Công ty Cổ phần Lâm nghiệp Tháng Năm (thuộc Tập đoàn TH) được thành lập từ tháng 01/2010, chuyên sản xuất ván sợi MDF và ván ghép thanh.
Ông Nguyễn Thế Mai - Tổng giám đốc Công ty Cổ phẩn Lâm nghiệp Tháng Năm cho biết, chế biến gỗ là ngành sử dụng năng lượng tương đối lớn. Mỗi năm, Công ty tiêu thụ khoảng 35 triệu kWh điện để phục vụ hoạt động các máy móc thiết bị và 20.000 tấn nguyên liệu đốt phục vụ lò hơi nhiệt để cung cấp toàn bộ nhiệt và hơi nước cho hoạt động sản xuất.
Nhận thấy năng lượng chiếm một phần rất lớn trong cấu thành giá thành sản phẩm nên việc tiết kiệm năng lượng là vấn đề luôn được Công ty đặt lên hàng đầu. Công ty đã tích cực nghiên cứu các giải pháp để tiết kiệm năng lượng tối đa nhất.
Dây chuyền sản xuất ván sợi MDF
|
Ông Mai cho biết, trước đây tiêu thụ năng lượng điện trên một đơn vị sản phẩm là 300 kWh. Với mức đó tạo giá thành tương đối cao. Do đó, Công ty đã nghiên cứu và thực hiện các giải pháp gồm: nâng công suất dây chuyền lên 120-130%; giảm sản phẩm lỗi hỏng từ 3% xuống còn 0,3%; thay thế động cơ cũ bằng động cơ mới có biến tần giúp tiết kiệm được 15-20% chi phí điện. "Việc áp dụng đồng bộ các giải pháp trên đã giúp Công ty Cổ phẩn Lâm nghiệp Tháng Năm giảm từ 300 kWh/đơn vị sản phẩm xuống còn khoảng 250 kWh/đơn vị sản phẩm", ông Mai thông tin thêm.
Về hệ thống lò đốt cung cấp nhiệt và hơi cho hoạt động sản xuất, trước đây sử dụng chất đốt là than đá, dăm gỗ thì đến nay Công ty đã sử dụng phụ phẩm từ rừng (vỏ cây) và phụ phẩm của các nhà máy chế biến gỗ giúp loại bỏ 100% sử dụng nguyên liệu hóa thạch và tiết kiệm 50% chi phí năng lượng.
Bên cạnh giải pháp công nghệ, thời gian qua Công ty đã nghiêm túc thực hiện quy định của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Cụ thể, thành lập Ban quản lý năng lượng quy định chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng thành viên, xây dựng và ban hành chính sách sử dụng năng lượng. Ban quản lý năng lượng họp định kỳ 1 lần/tuần để đưa ra các sáng kiến, các giải pháp nhằm tiết kiệm năng lượng hiệu quả.
Thiết bị có biến tần giúp Công ty tiết kiệm chi phí điện.
|
Ngoài ra, các thành viên tham gia trực tiếp trong Ban quản lý năng lượng được ưu tiên đào tạo, tiếp thu các kiến thức về sử dụng năng lượng hiệu quả, từ đó phổ biến, tuyên truyền và áp dụng cho người lao động trong Công ty.
Về các giải pháp giúp Công ty tiết kiệm năng lượng trong thời gian tới, ông Mai cho biết Công ty đang tham gia Chương trình Thỏa thuận tự nguyện thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực công nghiệp (VAS) trong khuôn khổ Chương trình Hợp tác đối tác năng lượng Việt Nam - Đan Mạch giai đoạn 2020 - 2025. Mục tiêu hướng đến là cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng tại doanh nghiệp. Thông qua các buổi khảo sát và làm việc trực tiếp, Công ty đã nhận được rất nhiều đóng góp, tư vấn từ các chuyên gia trong nước và quốc tế để nhận diện được tiềm năng tiết kiệm năng lượng và hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật trong quá trình sản xuất nhằm cải thiện hiệu suất năng lượng.
"Trong khuôn khổ Chương trình VAS, các chuyên gia đã đưa ra 4 giải pháp giúp Công ty tiết kiệm năng lượng hơn. Trong đó, giải pháp thu hồi lượng nhiệt dư thừa hiện đang thất thoát ra ngoài môi trường để tận dụng ngược lại cho quá trình sản xuất được Công ty đánh giá có hiệu quả tiết kiệm năng lượng cao. Nếu như giải pháp này thành công sẽ giúp Công ty tiết kiệm chi phí năng lượng khoảng 4-5 tỷ đồng mỗi năm", ông Mai cho biết.
Theo nghiên cứu do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Quỹ Quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên tại Việt Nam (WWF) thực hiện, ngành chế biến gỗ có thể giảm 10,4% nhu cầu năng lượng so với kịch bản phát triển thông thường nếu áp dụng các biện pháp sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng. |
Anh Thư
Share