Hạn chế của lưới điện hạ áp nông thôn là đã được đầu tư xây dựng từ lâu, khi bàn giao cho ngành điện quản lý trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, trong khi đó nguồn vốn đầu tư xây dựng lại chưa đáp ứng nhu cầu công suất của phụ tải tăng hằng năm. Trước tình trạng đó, nhằm hạn chế "vùng lõm" về quá tải nguồn điện cung cấp cho địa bàn nông thôn, những năm qua, Công ty Điện lực Hà Nam đã thực hiện nhiều giải pháp chống quá tải, trong đó tập trung bổ sung trạm biến áp (TBA) nhằm giảm bán kính cấp điện tới hộ dân, từng bước thay dây trần bằng dây bọc, lắp đặt công tơ điện tử thay thế công tơ cơ, đấu nối lại các điểm tiếp xúc, cân đối lại pha cấp điện, phát quang hành lang lưới điện, chống ăn cắp điện.
Cụ thể, hằng năm Công ty Điện lực Hà Nam đã đầu tư sửa chữa và đầu tư hàng trăm công trình các loại. Điển hình như năm 2023, đơn vị đã được giao đầu tư 37 công trình với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 650 tỷ đồng; đầu tư sửa chữa 30 công trình với số vốn hơn 32 tỷ đồng; sửa chữa 680 hạng mục với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 12 tỷ đồng. Nhiều địa phương sau khi nâng cấp hạ tầng lưới điện đã đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt và sản xuất.
Công nhân Điện lực Bình Lục (PC Hà Nam) lắp đặt công tơ điện tử cho khách hàng.
|
Điển hình như tháng 11/2023, Công ty Điện lực Hà Nam tổ chức đóng điện và đưa vào sử dụng đường dây và TBA 110kV Nhân Mỹ (Lý Nhân). Trạm biến áp 110kV Nhân Mỹ có quy mô 02 máy biến áp (MBA), trong đó giai đoạn đầu chỉ lắp đặt 01 MBA 63MVA-110/35/22kV (có dự phòng vị trí lắp đặt thêm MBA T2 trong tương lai) với tổng mức đầu tư hơn 110 tỷ đồng do Tổng Công ty Điện lực miền Bắc làm chủ đầu tư và giao cho Công ty Điện lực Hà Nam trực tiếp quản lý, điều hành dự án. Giai đoạn đầu của dự án xây dựng 3,9km đường dây 110kV mạch kép; xây mới trạm biến áp 110kV với 01 máy biến áp; xây dựng phần xuất tuyến trung áp sau TBA 110kV (gồm xây mới 1,362km xuất tuyến 35kV, cải tạo 1,644km đường dây 35kV, xây mới 0,304km xuất tuyến 22kV). Ngoài ra, nhà thầu còn xây dựng: nhà điều khiển phân phối; lắp đặt thiết bị, hệ thống camera giám sát, phòng cháy chữa cháy... theo tiêu chí TBA không người trực; xây dựng hệ thống thông tin, SCADA kết nối về Trung tâm điều khiển xa hệ thống điện tỉnh Hà Nam, Trung tâm điều độ hệ thống điện miền Bắc và Trung tâm dữ liệu NPC theo quy định.
Sau hơn 9 tháng đưa vào sử dụng đường dây và TBA 110kV Nhân Mỹ đã cung cấp điện cho phụ tải khu vực các xã Nhân Mỹ, Tiến Thắng, Hòa Hậu, Xuân Khê, Nhân Bình, Nhân Nghĩa, Bắc Lý, Cụm Công nghiệp Hòa Hậu của huyện Lý Nhân bảo đảm tốt hơn. Đặc biệt, TBA Nhân Mỹ đã kết nối mạch vòng với TBA 110kV Lý Nhân bảo đảm cấp điện kịp thời cho khách hàng khi một trong 2 TBA có sự cố xảy ra.
Ông Nguyễn Văn Hải ở xã Hòa Hậu (Lý Nhân) cho biết: Trước đây, nhất là vào mùa hè lưới điện quá tải, điện áp không ổn định, lúc cao, lúc thấp, điều hòa nhiều lúc không dùng được do điện yếu, đời sống sinh hoạt của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, ở làng dệt Hòa Hậu, nhu cầu công suất sử dụng điện lớn, nhiều đường dây thường xuyên quá tải. Trước tình trạng này, ngành điện đã kịp thời đầu tư TBA chống quá tải, sửa chữa nâng cấp đường dây góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ điện phục vụ sản xuất. Đặc biệt, từ khi ngành điện đưa Trạm 110kV Nhân Mỹ vào sử dụng, chất lượng điện phục vụ dân sinh được cải thiện rõ rệt, tình trạng mất điện đột ngột hầu như không còn, nguồn điện phục vụ sản xuất kinh doanh bảo đảm.
Nhằm nâng cao chất lượng nguồn điện phục vụ khách hàng ở khu vực nông thôn, hằng năm Công ty Điện lực Hà Nam đều đầu tư lắp đặt bổ sung thêm các TBA có công suất từ 400KVA/TBA để chống quá tải, nâng cao chất lượng dịch vụ điện phục vụ khách hàng. Hầu hết các xã, thị trấn sau khi được bổ sung TBA, chất lượng nguồn điện đã thay đổi đáng kể, bảo đảm duy trì 220 V, kể cả giờ cao điểm.
Ngoài lắp đặt TBA, Công ty Điện lực Hà Nam còn sử dụng thiết bị công nghệ cao như camera nhiệt, ống nhòm chuyên dụng để phát hiện sự cố đường dây, lưới điện; tập trung vệ sinh công nghiệp, sửa chữa đấu nối các thiết bị, đường dây và TBA theo hình thức hạn chế cắt điện, để không ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của khách hàng. Trong thời gian tới, Công ty Điện lực Hà Nam tiếp tục rà soát những khu vực chất lượng nguồn điện chưa bảo đảm để đầu tư nâng cấp đường dây, bổ sung TBA, từng bước đáp ứng tốt hơn nhu cầu sử dụng điện của khách hàng.Tuy nhiên, hiện nay, việc chống quá tải của ngành điện cũng gặp khó khăn khi tìm mặt bằng xây dựng TBA. Đặc biệt, ở khu vực thành phố Phủ Lý khi khảo sát được vị trí hợp lý để xây dựng TBA thì lại gặp khó khăn trong công tác thu hồi giải phóng mặt bằng, do người dân gần đó không chấp nhận, dẫn tới phương án thiết kế lại phải thay đổi, làm kéo dài thời gian đầu tư, ảnh hưởng đến việc cung cấp điện.
Ông Ngô Quốc Huy, Giám đốc Công ty Điện lực Hà Nam cho biết: Để việc chống quá tải lưới điện hiệu quả, ngành Điện đề nghị các xã, thị trấn, nhất là khách hàng cùng vào cuộc trong việc bàn giao mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng. Công ty Điện lực Hà Nam cũng đề nghị các địa phương hỗ trợ ngành điện trong công tác thống nhất hướng tuyến đường dây và vị trí TBA khi có các dự án đầu tư xây dựng công trình điện trên địa bàn; tạo mọi điều kiện thuận lợi, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính về đầu tư, quy hoạch, xây dựng, đất đai... để nhanh chóng triển khai thi công và sớm hoàn thành công trình đưa vào khai thác vận hành các dự án lưới điện có trong kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII và Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Có như vậy mới bảo đảm tiến độ đầu tư xây dựng và nâng cao chất lượng nguồn điện phục vụ người dân sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh.
Link gốc
Theo baohanam.com.vn
Share