1. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VIII
Ngày 15/5/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 500/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).
2. Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại Tập đoàn Điện lực Việt Nam giai đoạn đến hết năm 2025
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã ký Quyết định số 1271/QĐ-TTg ngày 25/10/2024 phê duyệt Đề án cơ cấu lại Tập đoàn Điện lực Việt Nam giai đoạn đến hết năm 2025.
Mục tiêu của Đề án nhằm phát triển Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thành Tập đoàn kinh tế mạnh, kinh doanh bền vững, hiệu quả và có lãi; bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu nhà nước đầu tư tại EVN và vốn EVN đầu tư vào doanh nghiệp khác; chịu trách nhiệm chính trong việc đảm bảo điện cho nền kinh tế và đời sống nhân dân, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích trong lĩnh vực cung cấp điện theo quy định; giữ vai trò trung tâm để phát triển Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam; có trình độ công nghệ, quản lý hiện đại và chuyên môn hóa cao; sản xuất, kinh doanh điện năng, tư vấn điện là ngành, nghề kinh doanh chính; gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất, kinh doanh với khoa học, công nghệ, nghiên cứu triển khai, đào tạo; tối đa hóa hiệu quả của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Làm nòng cốt để ngành Điện lực Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả.
Tiếp tục tham gia hoàn thiện và phát triển thị trường điện theo lộ trình Chính phủ quy định.
Phấn đấu doanh thu toàn Tập đoàn đến hết năm 2025 tăng trưởng bình quân từ 7 - 10%, nộp ngân sách nhà nước toàn Tập đoàn trên 23.000 tỷ đồng/năm và hoàn thành các chi tiêu theo Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 345/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2024.
Xây dựng thành công hình ảnh doanh nghiệp có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội, phục vụ khách hàng với chất lượng dịch vụ ngày một tốt hơn.
3. Quy mô hệ thống điện Việt Nam đứng đầu khu vực ASEAN về công suất nguồn điện
Đến cuối năm 2024, tổng công suất đặt nguồn điện (đã COD) toàn hệ thống đạt ~82.400 MW, tăng ~1.500 MW so với năm 2023, trong đó tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) là 21.447 MW và chiếm tỷ trọng 26%. Quy mô hệ thống điện Việt Nam đang đứng đầu khu vực ASEAN về công suất nguồn điện và đứng thứ 22 trên thế giới.
4. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đưa điện về nông thôn, miền núi và hải đảo
Đến năm 2023, EVN đã cơ bản hoàn thành chương trình Điện khí hóa nông thôn, đảm bảo điện cho chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (tiêu chí số 4). Đến nay, 100% số xã, 99,83% số hộ dân, 99,74% số hộ dân nông thôn có điện.
Ngoài ra, EVN đã thực hiện cấp điện và bán điện trực tiếp đến 11/12 huyện đảo trong cả nước. Hiện EVN đang tiếp tục triển khai dự án cấp điện lưới quốc gia cho Côn Đảo bằng cáp ngầm, dự kiến hoàn thành năm 2026.
5. Công tác đầu tư xây dựng đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận
Về nguồn điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đưa vào vận hành Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng (2 tổ máy, tổng công suất 360MW) trong năm 2024. Bên cạnh đó, Tập đoàn đã và đang triển khai đúng tiến độ dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng (2 tổ máy, tổng công suất 480MW), dự kiến vào vận hành trong năm 2025.
Về lưới điện, đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) dài 519km hoàn thành “thần tốc” sau 6 tháng thi công, khánh thành công trình tháng 8/2024, đảm bảo tiến độ theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Thành tích này được đánh giá là chưa từng có tiền lệ với các công trình xây dựng đường dây 500kV trước đó.
![](/userfile/User/giangtcdl/images/2025/1/241khanhthanhmach3-20250124145658070.jpg)
Thủ tướng Chính phủ và các đại biểu tại điểm cầu chính (Trạm 500kV Phố Nối, tỉnh Hưng Yên) cắt băng khánh thành công trình đường dây 500kV mạch 3
|
Cũng trong năm 2024, nhiều công trình lưới điện cấp bách phục vụ nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam được đóng điện như: Trạm cắt 220kV Đăk Ooc, đường dây 220kV Nậm Sum - Nông Cống.
Ngoài ra, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đang gấp rút triển khai nhiều dự án lưới điện trọng điểm khác, điển hình là dự án đường dây 500kV Lào Cai – Vĩnh Yên (được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án tại Quyết định số 1274/QĐ-TTg ngày 26/10/2024) dự kiến khởi công đầu năm 2025.
6. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số
Đến nay, toàn EVN đã có 100% TBA 110kV không người trực được điều khiển từ xa tại 63 trung tâm điều khiển xa của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, một số trạm 110kV đã được số hóa… Trên 80% TBA 220kV được điều khiển từ xa.
