Kỳ 4: Đáp ứng đủ điện cho nhu cầu CNH – HĐH đất nước (Giai đoạn 1995 – 2015)
EVN không ngừng đổi mới, giữ vai trò chủ đạo, đảm bảo an ninh và chất lượng cung cấp điện, đáp ứng đủ điện cho nhu cầu CNH – HĐH đất nước.
Giai đoạn 1995 – 2005
Ngày 10/10/1994, Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) được thành lập theo Quyết định số 562/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở sắp xếp lại các đơn vị điện thuộc Bộ Năng lượng. Ông Thái Phụng Nê là Chủ tịch Hội đồng quản lý đầu tiên của EVN (giai đoạn 10/1994 – tháng 7/1998). Ông Lê Liêm là Tổng giám đốc đầu tiên của EVN (giai đoạn 10/1994 – tháng 4/1998).
Giai đoạn này, ngành Điện thực hiện các tổng sơ đồ phát triển điện lực giai đoạn IV, V và đạt được nhiều thành tựu đặc biệt quan trọng. Mặc dù nguồn lực và khả năng cân bằng tài chính khó khăn, nhưng nhờ có các giải pháp hợp lý, hữu hiệu trong huy động vốn, cũng như tăng cường các biện pháp quản lý đầu tư xây dựng, EVN đã xây dựng và đưa vào vận hành nhiều công trình điện trọng điểm như: Nhà máy Thủy điện Ialy (720MW), mở rộng Nhiệt điện Cần Thơ 150MW với 4 tổ máy tua bin khí, Nhà máy Thuỷ điện Hàm Thuận - Đa Mi (475MW), Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại 2 (600MW),…
Đặc biệt, Trung tâm Điện lực Phú Mỹ được khánh thành với 6 nhà máy điện có tổng công suất 3.859 MW, lớn gấp đôi Thủy điện Hòa Bình. Trong đó, EVN đầu tư xây dựng Nhà máy Phú Mỹ 1, Phú Mỹ 2.1, Phú Mỹ 2.1 mở rộng và Phú Mỹ 4; các nhà máy: Phú Mỹ 3, Phú Mỹ 2.2 do các nhà đầu tư nước ngoài cấp vốn theo hình thức BOT. Đây là những công trình điện quan trọng đánh dấu sự phát triển vượt bậc của ngành công nghiệp Điện lực Việt Nam. Đồng thời, qua việc tham gia xây dựng công trình điện, lực lượng tư vấn xây dựng điện trong Ngành đã bước đầu tiếp cận công nghệ hiện đại và chủ động trong tư vấn thiết kế các nhà máy điện chạy khí.
Tính riêng giai đoạn 2001 - 2005, Tổng công ty Điện lực Việt Nam liên tục đầu tư xây dựng hàng loạt công trình điện với tổng số vốn khoảng 90.000 tỷ đồng, gấp 2,05 lần so với giai đoạn 1996 – 2000. Tổng công suất nguồn điện đưa vào vận hành tăng thêm gần 5.000MW.
Hệ thống lưới điện phát triển mạnh với việc xây dựng đường dây siêu cao áp 500kV Bắc – Nam mạch 2 và các tuyến đường dây 500kV từ thành phố Hồ Chí Minh đi miền Tây, Thường Tín – Quảng Ninh, cùng với hàng ngàn km đường dây 110 – 220kV và các trạm biến áp.
Ngày 23/10/2005, khánh thành đường dây 500kV mạch 2. Đường dây có tổng chiều dài 1.600km đi qua 21 tỉnh, thành phố, gồm 4 cung đoạn: Phú Lâm - Pleiku (544km), Pleiku - Dốc Sỏi - Đà Nẵng (296,6km), Đà Nẵng - Hà Tĩnh (292,8km), Hà Tĩnh - Nho Quan - Thường Tín (364km).
Đường dây siêu cao áp truyền tải điện vào – ra hai miền Nam-Bắc, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và chất lượng điện cho cả hệ thống. Nguồn: Bùi Tấn Hiển
|
Công trình có tổng vốn đầu tư hơn 7.510 tỉ đồng, khối lượng thi công lên tới 3,2 triệu m3 đào đắp đất đá các loại, 269 nghìn m3 bê tông các loại, 12,8 nghìn tấn thép xây dựng. Hơn 10 nghìn cán bộ, công nhân viên, lúc cao điểm là hơn 20 nghìn người, rải ra trên toàn bộ 4 cung đoạn của dự án gấp rút ngày đêm thi công. Tháng 4/2004, đường dây 500kV đoạn Pleiku - Phú Lâm dài 544km đã được đóng điện. Sau đó 4 tháng, đường dây 500kV Dốc Sỏi - Đà Nẵng dài gần 300km đóng điện, vượt tiến độ Chính phủ giao 4 tháng. Tiếp đó, ngày 23/5/2005, đường dây Đà Nẵng - Hà Tĩnh dài gần 400km đã được đóng điện, vượt tiến độ Chính phủ giao hơn 1 tháng. Mạch Hà Tĩnh - Nho Quan - Thường Tín đóng điện ngày 23/9/2005, kết thúc thi công công trình khổng lồ dài 1.600km, đi qua 21 tỉnh, thành, vượt tiến độ hơn 1 tháng.
