1. Máy giặt
Sử dụng nước lạnh
Chúng ta đều biết nước ấm sẽ giúp quần áo diệt khuẩn, dễ dàng loại bỏ các vết bẩn cứng đầu. Tuy nhiên, sử dụng nước ấm không những gây hại cho vải mà còn làm tốn nhiều năng lượng. Nước giặt thông thường trong quá trình vò, giặt quần áo cũng sẽ giúp loại bỏ các vi khuẩn. Vì vậy, chúng ta cũng chỉ cần sử dụng nước lạnh.
Giặt đúng khối lượng quần áo
Lượng điện năng tiêu thụ trong mỗi lần giặt quần áo sẽ chênh lệch không nhiều so với số lượng quần áo quần giặt. Tức là dù bạn giặt nhiều hay ít quần áo thì vẫn cần tiêu thụ một khoảng điện năng nhất định. Vậy bạn cần giặt đúng khối lượng quần áo thay vì cho quá ít quần áo vào một lần giặt để tiết kiệm điện.
Vò tay quần áo quá bẩn trước
Các loại máy giặt thông thường hiện nay thường sẽ giặt theo chu trình cố định, không có khả năng cảm biến được độ bẩn của nước để có chế độ giặt thích hợp. Vậy nên quần áo quá bẩn nếu muốn sạch hoàn toàn thì chắc chắn phải giặt lại thêm 1 - 2 lần, điều này sẽ gây ra việc tốn nhiều điện năng hơn bình thường.
Sử dụng tính năng tiết kiệm năng lượng
Nếu máy giặt của bạn có tính năng tiết kiệm năng lượng, hãy sử dụng nó. Tính năng này thường có chế độ "giặt nhanh" cho quần áo dính ít bẩn, các chế độ giặt tiết kiệm điện.
Rút phích cắm khi không sử dụng
Bạn có biết, dù không khởi động, nhưng nếu máy giặt vẫn được kết nối ổ điện thì vẫn tiêu thụ điện năng không? Rất nhiều người có thói quen dùng xong mà không rút thiết bị ra khỏi ổ điện. Không chỉ vậy, việc này có thể gây ảnh hưởng đến tuổi thọ của máy giặt, ngoài ra còn có thể gây chập mạch điện rất nguy hiểm.
Chọn chương trình giặt cho từng loại quần áo
Các loại máy giặt hiện nay đều có chức năng phân chia thành các chương trình giặt. Tùy vào từng loại quần áo, bạn sẽ chọn các chế độ giặt khác nhau, vừa nâng cao hiệu quả làm sạch vừa tiết kiệm điện nước.
Chọn chế độ vắt phù hợp
Vắt quần áo là một công đoạn vô cùng hữu ích của máy giặt, giúp quần áo nhanh chóng khô ráo khi mang ra phơi. Với những quần áo, chăn ga dày, nặng có thể chọn chế độ vắt cực khô để rút ngắn thời gian phơi, sấy. Còn những loại quần áo nhẹ hơn thì chọn chế độ vắt thấp hơn để tiết kiệm điện năng.
Vệ sinh máy giặt định kỳ
Sau một thời gian sử dụng, máy giặt có thể bị tích các bụi bẩn trong lồng giặt, ống xả. Điều này không chỉ khiến quần áo không được giặt sạch hoàn toàn mà còn gây lãng phí điện năng. Vệ sinh máy giặt giúp quần áo sạch hơn, tăng tuổi thọ cho máy và giúp máy vận hành an toàn hơn.
Tránh giặt giờ cao điểm
Hiện nay ở nhiều nước trên thế giới đã áp dụng chế độ phân giá điện cho những giờ sử dụng khác nhau. Nếu sử dụng điện ở giờ cao điểm thì giá sẽ cao hơn, và ngược lại. Vì vậy, nếu bạn không bận và có thời gian thì nên giặt và những giờ ưu tiên với mức giá điện thấp, bạn sẽ tiết kiệm được không ít điện.
2. Điều hòa
Vào mùa hè, máy điều hòa được sử dụng nhiều nhất bởi có thể xoa dịu cái oi bức.
Thiết bị này được đặt ở nhiệt độ 26 độ C là chế độ tiết kiệm nhất. Tuy nhiên, đừng quên trong điều hòa còn có quạt gió. Khi làm mát, tốt nhất nên quay hướng gió của điều hòa lên trên để hơi lạnh luân chuyển từ trên xuống dưới khiến nhiệt độ phòng hạ xuống nhanh nhằm tiết kiệm điện năng. Lưu ý là trước khi sử dụng điều hòa, cần vệ sinh dàn nóng và tấm lọc, vì nếu bụi bám quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả làm lạnh và tăng gấp rưỡi điện năng tiêu thụ.
3. Set-top box của TV
Mức tiêu thụ điện năng của ti vi không lớn nhưng nhiều người lại bỏ qua Set-top box. Đây là thiết bị giải mã tín hiệu truyền hình và sau đó chuyển dữ liệu hình ảnh và âm thanh lên màn hình Tivi. Thiết bị này nằm trung gian giữa nguồn tín hiệu và tivi.
Công suất hoạt động của Set-top box thường là 16 W, chúng phải hoạt động 24 giờ mỗi ngày nên đây cũng là khoản chi phí đáng kể trong gia đình.
Khi không sử dụng Set-top box, hãy rút nguồn điện. Nếu không rút phích cắm ra thiết bị vẫn sẽ chạy, từ đó chúng sẽ ngầm lấy đi rất nhiều điện. Nguyên nhân nữa khiến thiết bị này "ăn cắp điện" là khi ở trạng thái chờ, mức tiêu thụ điện năng duy trì ở mức 6-7W, đây là công suất cao nhất của các đồ dùng điện khác ở cùng trạng thái.
