúng là “trâu cười”.
TRÂU PHUN NƯỚC: Ở Nigeria có một giống trâu rất đặc biệt, dưới cổ chúng có một túi da để đựng nước còn lớn hơn cả đầu chúng, bên trong đó có thể chứa được vài thùng nước. Vì giống trâu này không thể tiết ra nước bọt được, nên nước từ trong cái túi đó không ngừng được phun ra để làm cho đầu lưỡi của chúng luôn luôn ẩm. Nắm được đặc điểm này của chúng, vào những ngày hè nắng hạn, người dân Nigeria thường đưa chúng ra sông, uống no nước sau đó dẫn chúng tới vườn ruộng để chúng tưới nước cho khu vườn hay cánh đồng đang khô hạn.
TRÂU LÙN: Chỉ cao gần 1m, sống ở vùng núi cao, khí hậu lạnh ở Tây Tạng (Trung Quốc). Trâu lùn có thân hình vạm vỡ, bao phủ bởi lớp lông dày và dài. Trên những núi tuyết khúc khuỷu khó đi hay trên những dòng sông băng, chúng có thể thồ hàng hóa nặng hàng trăm kilôgam, do vậy người Tây Tạng gọi chúng là “Cỗ xe của cao nguyên” hoặc “Chiếc thuyền của sông băng”.
TRÂU CỨU CHỦ: Bà Luo Fengju sống tại thị trấn Thành Ninh, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đã bị một con gấu đen tấn công nhưng may mắn thoát chết nhờ những con trâu. Bà Luo kể lại: Khi đang làm việc trên đồng thì bỗng nhiên nghe tiếng động mạnh, bà nhìn lên và thấy một con gấu đứng sừng sững trước mặt. Con gấu đã tát bà một cái và bà ngã lăn xuống đất. Bà cố gắng bò dậy và kêu cứu. Con gấu xông đến túm lấy chân bà… Tuy nhiên, đúng lúc ấy 5 con trâu đang ăn cỏ gần đó lao tới và tấn công con gấu. Con gấu liền bỏ bà Luo ra và quay lại tấn công những con trâu. Những con trâu đã tạo thành một vòng tròn quanh chủ và một con trâu trong đàn lấy hết sức mạnh húc vào người con gấu và buộc con gấu phải rút lui. Trên đường về nhà, những con trâu vẫn tạo thành một vòng tròn bao quanh bà Luo, có lẽ chúng sợ bà chủ tiếp tục bị gấu tấn công. 5 con trâu đã trở thành “anh hùng” trong làng và được mọi người thiết đãi những loại cỏ ngon nhất.
BƯU TÁ… TRÂU: Ở Myanmar có nhiều vùng núi cao và hẻo lánh nên ngành bưu điện đã sử dụng trâu làm “bưu tá”. Cứ thường lệ vào thứ tư và thứ sáu hàng tuần, người ta bỏ thư và bưu kiện vào túi lớn rồi vắt lên lưng trâu, sau đó vỗ nhẹ lưng trâu ra lệnh lên đường. Đến mỗi bưu cục, trâu lại rống lên để nhân viên ra nhận thư và bưu kiện. Thật đúng với câu “Lạc đường theo chó, lạc ngõ theo trâu”.
TƯỢNG TRÂU LỚN NHẤT: Tượng trâu tại thành phố Jamestown thuộc Bang Bắc Dakota (Mỹ), có chiều cao 7,9m; dài 14m bằng đá cốt thép trét xi măng, cân nặng tổng cộng hơn 60 tấn do nghệ sỹ Elmer Petersen thiết kế và doanh nhân Harold Newman đầu tư xây dựng năm 1959 với chi phí hơn 8500 USD thời đó. Đây là điểm thu hút khách du lịch cho thành phố Jamestown và được tặng biệt danh là “Thành phố trâu”!
ĐỘI QUÂN TRÂU NƯỚC: Giữa thời hiện đại, quân đội Brazil lại trở về với một phương thức vận chuyển cổ xưa: Trâu nước. Những con trâu nước to kềnh, đen trũi được sử dụng để vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực vào các đồn biên phòng của Brazil đóng dọc đường biên giới chạy xuyên qua vùng rừng Amazon. Trâu nước có ưu thế và kinh tế hơn so với la, lừa, xe tải. Mỗi con trâu nước nặng 500kg có thể thồ được ngần ấy hàng hóa trên lưng. Trâu nước không kén ăn như la, lừa và thức ăn cho chúng thì đầy rừng.
Theo Tạp chí Điện lực Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
Share