Việc hoàn thành đường dây này đã tạo thành 2 đường dây siêu cao áp song song xuyên suốt đất nước, truyền tải điện vào - ra hai miền, nâng cao độ an toàn cung cấp điện và chất lượng điện cho cả hệ thống. Qua đó, tạo điều kiện để khai thác hợp lý các nguồn điện trên toàn quốc, đồng thời tạo tiền đề quan trọng nhất cho sự ra đời của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia sau này.
Về cấp điện cho nông thôn, miền núi và hải đảo: Đây là giai đoạn ghi nhận nỗ lực cấp điện đến các hộ dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa, với tỷ lệ số hộ dân nông thôn có điện liên tục tăng nhanh theo từng năm. Cụ thể: Năm 2001: 77,5%, năm 2002: 81,4%, năm 2003: 83,5%, năm 2004: 88%.
Giai đoạn này cũng ghi nhận thành công vượt bậc trong lĩnh vực cơ khí điện lực với việc nghiên cứu và thiết kế chế tạo thành công máy biến áp các cấp điện áp 110 – 220kV, tự sửa chữa được máy biến áp 500kV.
Cùng với việc tăng cường đầu tư mở rộng hệ thống nguồn và lưới điện, Tổng công ty Điện lực Việt Nam không ngừng đổi mới phương pháp làm việc, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng. Tổng công ty đã ban hành nhiều quy chế, quy định và quy trình dịch vụ khách hàng, đào tạo nguồn cán bộ làm công tác kinh doanh, đơn giản hóa các thủ tục cấp điện …
Giai đoạn 2006 – 2015
Ngày 22/6/2006, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 147/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Thí điểm hình thành Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Quyết định số 148/2006/QĐ-TTG về việc thành lập Công ty mẹ - Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Ngày 17/12/2006, Tập đoàn Điện lực Việt Nam chính thức ra mắt, là tập đoàn kinh tế nhà nước, giữ vai trò chủ đạo trong sản xuất, truyền tải, kinh doanh và phân phối điện năng, làm nòng cốt để ngành Điện Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả.
Tháng 6/2012, Bộ Công Thương có quyết định thành lập 3 Tổng công ty Phát điện (GENCO 1, 2, 3) trực thuộc EVN.
Cuối năm 2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 205/2013/NĐ-CP về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, trong đó ngành, nghề kinh doanh chính là: Sản xuất, truyền tải, phân phối và kinh doanh mua bán điện năng; chỉ huy điều hành hệ thống sản xuất, truyền tải, phân phối và phân bổ điện năng trong hệ thống điện quốc gia; xuất nhập khẩu điện năng;...
Đây là giai đoạn đẩy mạnh tái cơ cấu DN trong EVN theo hướng thu gọn đầu mối, tăng cường phân cấp quản lý, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp. EVN đã có những bước chuyển biến quan trọng về mô hình quản lý, cơ chế điều hành, định hướng hoạt động,…
Bên cạnh đó, EVN tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, chuẩn bị cổ phần hóa các GENCO, chỉ giữ độc quyền truyền tải và nắm giữ 100% vốn nhà nước của các nhà máy điện lớn, đảm bảo hiệu quả tổng hợp như cấp điện, chống lũ, tưới tiêu. Đồng thời, thực hiện đúng lộ trình về xây dựng thị trường điện cạnh tranh trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực.
EVN còn tập trung vào đầu tư phát triển hệ thống nguồn và lưới điện, đảm bảo nhiệm vụ quan trọng nhất là đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội. Giai đoạn này, Tập đoàn đã triển khai xây dựng nhà máy Thủy điện Sơn La, hệ thống truyền tải điện cũng không ngừng được mở rộng với việc khánh thành đường dây 500kV mạch 3 (Pleiku – Mỹ Phước – Cầu Bông). Lĩnh vực cơ khí điện lực cũng đạt được bước tiến đáng kể với việc chế tạo thành công máy biến áp 500kV.
