Nghị quyết 55 mở ra cơ hội lớn cho khu vực tư nhân tham gia phát triển năng lượng

16:52, 22/02/2020

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trong cuộc trao đổi với phóng viên, sau khi Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được ban hành (gọi tắt là Nghị quyết 55).

PV: Xin Bộ trưởng cho biết, Nghị quyết 55 ra đời có ý nghĩa quan trọng như thế nào trong bối cảnh nước ta hiện nay?

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị có ý nghĩa rất to lớn, đặc biệt là ra đời rất đúng thời điểm. Năm 2020 là năm cuối cùng trong kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 và chiến lược 10 năm; đồng thời cũng là năm chúng ta xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển cho 10 năm tới.

Đây cũng là thời điểm kinh tế Việt Nam đang hội nhập rất sâu rộng với thế giới và đang bước vào giai đoạn quyết liệt. Bên cạnh đó, với phát triển mạnh mẽ của các ngành kinh tế, Việt Nam bắt đầu chuyển biến và trở thành nước phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu.

Khi trình độ phát triển của Việt Nam đang tiếp tục được nâng cao, thì các khuôn khổ luật pháp, quy định chính sách sau thời gian phát huy hiệu quả đã có bất cập, tồn tại, cản trở sự phát triển của ngành năng lượng và an ninh năng lượng của đất nước. Trong bối cảnh như vậy, hơn bao giờ hết, chúng ta cần phải có chiến lược mới về năng lượng được đặt chung trong chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội; có quan điểm, định hướng mới phù hợp với chuyển biến chung toàn cầu để từ đó có những quyết sách và giải pháp đảm bảo yếu tố phát triển bền vững, không chỉ cho an ninh năng lượng mà còn liên quan đến an ninh quốc gia, chính trị,…

PV: Một điểm nhấn được đặt ra trong Nghị quyết 55 là đẩy mạnh khuyến khích tư nhân tham gia phát triển năng lượng. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Thời gian qua, Việt Nam đã có dấu ấn rất tích cực trong việc huy động các nguồn lực xã hội, tư nhân phục vụ cho phát triển năng lượng. Có thể nói, hiện khu vực tư nhân đã tạo được thế đứng nhất định trong lĩnh vực năng lượng. Điển hình, về điện năng, có 28% tổng công suất nguồn điện đến từ khu vực tư nhân, dưới các hình thức đầu tư đa dạng, hiệu quả như hợp đồng BOT, IPP,…

Nghị quyết 55 tiếp tục mở ra những cơ hội mới, to lớn và tiềm năng cho khu vực tư nhân trong tham gia phát triển năng lượng thời gian tới. Nghị quyết đã nêu rõ các định hướng quan trọng, nguyên tắc mục tiêu để tiếp tục xóa bỏ rào cản, tạo môi trường thuận lợi minh bạch, thông thoáng cho tất cả các ngành kinh tế, nhất là khu vực tư nhân tham gia các lĩnh vực tiềm năng nói chung và năng lượng nói riêng. Đồng thời, xác định rõ, nguyên tắc để phát triển các nguồn năng lượng một cách hiệu quả là dựa trên yếu tố của giá cả, công nghệ, an toàn.

Trong đó, với năng lượng tái tạo, tiếp tục rà soát, có cơ chế chính sách mang tính đột phá để tạo điều kiện cho tư nhân tham gia. Ở đây, cũng phải kể đến quan điểm rất mới, mang tính quyết sách là tiếp tục xem xét và hình thành những trung tâm năng lượng tái tạo dựa trên nền tảng lợi thế của công nghệ, vị trí địa lý, tiềm năng.

Tựu chung lại, Nghị quyết 55 đã mở ra những cánh cửa mới và cho phép chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào một chiến lược với những cơ chế chính sách mới, kể cả khung khổ luật pháp (không chỉ là Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, mà còn cả những luật mới như Luật về năng lượng tái tạo), để định hướng trong phát triển, đảm bảo an ninh năng lượng, trên tinh thần tiếp tục giải pháp huy động các nguồn lực, đặc biệt là tư nhân tham gia sâu hơn vào phát triển năng lượng quốc gia.

PV: Bộ Công Thương đã có những bước chuẩn bị và kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 55 ra sao, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Để triển khai và đưa Nghị quyết 55 vào cuộc sống, Bộ Công Thương xác định rõ, trước tiên cần nghiên cứu, học tập quán triệt đầy đủ các ý nghĩa, phạm vi, nội dung trong Nghị quyết. Để làm được điều đó, rất cần các chương trình kế hoạch hành động của Chính phủ, các hệ thống chính trị, các tổ chức để triển khai Nghị quyết.

Song song đó, Bộ Công Thương sẽ sớm xây dựng kế hoạch để triển khai, báo cáo Ban cán sự Đảng Chính phủ để xây dựng chương trình hành động. Đặc biệt, với một số nhiệm vụ cần triển khai sớm, Bộ Công Thương sẽ chủ động nghiên cứu quan điểm, định hướng, các nguyên tắc cơ bản trong Nghị quyết để áp dụng như việc xây dựng Quy hoạch điện 8, điều chỉnh Quy hoạch điện 7 hiệu chỉnh,...

Bộ Công Thương cũng vừa có chuyến công tác tới các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên để khảo sát và thực hiện theo yêu cầu Nghị quyết 55 đặt ra. Sắp tới, Bộ sẽ tiếp tục làm việc với các tỉnh Tây Nam bộ như Long An, Bến Tre, Sóc Trăng để nắm bắt thêm các vấn đề thực tiễn, vấn đề mới, để có hướng vận dụng và quán triệt tinh thần Nghị quyết 55 trước mắt và định hướng lâu dài cho phát triển năng lượng. 

PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!


Mai Hương

Share