Theo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, tình hình phát triển các loại nguồn điện của Việt Nam đều đang gặp những thách thức như: Các dự án điện khí chưa đảm bảo tiến độ và tính đồng bộ, nhiệt điện than không khuyến khích phát triển, dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận đã dừng xây dựng. Do đó, để đáp ứng nhu cầu điện của đất nước thì việc xem xét nghiên cứu tận dụng nguồn thủy điện, nhưng phải đảm bảo được vấn đề bảo vệ môi trường và đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo là hoàn toàn hợp lý.
Nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế đã tham dự Hội nghị và chia sẻ những kinh nghiệm trong phát triển thủy điện nhỏ và năng lượng tái tạo
|
Phát triển thủy điện vừa và nhỏ có những ưu điểm nổi trội như: 33 tỉnh trên toàn quốc có tiềm năng phát triển; các công trình đầu mối thường có hồ chứa nên có khả năng tận dụng tổng hợp cao; các nhà máy thủy điện có chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật tốt, suất đầu tư hợp lý; góp phần tích cực trong phân bổ lực lượng sản xuất, tạo cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế - xã hội – văn hóa các vùng, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa.
Bên cạnh đó, các nguồn năng lượng tái tạo như: Gió, mặt trời, sinh khối… cần được đẩy mạnh hơn nữa nhằm đạt được mục tiêu năm 2020 có 11,7 tỷ kWh và năm 2030 là 88,4 tỷ kWh.
Tại Hội nghị, các đại biểu cơ bản thống nhất cần phải đẩy mạnh phát triển các dạng năng lượng này, trong đó phát triển thủy điện vừa và nhỏ phải đảm bảo được 5 nguyên tắc: An toàn tuyệt đối (hồ, đập, tính mạng của nhân dân); Di dân tái định cư đồng bộ; Không tác động xấu đến môi trường; Hiệu quả phát điện, hiệu quả tổng hợp (chống lũ, cung cấp nước); Thực hiện đúng quy định của pháp luật (quy hoạch lập và xét duyệt dự án, thi công giám sát, vận hành).
Về nguồn năng lượng tái tạo trên cơ sở định hướng phát triển các nguồn điện gió, mặt trời, sinh khối… được xác định trong Chiến lược và Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cần nghiên cứu chuẩn xác tiềm năng các loại nguồn điện này, áp dụng các giải pháp tối ưu để phát triển nhanh và chắc chắn, tạo điều kiện giảm thiểu nguồn điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Ông Trần Viết Ngãi – Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, sau Hội nghị này, Hiệp hội, Tổng cục Năng lượng, EVN sẽ cùng các chuyên gia, nhà khoa học… nghiên cứu, tổng hợp các ý kiến tham luận để đề xuất với Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tháo gỡ các khó khăn, tạo điều kiện để phát triển bền vững ngành năng lượng Việt Nam nói chung, cũng như thủy điện vừa và nhỏ, năng lượng tái tạo nói riêng.