Đường dây 500kV Pleiku – Mỹ Phước – Cầu Bông. Nguồn: cosodulieu.evn.com.vn
|
Thuỷ điện Sơn La (2.400MW) là thuỷ điện lớn nhất Đông Nam Á, khánh thành ngày 23/12/2012, vượt tiến độ theo Nghị quyết Quốc hội 3 năm. Đây là một kỳ tích của ngành xây dựng thuỷ điện Việt Nam, do phát huy nội lực thiết kế, tự thi công, mạnh dạn áp dụng các công nghệ mới của thế giới, không những đã thi công cường độ nhanh mà còn đảm bảo chất lượng công trình tốt nhất. Sau khi hoàn thành, công trình quan trọng quốc gia này được Tạp chí Năng lượng Châu Á xét tặng 3 giải thưởng vào năm 2013, gồm “Giải Vàng cho danh hiệu nhà máy được triển khai nhanh của năm”, “Giải Dự án thuỷ điện của năm” và “Giải Công ty Điện của năm”.
Các trung tâm nhiệt điện than đến thời kỳ này đã được bố trí khắp cả 3 miền đất nước, trong đó đã đưa vào vận hành 3 trung tâm là Mông Dương (Quảng Ninh) 2.280MW, Quảng Ninh 1.200MW và Hải Phòng 1.200MW và đã đưa vào vận hành một phần của trung tâm Nghi Sơn (Thanh Hoá) 600MW, Vũng Áng (Hà Tĩnh) 1.245MW, Vĩnh Tân (Bình Thuận) 3.664MW, Duyên Hải (Trà Vinh) 2.488MW. Bắt đầu xây dựng 3 trung tâm Hải Dương, Long Phú (Sóc Trăng) và Sông Hậu. Trong 11 trung tâm nhiệt điện than ghi nhận Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân có tổng công suất trong tương lai lớn nhất Việt Nam, có cảng biển sâu đáp ứng tàu 100.000DWT vận chuyển than nhập khẩu của nước ngoài. Năm 2014 – 2015 đã đưa 2 Nhà máy Vĩnh Tân 2 (1.244MW) và Duyên Hải 1 (1.245MW) vào vận hành, kịp thời đáp ứng nhu cầu phụ tải cao của miền Nam vào thời điểm đó.
Về lưới điện truyền tải, đã kịp thời xây dựng các đường dây 500kV và 220kV truyền dẫn công suất điện của các trung tâm điện lực như Phú Mỹ, Vĩnh Tân, Duyên Hải, Mông Dương… và các nhà máy điện lớn phát lên lưới điện quốc gia. Đặc biệt đã hoàn tất xây dựng hai hệ thống mạch vòng đường dây 500kV Phú Mỹ - Sông Mây – Tân Định – Cầu Bông – Phú Lâm – Nhà Bè – Phú Mỹ ở trung tâm phụ tải miền Nam và hệ thống mạch vòng đường dây 500kV Sơn La – Hoà Bình – Nho Quan – Thường Tín – Quảng Ninh – Hiệp Hoà – Sơn La ở trung tâm phụ tải miền Bắc, nhờ đó mà việc cung ứng điện được liên tục ổn định. Đồng bộ với lưới truyền tải 500kV phát triển xây dựng lưới truyền tải 220kV, đến năm 2015 hầu hết các tỉnh đều có ít nhất một trạm biến áp 220kV/110kV và ở các huyện đều có các trạm biến áp phân phối 110kV/22kV hoặc trạm 110kV/35kV.
Bên cạnh những thành công từ nỗ lực cấp điện đến các hộ dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa, giai đoạn này cũng ghi nhận sự bứt phá của EVN trong việc hoàn thành các công trình đưa điện ra các hải đảo. Năm 2013, huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh được cung cấp điện từ điện lưới quốc gia bằng đường dây cáp ngầm xuyên biển. Năm 2014, EVN tiếp tục hoàn thành các dự án cung cấp điện lưới quốc gia bằng cáp ngầm cho các huyện đảo Phú Quốc, Lý Sơn, tiếp nhận hệ thống điện huyện Côn Đảo và huyện Kiên Hải. Năm 2015, Kiên Hải chính thức được cung cấp điện bằng điện lưới quốc gia.
Kính mời quý độc giả tiếp tục theo dõi Kỳ 5: EVN vững vàng bước vào “kỷ nguyên số” (Giai đoạn 2016 đến nay)
PV (tổng hợp)
Share