Ngành Điện Việt Nam giai đoạn 1954 – 1974

1. Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm ngành Điện

Nguồn ảnh: Trần Nguyên Hợi

Ngày 21/12/1954, hơn hai tháng sau ngày tiếp quản Thủ đô, Bác Hồ đã đến thăm Nhà máy điện Yên Phụ và Nhà máy đèn Bờ Hồ. Tại buổi gặp mặt thân tình này, Bác nói: “Nhà máy này bây giờ là của nhân dân, của Chính phủ, của các cô, các chú. Các cô, các chú là chủ thì phải giữ gìn nhà máy, làm cho nó phát triển hơn nữa…”.  Từ đó, ngày 21/12 hàng năm được coi là ngày Truyền thống của ngành Điện lực Việt Nam.

2. Thành lập cơ quan quản lý nhà nước đầu tiên chuyên trách lĩnh vực điện

Ngày 21/7/1955, Bộ trưởng Bộ Công Thương ra Quyết định số 169-BCT/ND/KB (Thứ trưởng Đặng Viết Châu ký) thành lập Cục Điện lực trực thuộc Bộ Công Thương và bổ nhiệm ông Hồ Quý Diện làm Cục trưởng. Sự kiện này đặt dấu mốc pháp lý về hoạt động chỉ đạo, quản lý của cơ quan quản lý nhà nước chuyên trách về lĩnh vực điện lực. Ngày 21/2/1961, Bộ Thủy lợi và Điện lực ra Quyết định số 86-TLĐL/QĐ về việc chuyển Cục Điện lực thành Tổng cục Điện lực. Ngày 28/12/1962, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định tách Tổng cục Điện lực Khỏi Bộ Thủy lợi và Điện lực về trực thuộc Bộ Công nghiệp nặng. Sau đó lại đổi tên là Cục Điện lực. Ngày 6/10/1969, Bộ Điện và Than ra Quyết định số 106/QĐ/TC thành lập Công ty Điện lực (nay là Công ty Điện lực 1) trực thuộc Bộ Điện và Than với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh điện năng và hoạt động theo chế độ hạch toán kinh tế. Năm 1981, Bộ Điện lực ra đời.

3. Nâng tổng công suất nguồn điện toàn quốc lên gấp 2 lần năm 1954

Khi tiếp quản Thủ đô vào tháng 10/1954, cơ sở vật chất chỉ vẻn vẹn 31,5 MW công suất, sản lượng điện khoảng 53 triệu kWh/năm. Đến giai đoạn từ năm 1956 – 1958, qua một thời gian củng cố các cơ sở quản lý sau tiếp quản và nâng cấp, sửa chữa lại các nhà máy, đường dây do Pháp để lại, cùng lúc 3 nhà máy nhiệt điện mới đã được khởi công xây dựng, gồm Nhà máy Điện Vinh (8 MW), NMĐ Thanh Hóa (6 MW) và NMĐ Lào Cai (8 MW), đưa tổng công suất nguồn tăng gấp 2 lần so với năm 1954. Đây là bước khởi đầu quan trọng, làm tiền đề cho sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của hệ thống nguồn và lưới điện Việt Nam những năm tiếp theo.

4. Xây dựng đường dây trung áp 35 kV đầu tiên

Tháng 1/1958, tuyến đường dây 35 kV đầu tiên (Hà Nội – Phố Nối) được khởi công xây dựng và trong quý III cùng năm đã khánh thành, đóng điện thành công. Trước đó, sau khi tiếp quản Thủ đô, các tuyến đường dây 30,5 kV cũ chỉ được cải tạo, nâng cấp lên 35 kV; các đường dây tải điện như: Hà Nội-Hà Đông, Hà Nội - Sơn Tây, Hà Nội - Phố Nối, Thái Bình - Nam Định… được phục hồi để sử dụng.

5. Xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí công suất lớn nhất đầu tiên ở miền Bắc

Nguồn ảnh: Trần Nguyên Hợi

Ngày 19/5/1961, Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí với công suất 48 MW được khởi công xây dựng. Năm 1963 khánh thành và đi vào hoạt động. Đây là nhà máy nhiệt điện có công suất lớn nhất miền Bắc trong thời kỳ đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhà máy do Liên Xô giúp đỡ xây dựng, cung cấp thiết bị và đào tạo cán bộ, công nhân; là một trong những nguồn cấp điện chủ lực trong công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc. Sau đó, Nhà máy được nâng công suất lên 153 MW. Tháng 5/2002, dự án Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí mở rộng công suất 300 MW (1 tổ máy) được khởi công do EVN làm chủ đầu tư, với mức đầu tư trên 300 triệu USD. Đến nay, nhà máy này đã phát điện thương mại. Hiện, EVN đang tiếp tục đầu tư dự án Nhiệt điện Uông Bí mở rộng 2 với công suất 300 MW.

6. Xây dựng tuyến đường dây 110 kV đầu tiên của miền Bắc

Quý III/1962, tuyến đường dây 110 kV đầu tiên của miền Bắc (Đông Anh - Việt Trì, Uông Bí - Hải Phòng) được khởi công xây dựng và đến quý IV/1963 hoàn thành đóng điện. Thời gian tiếp theo, nhiều nhà máy điện, tuyến đường dây và TBA 110 kV, 35 kV đã ra đời. 9 trong số 12 nhà máy điện đã được nối liền bằng đường dây 110 kV, tạo thành một hệ thống điện hoàn chỉnh của miền Bắc. Đây là giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của hệ thống điện trước khi Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc

7. Xây dựng Thủy điện Thác Bà công suất lớn đầu tiên ở miền bắc

Ngày 19/8/1964, khởi công xây dựng Nhà máy Thủy điện Thác Bà (Yên Bái) công suất 108 MW; khánh thành (đợt 1) và đưa vào vận hành ngày 5/10/1971. Đây là công trình thủy điện có công suất lớn đầu tiên của Việt Nam được xây dựng với sự giúp đỡ của Liên Xô. Sau chiến tranh phá hoại miền Bắc, Thủy điện Thác Bà được khôi phục hoàn chỉnh và đầu năm 1973 cả 3 tổ máy đã được đưa vào tiếp tục vận hành.


  • 24/12/2014 06:00
  • EVNEIC (tổng hợp)
  • 39459