Hội nghị do Chủ tịch HĐTV EVN Đặng Hoàng An và Tổng giám đốc EVN Nguyễn Anh Tuấn chủ trì. Dự hội nghị còn có các Thành viên HĐTV EVN: Đặng Huy Cường, Đinh Thế Phúc, Võ Hồng Lĩnh; các Phó Tổng giám đốc EVN: Ngô Sơn Hải, Nguyễn Tài Anh, Võ Quang Lâm; Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam Đỗ Đức Hùng.
Vận hành hệ thống điện an toàn, ổn định
Phát biểu tại hội nghị, Tổng giám đốc EVN Nguyễn Anh Tuấn cho biết EVN đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ đảm bảo điện phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước năm 2024 với sự nỗ lực của các đơn vị trong tất cả các khối nguồn, truyền tải, phân phối. Tổng giám đốc EVN ghi nhận những kết quả nổi bật trong công tác quản lý kỹ thuật như: đảm bảo tích nước, vận hành thủy điện hiệu quả, đảm bảo nhiên liệu than cho phát điện, tối ưu công tác sửa chữa, bảo dưỡng các nhà máy thủy điện, phối hợp tốt giữa điều độ và các đơn vị trong EVN, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện…
Chủ tịch HĐTV EVN Đặng Hoàng An và Tổng giám đốc EVN Nguyễn Anh Tuấn đồng chủ trì hội nghị
Theo báo cáo của Ban Kỹ thuật Sản xuất EVN, điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống năm 2024 ước đạt 309,16 tỷ kWh, tăng 9,49% so với thực hiện năm 2023. EVN và các đơn vị đã đảm bảo hệ thống điện an toàn, ổn định. Các đơn vị nhà máy điện, truyền tải điện đã phối hợp chặt chẽ với đơn vị điều độ hệ thống điện, vận hành tối ưu hệ thống điện, đáp ứng đủ điện và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Khai thác hiệu quả nguồn nước, năng lượng tái tạo với chi phí thấp nhất.
Các hồ chứa thủy điện được vận hành hiệu quả, đảm bảo cấp nước cho hạ du và tối ưu sử dụng nước phát điện. Trong năm, EVN và các đơn vị đã phối hợp tốt các đơn vị thủy nông tối ưu lấy nước đổ ải, vận hành linh hoạt các hồ thủy điện vừa đảm bảo nhu cầu sử dụng nước hạ du vừa đảm bảo tiết kiệm nước, giữ công suất thủy điện đến cuối mùa khô để góp phần đảm bảo cung cấp điện.
Đối với công tác vận hành nhà máy nhiệt điện, các đơn vị đã giảm sự cố và thời gian xử lý sự, nỗ lực vận hành các tổ máy an toàn, khả dụng. Đồng thời, các kho than được duy trì tăng mức tồn kho cao các tháng mùa khô để sẵn sàng huy động cao.
Các tổng công ty điện lực đều thực hiện tốt các chỉ số độ tin cậy cung cấp điện so với kế hoạch giao. Với chất lượng điện ngày càng được nâng cao, EVN và các đơn vị đã đảm bảo điện an toàn tuyệt đối cho các đợt lễ hội, các sự kiện chính trị, văn hóa trong năm; đảm bảo phục vụ đời sống dân sinh.
Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải phát biểu tại hội nghị
Trong năm 2024, các đơn vị đã xây dựng các kế hoạch vận hành chi tiết, chuẩn bị các kịch bản ứng phó với các tình huống trong cao điểm mùa khô; chủ động triển khai các biện pháp phòng chống thiên tai, bảo vệ hệ thống điện trước tác động của các cơn bão, đặc biệt là bão Yagi, giảm thiểu thiệt hại và khắc phục nhanh sự cố.
Theo Trưởng ban Kỹ thuật Sản xuất EVN Lê Việt Hùng, từ kết quả đã đạt được trong công tác quản lý kỹ thuật năm 2024, một số bài học kinh nghiệm được rút ra như: phải quán triệt và triển khai thực hiện tốt các chỉ thị, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương và của lãnh đạo Tập đoàn; tuyệt đối không chủ quan, chuẩn bị đầy đủ vật tư thiết bị dự phòng và phương án ứng phó với các tình huống cực đoan. Đồng thời, cần có sự đồng lòng của tất cả các cấp, các bộ phận, tại tất cả các khâu sản xuất, truyền tải, phân phối điện để chung sức đảm bảo điện.
