Theo báo cáo “Demand Response Management Systems Market Report” (Research and Markets, 2025), thị trường hệ thống điều chỉnh phụ tải toàn cầu đã đạt quy mô 60,47 tỷ USD vào năm 2024 và được dự báo tăng lên 77,72 tỷ USD trong năm 2025. Đến năm 2029, quy mô thị trường này sẽ chạm mốc 202,45 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) ấn tượng lên tới 27%. Sự tăng trưởng mạnh mẽ này được thúc đẩy bởi các yếu tố như sự bùng nổ của năng lượng tái tạo, điện hóa ngành giao thông, áp lực về an ninh năng lượng và tiến bộ công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây và IoT.

Dự báo tăng trưởng thị trường hệ thống điều chỉnh phụ tải điện toàn cầu giai đoạn 2025–2029. Nguồn: Research and Markets, 2025
Tại Hoa Kỳ – nơi thị trường điện tự do đã được hình thành và phát triển mạnh mẽ – các chương trình điều chỉnh phụ tải (demand response) đã trở thành một lĩnh vực năng lượng có giá trị hàng tỷ đô la. Theo báo cáo, các nhà cung cấp dịch vụ như CPower Inc. và AutoGrid Systems Inc. đang phối hợp chặt chẽ với các đơn vị vận hành hệ thống điện độc lập như PJM Interconnection và California ISO (CAISO) để triển khai các chương trình điều chỉnh phụ tải dựa trên cơ chế khuyến khích (incentive-based DR). Trong các chương trình này, khách hàng công nghiệp và thương mại sẽ được nhận tiền thưởng khi giảm phụ tải vào giờ cao điểm theo yêu cầu của hệ thống. Riêng trong năm 2023, khu vực PJM quản lý đã tiết kiệm gần 6.000 MW công suất đỉnh nhờ vào các chương trình DR, góp phần giảm áp lực đầu tư vào nguồn phát truyền thống và nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống điện.
Tại khu vực châu Âu, điều chỉnh phụ tải giữ vai trò trọng yếu trong việc hỗ trợ tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo có tính biến động cao như điện gió và điện mặt trời vào hệ thống điện quốc gia. Đức là một trong những quốc gia đi đầu, với việc triển khai mô hình nhà máy điện ảo (Virtual Power Plant – VPP), cho phép kết nối linh hoạt giữa các nguồn phát phân tán, hệ thống lưu trữ năng lượng và các phụ tải có khả năng điều chỉnh. Các doanh nghiệp như Siemens AG và Schneider Electric đã phát triển các nền tảng điều khiển phụ tải theo thời gian thực, giúp hàng nghìn cơ sở thương mại và công nghiệp tối ưu hóa việc tiêu thụ điện và nâng cao hiệu quả vận hành. Báo cáo cũng nhấn mạnh vai trò ngày càng lớn của công nghệ dữ liệu lớn (big data) và trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc phân tích phụ tải, điều khiển từ xa và hỗ trợ ra quyết định trong quản lý năng lượng.
Tại Trung Quốc – quốc gia có mức tăng trưởng phụ tải điện thuộc hàng cao nhất thế giới – các chương trình điều chỉnh phụ tải đang được triển khai trọng điểm tại các khu công nghiệp lớn như Quảng Đông và Giang Tô, với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các công nghệ tiên tiến như AIoT (Artificial Intelligence of Things), tức sự kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo và Internet vạn vật công nghiệp. Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ triển khai điều chỉnh phụ tải tương đương 100 triệu kWh trong khung giờ cao điểm tại các thành phố lớn. Bên cạnh đó, cơ chế giá điện linh hoạt (time-of-use pricing) và các hợp đồng giảm công suất cam kết (curtailment contracts) đã được đưa vào áp dụng nhằm khuyến khích doanh nghiệp tham gia. Các tập đoàn lớn như Huawei Digital Power và State Grid Corporation of China đang đóng vai trò dẫn dắt trong việc xây dựng các nền tảng quản lý phụ tải thông minh, điều phối tự động phụ tải theo tín hiệu từ hệ thống điều độ trung tâm.
Ấn Độ hiện đang nổi lên như một trong những quốc gia đang phát triển đi đầu trong triển khai các chương trình điều chỉnh phụ tải. Theo báo cáo, chính phủ nước này đã hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ như Tata Consultancy Services (TCS) để triển khai giải pháp quản lý năng lượng “Clever Energy” – một nền tảng giúp các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp giám sát, phân tích và tối ưu hóa biểu đồ phụ tải. Trong năm 2023, hơn 1.200 tổ chức tại các bang như Maharashtra và Gujarat đã tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải do Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (POSOCO) vận hành, góp phần giảm hơn 800 MW phụ tải trong các khung giờ cao điểm, qua đó hỗ trợ cân bằng hệ thống và giảm áp lực huy động nguồn phát dự phòng.
Một điểm đáng chú ý trong xu hướng toàn cầu là vai trò ngày càng quan trọng của các tập đoàn công nghệ đa quốc gia như Honeywell, General Electric, Oracle và Enel X trong việc cung cấp giải pháp quản lý điều chỉnh phụ tải (DRMS) cho cả các quốc gia phát triển lẫn đang phát triển. Các doanh nghiệp này thường đóng vai trò trung gian công nghệ, cung cấp nền tảng kỹ thuật số cho việc đo lường, kiểm soát và tối ưu hóa phụ tải theo thời gian thực. Đơn cử, vào tháng 5 năm 2024, Honeywell đã ký kết hợp tác với Enel North America để triển khai hệ thống điều khiển phụ tải tự động tại các tòa nhà thương mại, cho phép khách hàng không chỉ giảm chi phí tiêu thụ điện mà còn tham gia thị trường điều chỉnh cân bằng lưới, tạo ra nguồn thu bổ sung thông qua các dịch vụ phụ trợ cho hệ thống điện.
Với tốc độ tăng trưởng nhanh và sự tham gia ngày càng sâu rộng của cả khu vực công và tư nhân, điều chỉnh phụ tải đang dần vượt ra khỏi vai trò là một giải pháp kỹ thuật hỗ trợ, để trở thành một thành phần chiến lược trong quy hoạch và vận hành hệ thống điện hiện đại. Mỗi quốc gia đang xây dựng chính sách điều chỉnh phụ tải phù hợp với đặc điểm hệ thống điện, trình độ ứng dụng công nghệ và mục tiêu phát triển năng lượng riêng. Trong bối cảnh năng lượng ngày nay không chỉ là vấn đề sản xuất và tiêu thụ điện, mà còn gắn liền với dữ liệu và khả năng kết nối, điều chỉnh phụ tải đóng vai trò như một cơ chế điều tiết linh hoạt, giúp hệ thống điện vận hành ổn định, hiệu quả và đáp ứng tốt hơn với biến động của phụ tải và nguồn phát.
Nguyệt Hà (researchandmarkets.com)
Share