Nữ công nhân ngành Điện gần 20 năm “bám lưới” vùng biên

14:57, 24/03/2021

Tôi là Nguyễn Thị Huyền Ngọc (SN 1980), công nhân Đội Quản lý, vận hành tổng hợp Tây Sơn của Điện lực Hương Sơn, thuộc Công ty Điện lực Hà Tĩnh. Gần 20 năm “bám lưới” vùng biên giới Hương Sơn, tôi luôn được đồng nghiệp trân quý bởi niềm đam mê, trách nhiệm với công việc và phong cách làm việc chuyên nghiệp.

Tốt nghiệp Trường Trung cấp Điện lực Miền Bắc, năm 2002, tôi về nhận công tác tại Điện lực Hương Sơn (thị trấn Phố Châu). Hơn 2 năm làm thu ngân viên là quãng thời gian quý giá giúp tôi học tập, rèn giũa về chuyên môn nghiệp vụ và phong cách giao tiếp với khách hàng. Tôi luôn gần gũi, nhẹ nhàng, nhiệt tình giải thích những khúc mắc của khách hàng, tạo nên mối quan hệ thiện cảm, chân thành.

Năm 2004, Điện lực Hương Sơn thành lập Đội Quản lý, vận hành tổng hợp Tây Sơn, tôi được điều động về đây công tác. Đội của tôi có nhiệm vụ quản lý và vận hành lưới điện trên địa bàn 5 xã vùng biên giới thuộc huyện Hương Sơn gồm: Sơn Hồng, Sơn Lâm, Sơn Lĩnh, Sơn Kim 1 và Sơn Kim 2. 17 năm trôi qua, tôi vẫn là “bóng hồng” duy nhất của Đội Quản lý, vận hành tổng hợp Tây Sơn. Và hiện nay, tôi cũng là nữ công nhân duy nhất của Điện lực Hương Sơn trực tiếp tham gia làm việc trên lưới. Điện là công việc đặc thù, nguy hiểm; đối với nam giới đã vất vả, với tôi lại càng nhiều áp lực.

Vì vậy, tôi càng tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp an toàn trước khi lên lưới. “Không an toàn, không lên lưới” là câu khẩu hiệu mình luôn nhắc nhớ bản thân trong hàng chục năm qua. Hơn nữa, việc tuân thủ an toàn lao động cũng là góp phần quan trọng để lan tỏa văn hóa EVN. Công việc chính của tôi hiện nay là ghi chỉ số công tơ, thay thế công tơ định kỳ, chỉnh trang lưới điện theo tiêu chuẩn 5S, phát quang hành lang an toàn lưới điện, phát triển khách hàng mới… Bằng kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được, tôi luôn đồng hành, hỗ trợ anh em công nhân sửa chữa lưới điện, xử lý các sự cố.

Yêu cầu công việc ngày càng cao nên trong mọi tình huống, tôi đều nỗ lực vượt khó để năng suất và hiệu quả công việc phải ngang bằng anh em trong đội. Mỗi người đã được giao khoán chỉ tiêu rõ ràng, nam cũng như nữ. Nếu như mình làm việc kém hiệu quả thì đồng nghiệp cũng bị ảnh hưởng - suy nghĩ đó chính là năng lượng tích cực để tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Chị Nguyễn Thị Huyền Ngọc (SN 1980), công nhân Đội Quản lý, vận hành tổng hợp Tây Sơn của Điện lực Hương Sơn, thuộc Công ty Điện lực Hà Tĩnh

Vật bất ly thân của tôi là túi đựng đủ loại đồ nghề. Thời mới đầu làm việc trên lưới, chưa có nhiều kinh nghiệm, đôi bàn tay nhiều khi như không tuân thủ “chỉ đạo” của mình. Nhưng sau nhiều năm rèn giũa, thực hành, tôi đã có thể thoăn thoắt các động tác vặn xiết, nới lỏng đai ốc, bắn ốc... một cách thành thục. Đều đặn mỗi tháng, tôi có 1 lần đi kiểm tra hệ thống lưới. Lưới điện của huyện Hương Sơn trải dài, địa hình rừng núi chia cắt nên việc trèo rừng, chèo thuyền là chuyện thường xuyên. Có những địa điểm, tôi và đồng nghiệp phải đi bộ hơn 3 km mới đến hiện trường làm việc. Về mùa mưa, đường rừng trơn trượt, việc đi lại càng gian nan.