Đẩy mạnh phân cấp
Năm 2025, theo kế hoạch Bộ Công Thương duyệt, tăng trưởng phụ tải các tháng mùa khô là 13,3%, các tháng còn lại tăng trưởng 11,3%. Đây là năm cuối Tập đoàn và các đơn vị quyết tâm thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm 2021-2025. Tuy nhiên, việc triển khai kế hoạch năm 2025 của EVN dự báo sẽ tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức do tình hình bất ổn về chính trị trên thế giới vẫn tiếp diễn; nhiều ảnh hưởng của các yếu tố đầu vào biến động khó dự báo trước như giá, nguồn cung nhiên liệu, tình hình khí hậu, thủy văn…
Chủ tịch HĐTV EVN Đặng Hoàng An chỉ đạo cần triển khai phân cấp mạnh mẽ trong Tập đoàn. Các đơn vị cần chủ động triển khai nhiệm vụ đảm bảo điện. Lãnh đạo Tập đoàn cũng nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm về các công trình lưới giải tỏa nguồn điện, các đơn vị thủy điện tập trung thực hiện tích nước, các nhà máy nhiệt điện tăng cường công tác bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị, đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI để dự doán tình trạng, ra quyết định sửa chữa thiết bị... Song song cùng nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, các đơn vị cũng cần chú trọng công tác bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững.
Trưởng ban Kỹ thuật Sản xuất EVN Lê Việt Hùng trình bày báo cáo kết quả công tác quản lý kỹ thuật năm 2024
Tại hội nghị, các ban chuyên môn, các đơn vị cũng trình bày tham luận, ý kiển để khắc phục tồn tại, đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng quản lý kỹ thuật.
Năm 2025, để hoàn thành tốt các nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra, Tập đoàn tiếp tục thành lập Ban Chỉ đạo đảm bảo cung ứng điện năm 2025 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam do Tổng giám đốc làm Trưởng ban để thực hiện chỉ đạo, giám sát, điều hành công tác cung cấp điện.
Tập đoàn giao người đứng đầu các đơn vị điều hành và chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc thực hiện các nhiệm vụ kế hoạch được giao; xây dựng kế hoạch sẵn sàng đảm bảo điện trong cao điểm mùa khô, các tình huống diễn biến khó khăn bất lợi xếp chồng, cực đoan.
EVN và các đơn vị duy trì và tăng cường phối hợp chặt chẽ với Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia (NSMO), thực hiện tốt các phương thức vận hành đảm bảo các nhà máy điện, hệ thống điện hoạt động hết công suất, an toàn.
Tập đoàn và các đơn vị tăng cường đôn đốc, giám sát kiểm tra các đơn vị thành viên thực hiện đảm bảo điện ở các cấp, từ tổng công ty xuống các đơn vị cơ sở. Quán triệt nhiệm vụ công tác đảm bảo điện đến tất cả các đơn vị, kêu gọi người lao động cùng quyết tâm thực hiện nhiệm vụ cung ứng điện, “thắp sáng niềm tin” trên mọi miền đất nước.
Một số mục tiêu chủ yếu của công tác quản lý kỹ thuật năm 2025:
- Đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân:
+ Điện sản xuất và mua: 344,7 – 351 tỷ kWh, tăng trưởng các tháng mùa khô 13,3%, các tháng còn lại 11,3%.
- Thực hiện tốt các chỉ tiêu kỹ thuật năm 2025 đã đề ra, trong đó:
+ Tỷ lệ điện dùng cho truyền tải và phân phối không vượt quá 6%
+ Độ tin cậy cung cấp điện: Thời gian mất điện bình quân của một khách hàng trong năm (chỉ số SAIDI) là 300 phút.
- Đảm bảo vận hành hệ thống điện an toàn, kinh tế và tuân thủ các quy định về môi trường...
|
Phạm Ngọc
Share