Từ năm 2021, EVN đã xây dựng và triển khai “Đề án chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam” với mục tiêu cơ bản hoàn thành chuyển đổi số vào năm 2022 và trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025. Với sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, chỉ sau 2 năm, EVN đã cơ bản hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã mở rộng việc tích hợp, chia sẻ dữ liệu dân cư cho 100% dịch vụ trực tuyến cấp độ 4 của EVN đang cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Hệ sinh thái số EVNConnect của EVN cũng đã được phát triển với mục tiêu tăng cường kết nối với các nền tảng chuyển đổi số của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và các đối tác để khai thác tối đa nguồn dữ liệu chung của quốc gia và cung cấp dịch vụ điện trên các nền tảng số này.
Liên tục 4 năm (từ 2019 - 2022) EVN đạt danh hiệu doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc. Có 4 sản phẩm được công nhận là sản phẩm Make in Viet Nam (2 sản phẩm năm 2022, 2 sản phẩm năm 2024)… Nhiều đơn vị trong Tập đoàn cũng đạt các giải thưởng cao về chuyển đổi số, giải thưởng sáng tạo KHCN Việt Nam (VIFOTEC)…
![](/userfile/User/giangtcdl/images/2025/1/241makeinvietnam-20250124150412944.jpg)
Đại diện Trung tâm Sản xuất thiết bị đo điện tử Điện lực miền Trung nhận giải thưởng sản phẩm Make in Viet Nam hạng mục sản phẩm số xuất sắc cho kinh tế số
|
7. Tiếp tục chuyển biến mạnh mẽ trong công tác kinh doanh, dịch vụ khách hàng
100% dịch vụ điện được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4 tại Cổng dịch vụ công QG, Trung tâm hành chính công và Cổng dịch vụ công của các tỉnh/thành phố.
Tỷ lệ giao dịch điện tử toàn EVN đạt 99,53%.
EVN tiếp tục cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục, rút ngắn thời gian cấp điện cho khách hàng mới: năm 2024 thời gian cấp điện lưới trung áp giảm còn 2,47 ngày; thời gian cấp điện lưới hạ áp cho khách hàng sinh hoạt 2,51 ngày, khách hàng ngoài sinh hoạt là 2,60 ngày.
8. Đổi mới, tái cơ cấu, cổ phần hóa và triển khai thị trường điện đúng lộ trình
Chuyển giao Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về Bộ Công Thương, lễ chuyển giao diễn ra ngày 12/8/2024.
EVN tiếp tục triển khai các nội dung sắp xếp, tái cơ cấu một số đơn vị trong Tập đoàn để phù hợp với tình hình thực tế hoạt động SXKD…
Tập đoàn cũng đã tái cơ cấu về quản trị doanh nghiệp, tích cực triển khai các giải pháp nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp theo Đề án nâng cao năng lực QTDN trong Tập đoàn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
9. Quốc hội thông qua Luật Điện lực (sửa đổi)
Ngày 30/11/2024, tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, với 439/463 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 91,65%), Luật Điện lực (sửa đổi) đã được thông qua.
Luật Điện lực (sửa đổi) có hiệu lực kể từ ngày 1/2/2025, gồm 9 Chương, 81 Điều, đã quán triệt đầy đủ và thể chế hóa theo đúng tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Luật đã bao quát được các chính sách lớn như quy hoạch điện lực, thị trường điện và phát triển năng lượng tái tạo, bảo đảm đồng bộ với các luật liên quan, bổ sung nhiều quy định để tháo gỡ những điểm nghẽn đã tồn tại trong thời gian dài, như cơ chế thực hiện các dự án điện khẩn cấp; làm rõ cơ chế xử lý, thay thế đối với các dự án điện chậm tiến độ.
10. EVN – Vì một cộng đồng phát triển
Song song với xây dựng, phát triển hệ thống điện, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh và nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, EVN cũng luôn chú trọng triển khai nhiều các hoạt động an sinh xã hội, hoạt động vì cộng đồng.
Trong giai đoạn đối mặt với đại dịch COVID-19 (2020-2022), ngành Điện Việt Nam đã hoàn thành tốt mục tiêu kép: vừa đảm bảo cung cấp điện, vừa đảm bảo phòng chống dịch, đồng thời đã tích cực tham gia các hoạt động hỗ trợ cộng đồng, chung tay cùng cả nước và khách hàng khắc phục khó khăn, vượt qua đại dịch.
Tập đoàn và các đơn vị cũng nhận chăm sóc, phụng dưỡng nhiều Mẹ Việt Nam anh hùng, chăm lo các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng…
EVN cũng thường xuyên tham gia các hoạt động an sinh xã hội khác, hỗ trợ người dân trong các thời điểm khó khăn, hỗ trợ nhân dân các vùng thiên tai, bão lũ khắc phục hậu quả sau bão, lũ.
Nhiều năm liền, EVN đã tổ chức “Tuần lễ hồng” nhằm hiến máu tình nguyện, với hàng nghìn đơn vị máu thu được mỗi năm cho “ngân hàng máu” trên toàn quốc… Qua 10 năm chương trình Tuần lễ hồng EVN được tổ chức (từ năm 2015 đến năm 2024), tổng số đơn vị máu đã thu nhận được là 94.844 đơn vị.
EVNEIC (tổng hợp)
Share