146.800 MW công suất nguồn điện và 695 tỷ kWh điện sản xuất vào năm 2030

Hội nghị trực tuyến công bố Quyết định số 880/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 9/6/2014 phế duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Quyết định số 879/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 9/6/2014 phê duyệt Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được Bộ Công Thương tổ chức ngày 7/7.

Giai đoạn sau năm 2025 ưu tiên phát triển năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình - Ảnh: P.Trang

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, tại các Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ đã xác định rõ những mục tiêu mà toàn ngành Công thương phải nỗ lực phấn đấu để đạt được trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Thủ tướng Chính phủ cũng xác định những lĩnh vực, ngành công nghiệp cần ưu tiên phát triển và các biện pháp để triển khai thực hiện nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra.

Cụ thể, tại Quyết định số 880/QĐ-TTg, đối với ngành Điện ưu tiên sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước cho phát triển điện, kết hợp với việc nhập khẩu điện, nhập khẩu nhiên liệu hợp lý, đa dạng hóa các nguồn năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện, bảo tồn nhiên liệu và bảo đảm an ninh năng lượng cho tương lai; Từng bước hình thành, phát triển thị trường điện cạnh tranh, đa đạng hóa phương thức đầu tư và kinh doanh điện. Nhà nước chỉ giữa độc quyền lưới điện truyền tải để đảm bảo an ninh hệ thống năng lượng quốc gia.

Phát triển ngành Điện dựa trên cơ sở sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng sơ cấp của mỗi miền; đảm bảo cung cấp đầy đủ, liên tục, an toàn cho nhu cầu điện tất cả các vùng trong toàn quốc.

Mục tiêu đến năm 2020, tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp ngành Điện đạt 13 - 14% và đến năm 2030 đạt 10 - 12%. Ứng với các mốc thời gian trên, vào năm 2020 tỷ trọng ngành Điện chiếm 4 - 5% trong cơ cấu ngành công nghiệp và đáp ứng 85 - 90% nhu cầu thị trường, năm 2030 chiếm tỷ trọng 5 - 6% và đáp ứng 95 - 100% nhu cầu.

Từ nay đến năm 2020, hoàn thành các dự án nguồn điện theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, phát triển các dạng năng lượng mới và tái tạo theo Quy hoạch phát triển được cấp có thẩm quyền phê duyệt để đáp ứng yêu cầu đa dạng hóa các nguồn năng lượng (gió, mặt trời, biomass...). Đến năm 2030, tổng công suất lắp đặt các nhà máy điện khoảng 146.800 MW, điện năng sản xuất là 695 tỷ kWh.

Quyết định số 879/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, ngành năng lượng mới và năng lượng tái tạo là một trong các nhóm ngành công nghiệp được lựa chọn ưu tiên phát triển. Theo đó, giai đoạn từ nay đến năm 2025 thúc đẩy phát triển các dạng năng lượng mới và tái tạo như gió, mặt trời, biomass; giai đoạn sau năm 2025 phát triển năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình, ưu tiên phát triển các dạng năng lượng tái tạo như địa nhiệt, sóng biển.

Đồng thời, giảm hệ số đàn hồi năng lượng/GDP năm 2015 đạt 1,5; năm 2020 đạt 1,0 và đến năm 2035 duy trì ở mức 0,6 - 0,8, tiệm cận với các nước trong khu vực; tỷ lệ phát thải khí nhà kính ngành công nghiệp gia tăng bình quân trong khoảng 4 - 4,5%/năm.

Giải pháp phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên đối với ngành năng lượng mới và năng lượng tái tạo đó là tăng cường phối hợp với các quốc gia và các tổ chức quốc tế để phát triển và sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình, từng bước làm chủ công nghệ. Tập trung ứng dụng công nghệ cao cho nguồn phát điện năng lượng mặt trời, gió, biogas, biomas, địa nhiệt... đối với năng lượng vì mục đích hòa bình tiếp tục nghiên cứu về an toàn hạt nhân và các công nghệ điện nguyên tử phổ biến hiện nay.


  • 09/07/2014 10:21
  • Quỳnh Như
  • 2748


Gửi nhận xét