PGS. TS Vũ Thanh Ca - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học công nghệ, Tổng cục biển và Hải đảo Việt Nam - Thành viên nhóm chuyên gia môi trường biển của Liên hợp quốc - Ảnh: Đinh Thắng
|
Nhận chìm sẽ giảm thiểu thiệt hại
PV: Thưa PGS, vì sao nhận chìm chất nạo vét xuống biển lại tốt hơn đổ ở trên bờ?
PGS.TS Vũ Thanh Ca: Đổ chất nạo vét trên bờ thực tế rất khó khăn, tốn kém, thậm chí là bất khả thi do cần diện tích mặt bằng rộng lớn.
Thứ hai, chất nạo vét là bùn cát mặn thì sẽ làm nhiễm mặn đất, nhiễm mặn các tầng nước ngầm. Việc này phải mất rất nhiều năm để nước mưa mới có thể rửa trôi được. Việc nhiễm mặn sẽ phá vỡ toàn bộ hệ sinh thái của một khu vực.
Còn khi nhận chìm dưới biển thì thiệt hại sẽ được giảm đi rất nhiều bởi vị trí nhận chìm bao giờ cũng phải là khu vực không giàu về tài nguyên, về sinh thái và có thể kiểm soát được tác động của chất nhận chìm tới các khu vực xung quanh.
PV: Có ý kiến cho rằng nên sử dụng vật chất nạo vét làm vật liệu bồi lấp, phục vụ các công trình lấn biển vì có ưu điểm là có kè để “nhốt” vật chất lại. Quan điểm của PGS như thế nào?
PGS.TS Vũ Thanh Ca: Cách làm này sẽ có nhiều tác động không tốt. Các khu vực bờ biển hiện nay đang ở vị trí cân bằng và các yếu tố động lực (như sóng và dòng chảy biển) và vận chuyển bùn cát đang ở trạng thái duy trì cân bằng đó.
Đối với các khu vực bờ biển đang bị xói lở, để bảo vệ bờ biển, chống xói lở, ta phải xác định cán cân bùn cát để có giải pháp can thiệp, bù thêm bùn cát nếu như bị thiếu hụt.
Làm kè đổ cát lấn biển tại một khu vực như đề xuất của Bình Thuận sẽ làm thay đổi trường sóng, dòng chảy, ngăn chặn dòng vận chuyển cát và do vậy phá vỡ cân bằng hiện có.
Ngoài ra, kè lấn biển còn phá vỡ khả năng tự bảo vệ tự nhiên của bờ biển. Các nghiên cứu cho thấy bãi cát như ở Bình Thuận có khả năng tiêu tán đến 90% năng lượng sóng, trong khi kè lấn biển chỉ tiêu tán được 10% đến 30% năng lượng sóng.
Do vậy, công trình ven bờ biển thông thường (như kè) chỉ có thể bền vững nếu có bãi cát phía trước. Vì khu vực lấn biển không có bãi cát, sóng sẽ đánh trực tiếp vào kè và làm sập kè, để lại một vùng bờ biển hoang tàn và mang khoản đầu tư hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỉ đồng “xuống biển”.
Hơn nữa, do phá vỡ cán cân cát, công trình lấn biển sẽ gây xói lở ở các khu vực bờ biển cạnh đó. Kinh nghiệm xói lở tại Hội An cho thấy rằng, kè do các resort xây dựng không thể ngăn nổi sóng và một số resort bị xói lở, phá hoại tới mức thậm chí bị bỏ hoang. Hơn nữa, lấn biển là phá hoại vĩnh viễn một vùng biển. Khác với nhận chìm, nếu là đáy cát, tại khu vực nhận chìm hệ sinh thái sẽ phục hồi khá nhanh sau khi việc nhận chìm hoàn thành.
Để bảo vệ bờ biển, lấn biển, cần phải thuận theo tự nhiên. Nhật Bản, Singapore có lấn biển nhưng họ thuận theo tự nhiên, dùng công trình để thay đổi trường sóng và đổ cát để nuôi bãi, tạo bãi để lấn biển. Lấn biển theo cách này vừa có bãi, vừa bảo vệ bờ.
Toàn cảnh Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân - Ảnh: Thành Trung
|
PV: Với các dự án đang xin nhận chìm của Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, chất nạo vét thu được chủ yếu là bùn, cát. Cũng có quan điểm là nên “tận thu” bán cho nước ngoài, PGS có ý kiến thế nào ?
PGS.TS Vũ Thanh Ca: Cát là một loại tài nguyên, ngày càng quý hiếm do hiện nay các đập thủy điện, thủy lợi đã hầu như chặn hết cát ở thượng nguồn. Lượng cát còn lại chảy về xuôi bị khai thác đến mức không còn cát chảy ra bồi đắp bờ biển. Do vậy, cần tìm mọi cách để giữ cát.
Nếu được nhận chìm ở độ sâu thích hợp, cát sẽ dần dần được sóng đưa trở lại vào bờ để bồi đắp bờ bãi. Như vậy, cát nạo vét cũng là một phần lãnh thổ quốc gia, không nên nghĩ đến việc bán đi.