4. Tủ lạnh
Tủ lạnh là một trong những thủ phạm ngốn nhiều điện trong gia đình. Tuy công suất không quá lớn nhưng thiết bị này hoạt động suốt ngày đêm, lượng điện tiêu thụ vì thế không hề nhỏ.
Một chiếc tủ lạnh 150 lít, công suất 100-150 W sẽ tiêu thụ khoảng 4 kWh đến 5 kWh điện mỗi ngày. Tủ lạnh có công suất và kích thước lớn hơn sẽ tiêu thụ khoảng 6 kWh điện mỗi ngày. Chưa kể, vào mùa hè việc làm mát sẽ khiến tủ hoạt động nhiều hơn, mở tủ nhiều lần mà không nhanh chóng đóng lại cũng sẽ khiến hóa đơn tiền điện tăng lên.
Không nênđặt các thiết bị tản nhiệt khác như lò vi sóng, lò nướng... gần tủ lạnh bởi sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả làm lạnh cũng như làm tăng lượng tiêu thụ điện năng.
5. Nồi cơm điện
Trong quá trình sử dụng nồi cơm điện, nhiều người cho rằng thiết bị này chỉ tiêu hao điện năng khi ở chế độ nấu, còn ủ hay hâm không gây tốn điện. Bởi vậy mới có những gia đình cắm cơm rất sớm và để ủ như vậy mấy tiếng đồng hồ. Đây là thói quen gây lãng phí bởi dù ở bất kỳ chế độ nào cũng tiêu hao năng lượng.
Một nồi cơm điện 1,2 lít thường có công suất 350-400W, nếu hoạt động trong hai giờ sẽ tiêu thụ khoảng 0,75 kWh điện.
Khi không sử dụng, cần rút phích cắm nồi cơm điện để giảm tiêu hao năng lượng. Hơn nữa, khung vỏ của thiết bị này cũng cần được lau chùi thường xuyên, tránh rỉ sét, làm tăng mức tiêu thụ điện năng.
6. Máy tính
Ngay cả khi tắt máy tính, kể cả loại để bàn hay laptop vẫn sẽ hoạt động ngầm. Thiết bị này ngốn khoảng 96W mỗi ngày, như vậy mỗi tháng bạn sẽ tốn thêm 3 số điện cho mỗi chiếc máy tính. Nếu có thói quen để ở chế độ sleep, con số trên đội thêm cả chục lần.
Để tiết kiệm điện, hãy tắt nguồn và rút phích cắm khi bạn không sử dụng máy tính.
Dùng bình nóng lạnh như thế nào để tiết kiệm?
Bình nóng lạnh gia dụng thường có cấu tạo đơn giản tương tự như ấm siêu tốc, tức có nghĩa là có thanh đun điện, rơ-le ngắt điện. Khi đạt đến độ nóng nhất định, dây rơ-le sẽ tự ngắt. Khi không sử dụng, nước sẽ nguội và bình sẽ khởi động lại quá trình đun, cứ như vậy lặp lại cho đến khi công tắc được tắt.
Sử dụng bình tiết kiệm và an toàn nhất là chỉ bật khi cần và tắt trước khi dùng. Gia chủ nên chỉnh điều nhiệt ở mức ECO (tiết kiệm năng lượng) hoặc thấp hơn. Tuyệt đối không bật bình 24/24h vì điện tiêu thụ tăng mà tuổi thọ giảm.
Bộ điều nhiệt chỉ có tuổi thọ nhất định dựa trên số lần bật - tắt, nếu bật liên tục tuổi thọ của nó chỉ còn khoảng 5% so với khi cần mới bật. Khi cần dùng nước nóng mới bật gia chủ sẽ hạn chế được nhiệt tổn thất qua vỏ bình và tổn thất nước chờ trên đường ống, vì đường ống nước nóng càng dài thì thời gian chờ càng lâu, lượng nước chờ phải xả bỏ càng lớn.
Thông thường với bình nóng lạnh gián tiếp, quá trình làm nóng sẽ mất 15-30 phút tùy dung tích. Còn bình nóng lạnh trực tiếp, bạn bật bình khoảng 5 phút là có nước nóng dùng ngay. Khi nước đã nóng, nút "sẵn sàng" sẽ sáng đèn màu xanh. Vì vậy, hãy chỉ bật trước khi bạn đi tắm 5-30 phút, tùy vào máy ở nhà bạn.
Thứ hai, bình nóng lạnh có dung tích càng lớn thì càng tiêu tốn nhiều điện năng. Vì vậy để tiết kiệm điện bạn cũng nên chọn mua bình có dung tích phù hợp với nhu cầu sử dụng của gia đình mình. Ví dụ nhà hai người có thể dùng bình 15 lít. Nhà bốn người dùng bình 20 lít. Nhà có nhiều người hơn có thể chọn bình lớn hơn.
Sử dụng vòi hoa sen sẽ làm giảm quá trình thất thoát nhiệt rất nhiều so với xả nước ra chậu để tắm. Vì thế vào mùa đông, tắm bằng vòi sen cũng sẽ giúp bạn tiết kiệm nước nóng đáng kể.
Để đảm bảo an toàn cần thường xuyên kiểm tra quan sát. Nếu thấy bình bị rò rỉ nước, rò điện hoặc bị han gỉ, phải ngừng hoạt động ngay và gọi thợ bảo dưỡng hoặc thay thế kịp thời.
Link gốc
Theo nld.com.vn
Share