Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: Những ngày tiếp quản đầu tiên đầy sôi động ở Nhà máy Thủy điện Đa Nhim

17:00, 29/04/2025

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), xin gửi tới bạn đọc câu chuyện về những ngày đầu tiếp quản đầy sôi động ở Nhà máy Thủy điện Đa Nhim của ông Vũ Hiền - nguyên Thứ trưởng Bộ Điện lực (cũ), khi đó là trưởng ban quân quản Nhà máy. Nội dung lược trích từ cuốn sách “Sáng mãi niềm tin”, tác giả Vũ Hiền, Nhà xuất bản Lao Động, năm 2007 và đã được ban biên tập biên soạn lại.

Chiến thắng 30/4/1975 là một mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc ta, tiến tới thống nhất đất nước, Bắc - Nam sum họp một nhà. Trong không khí vui mừng chung của đất nước, của ngành Điện lực, tôi có niềm vui riêng là được vào miền Nam tham gia đoàn kiểm tra tình hình cung cấp điện ở vùng mới giải phóng.

Trong không khí sục sôi, hào hùng của chiến thắng lịch sử, đầu tháng 5, đoàn chúng tôi có 6 người do đồng chí Nguyễn Chấn - Bộ trưởng Bộ Điện than dẫn đầu, được máy bay trực thăng quân sự đưa vào Đà Nẵng rồi dùng xe u-oát đi các tỉnh. Trong 4 ngày, đoàn đã khẩn trương làm việc với Ủy ban Quân quản của một số tỉnh miền Trung như: Quảng Nam - Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Nha Trang - Khánh Hòa kiểm tra tình hình cung cấp và sử dụng điện trên địa bàn, tham dự cuộc họp của liên khu V với 3 đoàn công nghiệp: Bộ Điện than, Bộ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công nghiệp thực phẩm, được nghe báo cáo tình hình chung của liên khu, khó khăn lớn nhất là thiếu điện do thiếu dầu và thiết bị diesel cũ kỹ của công ty SIPEA Pháp.

Qua các buổi làm việc, kiểm tra tại chỗ, tiếp xúc với cán bộ nhân dân, di chuyển trên những chặng đường dài, chúng tôi được chứng kiến tận mắt: Chiến thắng 30/4 của chúng ta vô cùng vĩ đại, bộ đội tiến quân thần tốc, nhân dân nhiều nơi chủ động nổi dậy hưởng ứng, tự giải phóng quê hương, kẻ thù rút chạy hoảng loạn, quân trang quân dụng, vũ khí đạn dược, xe quân sự vứt ngổn ngang đầy đường, các cơ sở kinh tế công nghiệp cùng với các thành phố, đô thị gần như giữ được nguyên vẹn…

Ngày 14/5/1975, đoàn đến Nhà máy Thủy điện Đa Nhim. Chúng tôi tranh thủ đi thăm Nhà máy, rồi làm việc với Ban quản lý, tối họp mặt chung với toàn thể Nhà máy, có mời các đồng chí đại diện huyện ủy Ninh Sơn đóng ở cạnh Nhà máy đến tham dự.

Nhà máy nằm trong địa phận 2 tỉnh. Hồ nước Đa Nhim và đập tràn ở huyện Đơn Dương, tỉnh Tuyên Đức. Nhà máy ở thị trấn Krông Pha, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận, cách thị xã Phan Rang 50km, cách Sài Gòn 350km. Nhà máy có công suất thiết kế 160MW (4 tổ máy x 40MW) do Nhật Bản viện trợ, điện năng chủ yếu cung cấp cho Sài Gòn – Gia Định phục vụ cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ngụy ở miền Nam. Hiện một đường ống thủy áp của nhà máy đã bị phá hủy, chỉ còn một tổ máy phát công suất rất thấp từ 3-4MW. Nhà máy gồm 107 người, trong đó có 11 kỹ sư đã về Sài Gòn theo lệnh của Tổng giám đốc Công ty Điện lực Việt Nam (CĐV), còn toàn thể anh chị em công nhân viên đều ở lại, quyết tâm bảo vệ nhà máy.

Đồng chí Bộ trưởng đã cảm ơn anh em công nhân đã bảo vệ tốt nhà máy, động viên mọi người an tâm sản xuất. Ngay ngày hôm sau, Bộ trưởng đã hội ý với đoàn: Nhà máy Thủy điện Đa Nhim rất quan trọng, công suất và sản lượng điện lớn, sẽ là nhà máy điện chủ lực của miền Nam, nhưng bị hư hỏng nặng nề trong chiến tranh, mọi người đang rất lúng túng, chờ đợi, chúng ta không được để trống. Tôi cử anh Vũ Hiền làm trưởng ban và anh Phạm Công Lạc (cán bộ Nhà máy Thủy điện Thác Bà vào Đa Nhim tiền trạm) làm phó ban quân quản nhà máy. Các anh có trách nhiệm tập hợp lực lượng bảo vệ, giữ vững an ninh tuyệt đối cho nhà máy và lên kế hoạch, tiến hành sửa chữa phục hồi toàn bộ nhà máy, hoàn thành vào cuối năm nay.