Cần lựa chọn thời điểm nhận chìm phù hợp
PV: 2 vị trí dự kiến xin nhận chìm chất nạo vét của Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân cách khu bảo tồn Hòn Cau từ 8 – 10 km. Điều này có khả năng ảnh hưởng tới Khu bảo tồn không, thưa PGS?
PGS.TS Vũ Thanh Ca: Vấn đề ở đây là cần phải xem xét việc nhận chìm diễn ra vào thời điểm nào. Đặc trưng của hệ thống dòng chảy vùng biển Bình Thuận là dòng mặt chảy ven bờ chủ yếu có hướng từ nam lên bắc, chếch ra phía ngoài vào mùa hè và ngược lại vào mùa đông.
Nếu chọn thời điểm nhận chìm đúng vào thời kỳ gió mùa Tây Nam (mùa hè) thì dòng chảy biển sẽ mang nước đục đi ra phía ngoài xa, còn cát thì lắng đọng ngay xuống đáy. Bùn thì một phần lắng đọng xuống đáy, một phần thì được nước vận chuyển ra phía ngoài và sẽ lắng đọng xuống vùng nước có độ sâu lớn ở ngoài khơi.
Do đó, theo tôi, nếu thực hiện nhận chìm thì dứt khoát chỉ trong thời gian từ tháng 5 – tháng 10 hằng năm, trong điều kiện có gió mùa Tây Nam. Khi có gió mùa đông bắc, nếu dòng chảy ven bờ chuyển theo hướng từ bắc xuống nam thì phải dừng ngay việc nhận chìm, chờ đến khi gió đổi chiều mới nên tiếp tục thực hiện.
Ngoài ra, trong quá trình nhận chìm phải giám sát chặt chẽ để đảm bảo dừng ngay việc nhận chìm khi nồng độ bùn trong nước tại ranh giới khu bảo tồn biển và bãi cạn Breda vượt quá mức cho phép.
Nếu nhận chìm được thực hiện một cách nghiêm ngặt như vậy, cùng với việc sử dụng màn chắn bùn và công nghệ xả đáy, nó sẽ không ảnh hưởng đáng kể tới khu bảo tồn biển Hòn Cau.
Nhận chìm chất nạo vét là hoạt động phổ biến trên thế giới - Nguồn ảnh: www.ospar.org
|
PV: Dự kiến, vị trí xin nhận chìm của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 có độ sâu -36 m, của Tổng công ty Phát điện 3 là từ -45 đến -50,9 m. Hệ sinh thái ở những khu vực này có thể bị ảnh hưởng thế nào, thưa PGS?
PGS.TS Vũ Thanh Ca: Nhận chìm ở từng khu vực khác nhau thì phải thực hiện khảo sát cụ thể đáy biển của khu vực đó. Kinh nghiệm của tôi sau nhiều năm nghiên cứu biển, ở khu vực nhận chìm là bãi cát có lẫn bùn với hệ sinh thái nghèo nàn, do vậy thiệt hại do nhận chìm bùn cát nạo vét rất ít và hệ sinh thái này sẽ có khả năng khôi phục rất nhanh sau nhận chìm.
Các kết quả quan trắc môi trường nền bằng ống phóng, cuốc đại dương và lặn quan trắc của Viện Hải dương học được công bố trong thời gian tới sẽ cho biết thực trạng hệ sinh thái đáy biển khu vực dự kiến nhận chìm.
PV: Trước luồng ý kiến cho rằng nên chở chất nạo vét đi thật xa rồi mới nhận chìm, điều này có khả thi không, thưa PGS?
PGS.TS Vũ Thanh Ca: Hoàn toàn không nên. Nếu nhận chìm ở xa thì sẽ bị mất bùn cát, tức là bùn cát xuống biển sâu rồi, không còn gì để bồi đắp bờ bãi nữa.
Thứ hai, việc chở chất nạo vét ra xa rất tốn kém vì phải thuê xà lan to hoặc tàu chuyên dụng như xà lan của Trung Quốc chẳng hạn, còn Việt Nam thì chưa đáp ứng được. Hơn nữa, càng đi xa, điều kiện sóng gió sẽ càng nguy hiểm.
Cần chú ý là các nước khác, bao gồm các nước Tây Âu, Bắc Âu, Mỹ và nhiều nước khác chủ yếu là nhận chìm ngay sát bờ để giữ lại cát cho bờ bãi quốc gia của họ.
Do đó, trong việc nhận chìm, luôn luôn phải tính toán thật kỹ lưỡng để cân bằng cả về an ninh môi trường lẫn bài toán kinh tế.
Thực tế, Việt Nam vẫn đang thực hiện nhận chìm và trong tương lai chúng ta vẫn phải tiếp tục nhận chìm. Do đó, việc quản lý, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động nhận chìm ở biển là một trong những nội dung quan trọng nhất của phát triển bền vững nền kinh tế biển xanh.
PV: Trân trọng cảm ơn PGS!
Hoàng Tuyết (thực hiện)
Share