Ông Nguyễn Phước Đức - Phó Tổng giám đốc EVNSPC
|
PV: Những kết quả nổi bật nhất của chương trình điện khí hóa nông thôn do EVNSPC thực hiện trong hơn 10 năm qua là gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Phước Đức: Thực hiện chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam, từ năm 1996, EVNSPC đã xác định việc đưa điện về nông thôn là một trong những chương trình trọng điểm của chúng tôi.
Tổng công ty đã huy động, ưu tiên mọi nguồn lực cho công tác này. Cùng sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và người dân, từ chỗ chỉ có gần 35% số hộ dân của 21 tỉnh thành phía Nam được sử dụng điện (cuối năm 1996), tới nay, EVNSPC đã đưa điện về tới 100% số xã, với 99,62% số hộ dân tại 21 tình, thành miền Nam. Trong đó, một số tỉnh đã đạt 100% số thôn, ấp có điện như Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu,...
Việc đầu tư cấp điện, tiếp nhận đảm bảo điện cho các huyện đảo là 1 trong những thành tựu nổi bật nhất trong công tác điện khí hóa nông thôn của EVNSPC thời gian qua. Có thể kể đến các đảo Phú Quốc, Kiên Hải, Lại Sơn (Kiên Giang), Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu), Phú Quý (Bình Thuận), Trường Sa (Khánh Hòa)... Điện đã góp phần thúc đẩy kinh tế biển đảo và đảm bảo an ninh quốc phòng.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2000 - 2013, EVNSPC đã hoàn thành tiếp nhận các công trình điện hạ áp tại 876 xã, trực tiếp bán điện cho hơn 1,2 triệu hộ, đảm bảo cho người dân nông thôn được mua điện đúng giá quy định của Nhà nước và được cung cấp đầy đủ các dịch vụ của ngành Điện.
Công tác điện khí hóa nông thôn cũng đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn; đáp ứng cơ bản nhu cầu sản xuất, sinh hoạt và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phục vụ đắc lực cho công cuộc CNH-HĐH nông nghiệp nông thôn ở các tỉnh/thành phố phía Nam; nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho bà con vùng vùng sâu, vùng xa, biên giới,...
PV: Để thực hiện thành công các dự án đưa điện về nông thôn, EVNSPC đã phải đối mặt với những khó khăn như thế nào?
Ông Nguyễn Phước Đức: Có thể nói, vốn là vấn đề nan giải nhất, bởi các dự án này đều có suất đầu tư cao; nhất là những dự án đưa điện về vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Tuy nhiên, cùng với các nguồn vốn được Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, UBND các tỉnh/thành phố bố trí, EVNSPC đã ưu tiên các nguồn vốn tự có, vốn vay thương mại, vốn vay ODA,... cho các dự án điện khí hóa.
Trong quá trình triển khai, Tổng công ty cũng tiết kiệm trong đầu tư, tính toán sao cho cùng 1 nguồn vốn đó nhưng đầu tư cấp điện cho nhiều hộ dân nhất có thể.
Ngoài ra, địa bàn trải rộng, địa hình nông thôn hỗn hợp từ núi đồi, đến hải đảo và hệ thống sông ngòi chằng chịt cũng là trở ngại lớn trong đầu tư xây dựng các công trình điện. Tổng công ty và các nhà thầu đã phối hợp chặt chẽ để "hóa giải" kịp thời những khó khăn, vướng mắc để các dự án đều đạt tiến độ và phát huy hiệu quả.
Thợ điện Sóc Trăng tuyên truyền, hướng dẫn các hộ dân mới được cấp điện cách sử dụng điện an toàn, hiệu quả
|
PV: Mục tiêu của Chính phủ đưa ra là hầu hết các hộ dân nông thôn đều được sử dụng điện vào năm 2020. Theo ông, đây có phải là một “bài toán khó giải” đối với EVNSPC?
Ông Nguyễn Phước Đức: Đúng là EVNSPC đang gặp thách thức không nhỏ trong việc cân đối và tìm kiếm nguồn vốn. Nhu cầu vốn cho các dự án thuộc Chương trình 2081 từ nay đến năm 2020 là rất lớn, do suất đầu tư cao, trong khi nguồn ngân sách có hạn.
Đó là chưa kể, bên cạnh đưa điện đến vùng sâu, vùng xa, EVNSPC còn phải tìm kiếm nguồn vốn để cải tạo lưới điện nông thôn, sao cho đạt tiêu chí số 4 theo tiêu chuẩn về nông thôn mới.
EVNSPC đã và đang huy động tổng lực các giải pháp; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong việc huy động vốn để quyết tâm xóa các "vùng lõm điện”, nâng cao chất lượng điện khu vực nông thôn.
Tổng công ty rất cần sự chung tay, vào cuộc của chính quyền các địa phương cũng như người dân để hoàn thành tốt công cuộc “điện khí hóa nông thôn” trong giai đoạn tới.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông!
Thùy Lê (thực hiện)
Share