Khi đó, tôi và anh Lạc đều là những cán bộ hoạt động lâu năm ở cơ sở, có kinh nghiệm thực tế ở Nhà máy Thủy điện Thác Bà nên biết dựa vào quần chúng, phát huy sức mạnh của quần chúng. Để hoàn thành nhiệm vụ, chúng tôi nhanh chóng nắm bắt tình hình thiết bị điện, công trình kiến trúc, tình hình sản xuất, truyền tải điện năng và tâm tư nguyện vọng của đông đảo cán bộ công nhân Nhà máy. Trước mắt, sơ bộ lập đề cương kế hoạch sửa chữa phục hồi nhà máy, còn kế hoạch sửa chữa cụ thể để nhà máy nhanh chóng đạt được công suất cao phải chờ sự trở lại của các kỹ sư nhà máy.

Khó khăn lớn nhất là sửa chữa đường ống thủy áp số 2 bị hỏng nặng dài hơn 100m. Tôi đề nghị tiểu ban quân quản điện lực yêu cầu CĐV về tổ chức hội nghị tại chỗ để xử lý kịp thời vì họ còn đang phải chịu trách nhiệm về sản xuất và cung ứng điện năng trước Chính phủ cách mạng, mặt khác yêu cầu nhanh chóng đưa anh em kỹ sư nhà máy về nhận nhiệm vụ.

Đội sửa chữa phục hồi đường ống thủy áp số 2 Nhà máy Thủy điện Đa Nhim bị đánh vỡ năm 1975. Nguồn ảnh tư liệu: EVNEIC

Đồng chí Lê Ba – Thứ trưởng Bộ Điện Than phụ trách điện lực miền Nam dặn dò tôi: “Miền Nam sản xuất điện bằng dầu, hiện nay nhu cầu ít nhất 1 tỷ kWh/năm, tương ứng với 300.000 tấn dầu. Số lượng dầu quá lớn, khó khăn vô cùng. Nếu Nhà máy Thủy điện Đa Nhim chạy hết công suất có thể đạt được 1 tỷ kWh với giá thành rất rẻ, nên việc sửa chữa phục hồi Nhà áy có ý nghĩa chiến lược vô cùng quan trọng”.

Cuối tháng 5, một cuộc hội thảo về sửa chữa đường ống thủy áp số 2 đã được tổ chức. Ban điều hành CĐV lúc đó kết luận là họ không thể sửa chữa đường ống thủy áp này, chỉ còn cách nhờ Bắc Việt sửa chữa hoặc thuê Nhật Bản sửa chữa. Trong khi, phương án sửa chữa của một công ty Nhật Bản đã sang nghiên cứu khảo sát tính toán cho CĐV trước đó thì thời gian thi công của họ là 13 tháng và kinh phí là 2,1 triệu đô la.

Trong bối cảnh sau khi giải phóng miền Nam mà để thiếu điện thì ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân, ảnh hưởng đến niềm tin đối với cách mạng. Ở miền Bắc, nhiều nhà máy điện lớn như Hải Phòng, Hà Nội, Uông Bí, Thác Bà đều bị máy bay Mỹ đánh phá ác liệt trong chiến tranh, song bằng tài năng và lòng dũng cảm, các kỹ sư và công nhân ngành Điện lực Việt Nam đã sửa chữa và phục hồi các nhà máy rất thông minh, sáng tạo và nhanh chóng, đảm bảo cung cấp điện trong mọi tình huống. Vì thế, tôi quyết tâm kiến nghị đồng chí Nguyễn Chấn sẽ tự sửa chữa đường ống này, đề nghị Bộ trưởng điều ngay một nhóm cán bộ, công nhân kỹ thuật giỏi của miền Bắc vào giúp đỡ.

Chỉ vài ngày sau đó, nhóm kỹ thuật sửa chữa đường ống thủy áp gồm 3 cán bộ giỏi được cử từ miền Bắc vào đã có mặt ở nhà máy. Cái khó, nút thắt của vấn đề là làm sao đưa được các đoạn ống mới nặng vài tấn đến được vị trí cần sửa chữa do địa thế khó khăn. Sau khi nghiên cứu cụ thể, nhóm đã đưa ra phương án sửa chữa thay thế đường ống bị hỏng dài 112m bằng cách đưa từng đoạn ống mới từ trên núi thả xuống; thuê nhà máy cơ khí CARIC uốn 22 đoạn ống bằng thép đặc biệt dày 10mm, đường kính 2m, dài từ 3m đến 6m, dùng tời, xích, pa lăng, tốt nhất là tời điện thả từng đoạn ống xuống chỗ phải thay thế, rồi hàn tiếp các đoạn ống với nhau cho đến khi hết phần bị hư hỏng. Thời gian tiến hành trong 6 tháng (3 tháng chuẩn bị, 3 tháng thi công), kinh phí dự tính 100.000 đô la. Phương án này được tiểu ban quân quản điện lực thông qua, sớm trình cấp trên phê duyệt và đã được thực hiện theo đúng tiến độ thời gian và dự toán.

