41 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm (CSSDNLTĐ) với các ngành nghề sản xuất chính như: sản xuất tinh bột và các sản phẩm từ tinh bột sắn; sản xuất, chế biến đá; sản xuất xi măng; chế biến các loại khoáng sản; chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ, tre; sản xuất chế biến viên nén sinh học; sản xuất thức ăn gia súc gia cầm và thủy sản; sản xuất sắt, thép, gang, ống nhựa; sản xuất hàng may mặc; sản xuất xi măng; sản xuất thuốc các loại; chăn nuôi gia cầm; chế biến thực phẩm - sản xuất sữa và các sản phẩm từ sữa;… tập trung ở các KCN Phú Tài, Long Mỹ, Nhơn Hội, Nhơn Hòa…
Các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm có tổng mức năng lượng tiêu thụ quy đổi là 102.900 TOE, tương đương 666,88 triệu kWh. Trong đó một số CSSDNLTĐ có năng lượng tiêu thụ lớn như Công ty TNHH MTV Hoa Sen Nhơn Hội-Bình Định với 11.505 TOE; Công ty CP Năng lượng sinh học Phú Tài với 6.878 TOE; Nhà máy thức ăn gia súc Bình Định - Công ty CP chăn nuôi CP Việt Nam với 5.593 TOE,… Nếu so với năm 2020, tỉnh Bình Định chỉ có 28 CSSDNLTĐ với năng lượng tiêu thụ quy đổi là 48.176 TOE, tương đương 312,22 triệu kWh, thì đến nay các CSSDNLTĐ đã tăng nhiều, năng lực sản xuất lớn hơn nhưng TOE tăng không nhiều, chứng tỏ các cơ sở trên địa bàn đã sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả vì theo đánh giá chung năng lực sản xuất của các cơ sở đều tăng trưởng cao theo từng năm.
Điện lực Phú Tài làm việc với Công ty CP Công nghệ gỗ Đại Thành (KCN Phú Tài, TP Quy Nhơn) về công tác tiết kiệm điện
|
Thời gian qua, các Điện lực thuộc Công ty Điện lực Bình Định đã chủ động nắm bắt, trao đổi thông tin, sẵn sàng đáp ứng cho nhu cầu sử dụng điện một cách hiệu quả của các doanh nghiệp (DN), khi nhà đầu tư đến tìm hiểu, đầu tư để hoạt động trên địa bàn quản lý. Đồng thời các Điện lực cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền hướng dẫn DN các giải pháp sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm điện trong quá trình đầu tư, hoạt động đem lại hiệu quả cao trong thực tế.
Ông Đinh Long Vân, Giám đốc Điện lực Phú Tài, cho biết, nhằm hỗ trợ DN sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, đơn vị đã chủ động cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp làm việc với các DN có quy mô sản xuất lớn, điện năng sử dụng lớn để tuyên truyền, hỗ trợ và tư vấn xây dựng quy định về sử dụng điện như: ứng dụng các dây chuyền, công nghệ mới vào sản xuất; cân nhắc lựa chọn để thay thế các thiết bị tiết kiệm năng lượng; sử dụng hệ thống chiếu sáng hợp lý, tận dụng triệt để ánh sáng tự nhiên ở khu vực nhà xưởng; hạn chế chế độ không tải, thực hiện chế độ duy tu, bảo dưỡng thiết bị trong dây chuyền sản xuất phù hợp để chống tổn thất điện năng; linh động điều chuyển một số khâu sản xuất có tiêu thụ điện năng lớn sang vận hành giờ thấp điểm,… để vừa duy trì ổn định sản xuất, vừa sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Đại diện Công ty CP Công nghệ gỗ Đại Thành, cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm với 1.416 TOE (tương đương 9,18 triệu kWh), cho hay, sau khi tham khảo thông tin từ phía ngành Điện, Công ty đã đề ra các biện pháp tiết kiệm năng lượng trong đơn vị như: thường xuyên kiểm soát các khâu có khả năng gây tổn thất năng lượng cao trong quá trình sản xuất; tăng cường đầu tư dây chuyền công nghệ với thiết bị, máy móc hiện đại như các biến tần điều khiển thiết bị công suất lớn để tiết kiệm điện; thay thế hệ thống chiếu sáng cũ bằng đèn Led; tuyên truyền nâng cao nhận thức của công nhân về tiết kiệm năng lượng và hướng dẫn các biện pháp tiết kiệm điện trong công việc hằng ngày. Công ty cũng đã đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời với công suất 580 kWp.
Sau khi triển khai các giải pháp, Công ty đã tiết kiệm được 10% năng lượng điện tiêu thụ mỗi tháng, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường. Thời gian tới, Công ty có kế hoạch đầu tư hệ thống giám sát và quản lý năng lượng để theo dõi và kiểm soát mức tiêu thụ năng lượng trong nhà máy theo từng giai đoạn sản xuất.
Một số DN ở các KCN như Phú Tài, Long Mỹ, Nhơn Hòa,.. đã sử dụng hệ thống tấm lợp mái skyline lấy ánh sáng, 4 mặt tường bằng kính để tận dụng ánh sáng tự nhiên, cửa mang cá lấy gió trời, sử dụng bóng đèn Led; trang bị máy móc, thiết bị tiết kiệm điện với cảm biến tắt, bật điện tự động theo ánh sáng tự nhiên, đã tiết kiệm đáng kể sản lượng điện năng hàng tháng.
Các CSSDNLTĐ như các đơn vị chế biến sản phẩm gỗ, lâm sản, đá, thép,… đều có chung nhận định là trong thời gian đến phải xây dựng đơn vị trên nền tảng phát triển xanh, bền vững ngay từ khâu quy hoạch, thiết kế, đến vận hành khai thác để sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm, hiệu quả,... thì mới có đủ sức cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu từ phía đối tác.
Hồ Quang Thịnh
Share