Quản lý năng lượng hiệu quả - vấn đề “sống còn”
Năng lượng là yếu tố sống còn của sản xuất, từng được ví như “bánh mỳ” của ngành công nghiệp. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất hiện nay. Theo một nghiên cứu, ngành năng lượng (điện, nhiệt, vận tải) chiếm hơn 80% lượng phát thải CO2 toàn cầu.
Vì vậy, việc tối ưu hóa năng lượng đang là một vấn đề cấp bách, giải pháp cốt lõi để giảm thiểu phát thải khí nhà kính từ công nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu và khan hiếm tài nguyên. Việc sử dụng năng lượng hiệu quả không chỉ giúp giảm thiểu chi phí mà còn góp phần bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh năng lượng.
Đối với mỗi doanh nghiệp, việc quản lý tốt năng lượng không chỉ giúp tiết kiệm chi phí, tối ưu hóa quá trình sản xuất và tăng năng suất lao động mà còn có thể giúp doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn của chính phủ trong giảm thải carbon.
Đồng thời, việc quản lý năng lượng còn giúp doanh nghiệp hội nhập quốc tế và giúp tiết kiệm chi phí đầu tư về năng lượng 10-20%, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng hướng đến đáp ứng cam kết của Chính phủ Việt Nam vào 2050 đạt mức phát thải ròng bằng 0.
Theo tính toán của các chuyên gia của Schneider Electric dự đoán, doanh nghiệp toàn cầu có thể tiết kiệm tới 2 nghìn tỷ USD vào năm 2030 nếu tối ưu hóa quản lý năng lượng và Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng cơ hội này.
Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, hiện cả nước có 3.068 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, có mức tiêu thụ điện bình quân là 80 tỷ kWh/năm. Nếu các doanh nghiệp này thực hành để tiết kiệm tối thiểu 2% điện năng tiêu thụ/năm thì bình quân mỗi năm cả nước tiết kiệm được khoảng 1,6 tỷ kWh, tương ứng với tiền điện tiết kiệm được hơn 3.200 tỷ đồng.
Khảo sát của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (VNEEP3) cũng cho thấy, các ngành công nghiệp của Việt Nam đang chiếm hơn 50% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc, với tiềm năng tiết kiệm năng lượng lên tới 30-35%.
Chia sẻ với phóng viên tại Hội nghị đổi mới sáng tạo thường niên tại Việt Nam - Innovation Day 2025 mới đây, ông Romaric Ernst, Phó Chủ tịch khối dự án và dân dụng Schneider Electric Đông Á cho biết, một trong những yêu cầu cấp bách nhất hiện nay nằm ở việc giải quyết khủng hoảng biến đổi khí hậu và giảm phát thải carbon. Vậy làm sao để chúng ta thực hiện được điều đó? “Chuyển dịch và tối ưu hóa năng lượng con đường nhanh nhất tiến tới sản xuất bền vững” - ông Romaric Ernst nói.
Theo ông Romaric Ernst, lượng cacbon trong bầu khí quyển đã tăng lên theo cấp số nhân trong khoảng một trăm năm qua và hiện nay đã đạt mức cao nhất trong vòng 2 triệu năm đổ lại. Để bắt kịp mục tiêu hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, chúng ta cần cắt giảm gấp đôi lượng khí thải trong vòng 10 năm tới.
Bên cạnh cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu, thế giới cũng đang đối mặt với sự thiếu hụt năng lượng trầm trọng. Hiện nay, nhiều khu vực trên thế giới vẫn chưa được tiếp cận với nguồn điện ổn định, đáng tin cậy. Vấn đề này đã lan rộng sang cả những nền kinh tế phát triển, nhất là châu Âu nơi mà giá nhiên liệu đã tăng lên gần như gấp 24 lần chỉ trong vòng 2 năm.
Ông Romaric Ernst nhận định, tại Việt Nam, mặc dù chưa phải trải qua bất cứ cuộc khủng hoảng năng lượng nào, nhưng quá trình công nghiệp hóa mạnh mẽ của đất nước đã thúc đẩy nhu cầu năng lượng nói chung và điện năng nói riêng tăng cao. Cụ thể, ngành công nghiệp hiện đang chiếm tới 50% lượng tiêu thụ năng lượng của quốc gia.
Theo Viện Năng lượng Việt Nam (IEV), trong thập kỷ tới, Việt Nam sẽ đối mặt với sự gia tăng trong nhu cầu năng lượng và tiêu thụ điện. “Dự đoán nhu cầu tiêu thụ năng lượng của Việt Nam sẽ tăng trung bình từ 10 -12% cho tới năm 2030 - mức tăng trưởng nhanh nhất toàn châu Á” - ông Romaric Ernst nói.
Do đó, chúng ta đang đứng trước một ngã rẽ quan trọng: Cần phải cân bằng giữa việc đạt những mục tiêu dài hạn về ứng phó với biến đổi khí hậu và đáp ứng các ưu tiên ngắn hạn về việc tiếp cận nguồn năng lượng an toàn, đáng tin cậy, đặc biệt trong ngành sản xuất công nghiệp.
Trong cả hai trường hợp, sự chuyển dịch năng lượng luôn là giải pháp tối ưu nhất. Thông qua việc chuyển dịch từ nhiên liệu hóa thạch (dầu, khí tự nhiên, than) sang các nguồn năng lượng tái tạo (gió, mặt trời), cũng như pin lithium-ion chúng ta hoàn toàn có thể khử carbon hoàn toàn và làm cho nguồn năng lượng trở nên dễ tiếp cận hơn vào năm 2050.