Trước khi ra Bắc nhận nhiệm vụ mới, ngày 18/9/1975 tôi lên Đơn Dương dự lễ khởi công sửa chữa công trình đường ống thủy áp Đa Nhim. Dù biết những khó khăn quá lớn, nhưng nhìn vào những nét mặt kiên nghị biểu lộ quyết tâm cao của mọi người, tôi tin tưởng họ sẽ hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ vẻ vang này. Ba tháng sau, tôi được thông tin các anh em đã hoàn thành xuất sắc việc sửa chữa đường ống thủy áp Đa Nhim, đảm bảo chất lượng tốt với chi phí rất thấp, không đến 100 triệu đồng Việt Nam (theo thực thanh thực chi), tức không đến 100.000 USD. Anh em chúng tôi vui mừng khôn xiết.

Những ngày tiếp quản đầy sôi động ở Nhà máy Thủy điện Đa Nhim đã để lại cho chúng tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc. Chúng tôi đã chứng kiến và rất khâm phục những tấm gương lao động dũng cảm, quên mình của anh em điện lực miền Nam, cũng như sự đoàn kết gắn bó kết tinh sức mạnh tổng hợp giữa công nhân điện lực hai miền Nam - Bắc, tất cả vì dòng điện thân yêu của Tổ quốc.


TN (tổng hợp)

Share

Lãnh đạo EVN yêu cầu tăng tốc thi công dự án đường dây 500kV Lào Cai – Vĩnh Yên

Lãnh đạo EVN yêu cầu tăng tốc thi công dự án đường dây 500kV Lào Cai – Vĩnh Yên

Ngày 27/4/2025, Phó Tổng giám đốc EVN Phạm Hồng Phương đã kiểm tra thực tế thi công các gói thầu số 3, 5, 6, 7 thuộc dự án đường dây 500kV Lào Cai – Vĩnh Yên. Qua kiểm tra, lãnh đạo EVN ghi nhận những nỗ lực của các lực lượng tham gia dự án, đồng thời yêu cầu các nhà thầu tập trung nhân lực, thiết bị, đẩy nhanh thi công để đảm bảo các mốc tiến độ đề ra.


Dấu ấn EVNSPC: Hoàn thành 50 công trình 110kV chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam

Dấu ấn EVNSPC: Hoàn thành 50 công trình 110kV chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam

Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) vừa chính thức hoàn thành 50 công trình lưới điện 110kV chào mừng 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 50 năm xây dựng và phát triển EVNSPC (30/4/1975 – 30/4/2025).


Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: Những ngày tiếp quản đầu tiên đầy sôi động ở Nhà máy Thủy điện Đa Nhim

Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: Những ngày tiếp quản đầu tiên đầy sôi động ở Nhà máy Thủy điện Đa Nhim

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), xin gửi tới bạn đọc câu chuyện về những ngày đầu tiếp quản đầy sôi động ở Nhà máy Thủy điện Đa Nhim của ông Vũ Hiền - nguyên Thứ trưởng Bộ Điện lực (cũ), khi đó là trưởng ban quân quản Nhà máy. Nội dung lược trích từ cuốn sách “Sáng mãi niềm tin”, tác giả Vũ Hiền, Nhà xuất bản Lao Động, năm 2007 và đã được ban biên tập biên soạn lại.


Dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng: Nỗ lực thi công an toàn trước diễn biến bất thường của thời tiết

Dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng: Nỗ lực thi công an toàn trước diễn biến bất thường của thời tiết

Ngày 29/4, tại tỉnh Hòa Bình, Phó Tổng giám đốc EVN Phạm Hồng Phương đã kiểm tra tình hình thi công dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng. Lãnh đạo Tập đoàn nhấn mạnh, Ban Quản lý dự án Điện 1 (EVNPMB1) và nhà thầu phải sát sao theo dõi tình hình thời tiết, thủy văn, có biện pháp tổ chức thi công an toàn trước diễn biến thời tiết bất thường.


Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha mất điện diện rộng, tê liệt toàn quốc

Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha mất điện diện rộng, tê liệt toàn quốc

Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã trải qua một vụ mất điện đột ngột trên diện rộng, ảnh hưởng đến hàng triệu người dân. Sân bay cũng phải đóng cửa, còn hành khách mắc kẹt trong tàu điện ngầm.