Địa bàn tôi chịu trách nhiệm phụ trách là các xã biên giới, khu vực Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Trong đó, nhiều địa điểm cách xa trụ sở Đội Quản lý, vận hành tổng hợp Tây Sơn tới 50 km. Do vậy, mùa nắng, tôi phải đi từ 4 giờ sáng để tránh nắng; còn mùa mưa, trời sương giăng thì phải đội đèn để đi. Miền sơn cước của vùng “chảo lửa, túi mưa” Hà Tĩnh, điều kiện thời tiết quá khắc nghiệt. Làm việc ngoài trời, mùa đông công nhân ngành Điện phải chịu giá rét, sương muối; mùa hè phải đối mặt với nắng nóng, nền nhiệt lên trên 40 độ C...

Chiếc xe máy là “người bạn” đồng hành gắn bó với tôi trong những chuyến đi. Mỗi ngày, tôi phải vượt quãng đường hàng trăm cây số để xử lý công việc. Đường sá vùng đồi núi quanh co, nguy hiểm nên tai nạn xe máy là điều không tránh khỏi. Không ít lần ngã xe, xe bị hỏng hóc, một mình đơn độc giữa rừng khiến tôi chạnh lòng khi nghĩ đến những cơ cực của nghề. Tuy vậy, đảm bảo cung cấp điện ổn định, phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp vùng biên là nhiệm vụ và cũng là động lực để tôi vượt qua khó khăn.

Bữa trưa vội trong những phiên “băng rừng thăm lưới” hay mỗi lần sửa chữa, xử lý sự cố của tôi và đồng nghiệp đơn giản chỉ là những ổ bánh mỳ và hộp sữa tươi. “Hết việc chứ không hết giờ”, nên nhiều lúc, 13 - 14 giờ mới ăn trưa là chuyện bình thường. Làm việc ở đội với nhiều đặc thù, khối lượng công việc lớn, tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, đòi hỏi tôi phải không ngừng học hỏi, nắm vững kiến thức chuyên môn lẫn kỹ năng xử lý tình huống và sự khéo léo trong giao tiếp. Tôi luôn tâm niệm, khách hàng sử dụng các dịch vụ của ngành điện cũng như chính bản thân mình đang sử dụng. Bằng tinh thần tiếp thu, cầu thị và thái độ tôn trọng khách hàng, trước mỗi thắc mắc của họ, tôi phải nghiên cứu để có câu trả lời thỏa đáng dựa trên những phân tích, lý giải theo các quy định hiện hành.

Ngành Điện vốn đặc thù, vất vả, song, tôi luôn nỗ lực vượt khó, thể hiện sự chuyên nghiệp, bản lĩnh trong công việc, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Tôi tự hào khi đã góp phần cùng toàn đội có nhiều giải pháp nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, xây dựng văn hóa doanh nghiệp theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, góp phần lan tỏa văn hóa EVN trong cộng đồng...

Trong gần 20 năm qua, điều khiến tôi trăn trở nhất là mẹ theo ngành Điện thì các con phải chịu thiệt thòi hơn. Làm cái nghề đi sớm về tối, việc chăm sóc, đưa đón con cái học hành, đều phải nhờ chồng và bà nội. Điều hạnh phúc nhất đối với tôi là chồng, con, gia đình thấu hiểu, chia sẻ để toàn tâm toàn ý lo cho công việc.

Link gốc


Nguồn: baohatinh.vn

Share