Song hành cùng với các giải pháp quyết liệt của Chính phủ trong việc giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng và quá trình công nghiệp, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết của Việt Nam tại COP26, thì với sự phát triển của khoa học công nghệ như “vũ bão” hiện nay có thể tham gia tích cực vào quá trình tối ưu hóa năng lượng.
Công nghệ - trợ thủ đắc lực giúp quản lý năng lượng
Theo các chuyên gia, việc tối ưu công nghệ được xem là giải pháp đóng vai trò quan trọng, tiên quyết trong việc nâng cao năng suất sản xuất, giảm chi phí sử dụng năng lượng, giảm giá thành sản xuất từ đó nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. Ngoài ra, tối ưu công nghệ cũng là giải pháp giúp giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu của quốc gia cũng như trên thế giới.
Nghiên cứu sơ bộ của Ngân hàng Thế giới cho rằng chỉ cần áp dụng các biện pháp hợp lý hoá quy trình sản xuất; thay thế, cải tạo, nâng cấp các thiết bị cũ, sử dụng hệ thống chiếu sáng hiệu suất cao… đã có thể tiết kiệm từ 15-30% nguồn năng lượng hiện hữu tại các phân xưởng, nhà máy sản xuất. Nếu đầu tư công nghệ đồng bộ, tiêu tốn ít điện năng thì khả năng tiết kiệm năng lượng còn cao hơn nhiều.
Ông Đồng Mai Lâm, Tổng Giám đốc Schneider Electric Việt Nam và Campuchia chỉ ra, số hoá và AI là xu hướng tất yếu cho các ngành công nghiệp đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Các công nghệ hiện tại có thể giúp loại bỏ 70% phát thải carbon trong chuỗi mắt xích năng lượng.
Chẳng hạn, ứng dụng giải pháp công nghệ vào quản lý năng lượng thông minh như thiết bị đóng cắt hiện đại giúp tối ưu hóa tiêu thụ điện, giảm lãng phí; hệ thống UPS tiên tiến đảm bảo hoạt động liên tục cho nhà máy và trung tâm dữ liệu; thiết bị phân phối điện trung thế trong nhà máy và hạ tầng; bộ lưu điện hiệu suất cao với công suất từ 10 kW đến 150 kW1 cho các nhà máy, trung tâm dữ liệu nhỏ và vừa; lưới điện siêu nhỏ Microgrid cung cấp năng lượng sạch, độc lập cho cảng biển và khu công nghiệp…
Đặc biệt trong công nghiệp, trí tuệ nhân tạo (AI) được tích hợp vào hệ thống quản lý năng lượng để giám sát và điều chỉnh mức tiêu thụ điện theo thời gian thực. Nhờ vào các thuật toán thông minh, AI có thể phân tích dữ liệu tiêu thụ điện của nhà máy, từ đó phát hiện các khu vực tiêu tốn năng lượng bất thường và đề xuất giải pháp tiết kiệm. Những hệ thống như vậy không chỉ giúp giảm chi phí vận hành mà còn giảm lượng khí thải carbon ra môi trường.
Ở mức độ rộng hơn, trong các khu công nghiệp, AI cũng góp phần quản lý hiệu quả lưới điện thông minh (smart grid), giúp cân bằng cung - cầu điện giữa các khu vực và dự đoán nhu cầu tiêu thụ trong tương lai. Nhờ đó, các nhà máy điện có thể vận hành hiệu quả hơn, hạn chế tình trạng quá tải hoặc dư thừa điện năng.
Tại Innovation Day Hải Phòng 2025, Schneider Electric đã giới thiệu các giải pháp công nghệ hiện đại được kỳ vọng sẽ giúp cắt giảm tới 70% lượng phát thải CO₂ trong toàn bộ chuỗi cung ứng năng lượng.
Đặc biệt, trong lĩnh vực phát triển cảng xanh, đại diện Schneider Electric cho biết, các nguồn phát thải carbon tại cảng gồm Scope 1 (phát thải trực tiếp từ hoạt động vận hành cảng), Scope 2 (phát thải gián tiếp từ điện và hệ thống sưởi mua ngoài), và Scope 3 (phát thải từ bên thứ ba trong hệ sinh thái như tàu biển và xe tải). Thực trạng đáng chú ý phát thải từ Scope 3 chiếm gần 95% tổng lượng phát thải tại cảng.
Các công nghệ hiện tại từ Schneider Electric cho phép giảm mạnh phát thải Scope 1 và 2 bằng cách sử dụng điện 100% và chuyển cẩu chạy dầu diesel sang điện để có thể giảm đến 95% phát thải trong phạm vi Scope 3.
Tuy nhiên, để tiết kiệm năng lượng, giảm “dấu vết” carbon thì bài toán đầu tư vào công nghệ, nguồn lực đầu tư trang thiết bị hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực… nhằm đáp ứng được yêu cầu trong thời gian hiện nay vẫn khiến doanh nghiệp loay hoay.
Vì vậy, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền để tạo sự đồng thuận lớn của doanh nghiệp, cần có thêm cơ chễ hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi để các doanh nghiệp đầu tư cho công nghệ hiện đại nói chung và công nghệ tối ưu hóa lĩnh vực năng lượng nói riêng.
Theo các chuyên gia, quản lý năng lượng hiệu quả không chỉ là giải pháp kinh tế mà còn là chìa khóa cho phát triển bền vững. Với công nghệ phù hợp, doanh nghiệp Việt Nam có thể vừa cắt giảm chi phí, vừa đáp ứng mục tiêu tăng trưởng xanh. |
|
Link gốc
Theo congthuong.vn
Share