Đoàn công tác Tổng cục Thủy lợi kiểm tra công tác chuẩn bị lấy nước đổ ải tại tỉnh Bắc Ninh ngày 10/12
|
Tổng cục Thủy lợi tổ chức kiểm tra công tác chuẩn bị lấy nước đổ ải vụ Đông Xuân năm 2019-2020 tại tỉnh Bắc Ninh, ngày 10/12.
Theo ông Nguyễn Quốc Chính, Phó Trưởng ban Kỹ thuật - Sản xuất EVN, trong cả năm 2019, trên nhánh sông Đà, lưu lượng nước về các hồ chứa thủy điện rất thấp. Đến nay, các hồ chứa trên lưu vực đang thiếu hụt khoảng 8 tỷ m3 nước và mực nước các hồ sẽ còn tiếp tục giảm do phải duy trì cấp 400m3/s xuống hạ du phục vụ Nhà máy nước sông Đà.
"Đây là năm khô hạn nhất kể từ khi Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đi vào vận hành" - ông Nguyễn Quốc Chính cho hay.
Trong đó, 3 hồ trực tiếp phục vụ cấp nước đổ ải là Hòa Bình, Tuyên Quang và Thác Bà dự kiến phải xả tổng cổng hơn 4 tỷ m3 nước cho đổ ải vụ Đông Xuân năm 2019-2020. Sau khi kết thúc đổ ải, cả 3 hồ chứa trên sẽ về đến mực nước chết.
"Chúng tôi mong muốn các địa phương, trong đó có tỉnh Bắc Ninh sẽ tính toán các giải pháp để lấy nước hiệu quả, sử dụng nước tiết kiệm nhất khi các hồ chứa xả nước”, ông Nguyễn Quốc Chính cho biết.
Tại buổi làm việc, ông Đặng Công Hưởng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bắc Ninh cho biết: Vụ Đông Xuân tới đây, toàn tỉnh Bắc Ninh sẽ gieo trồng khoảng 36.000 ha, trong đó diện tích lúa khoảng 32.500 ha, cây rau màu khoảng 3.500ha.
Lịch gieo cấy chủ yếu tập trung vào trà xuân muộn, thời vụ gieo mạ chia làm hai đợt. Để phòng, chống hạn vụ Đông Xuân, tỉnh Bắc Ninh đã triển khai thực hiện tu bổ, sửa chữa, tích cực hoàn thành kế hoạch làm thủy lợi nội đồng năm 2019. Đồng thời đảm bảo 100% số máy phục vụ thời gian đổ ải có hiệu quả.
UBND các huyện, thị xã và thành phố tiến hành chỉ đạo các địa phương tu sửa, bảo dưỡng các trạm bơm cục bộ, sẵn sàng phục vụ khi cần thiết, đồng thời dự trù kinh phí (xăng, dầu, máy bơm dã chiến…) để phục vụ sản xuất trong điều kiện thời tiết xấu có thể xảy ra.
Ông Nguyễn Văn Ty, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Đuống cho biết, với lịch xả nước tăng cường của các hồ chứa thủy điện thượng nguồn như năm nay, Công ty đã xây dựng phương án tiếp nguồn nước cho những vùng khó khăn. Ví dụ, trạm bơm Thái Hòa, Kim Đôi sẽ bơm điều tiết nước qua kênh Nam Trịnh Xá đổ về kênh M35 đưa nước tưới đổ ải cho các xã Nam sơn, Hạp Lĩnh, Lạc Vệ, đồng thời tiếp nguồn cho các trạm bơm cục bộ thuộc khu vực phía Đông đường 38.
Cũng theo ông Ty, hàng năm tỉnh Bắc Ninh cấp cho công ty khoảng 50 tỷ đồng để sửa chữa các trạm bơm, nạo vét kênh mương để tăng cường khả năng cấp nước. Qua đó cho thấy lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm đến vấn đề an ninh lương thực trong tỉnh. "Chúng tôi sẽ nỗ lực để cấp đủ nước phục vụ sản xuất của bà con trên địa bàn tỉnh, không làm chậm tiến độ lấy nước chung mùa đổ ải năm nay" - ông Nguyễn Văn Ty khẳng định.
Công nhân Công ty Điện lực Bắc Ninh kiểm tra thiết bị điện tại trạm bơm đầu mối Trịnh Xá (Từ Sơn, Bắc Ninh)
|
Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, năm nay, công tác lấy nước ở khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ sẽ đặc biệt khó khăn do lượng nước trữ tại các hồ chứa thủy điện Thác Bà, Tuyên Quang, Hòa Bình thiếu hụt lớn so với trung bình nhiều năm. Trong khi đó, do lòng dẫn sông Hồng bị hạ thấp nên dù các hồ chứa thủy điện xả tối đa công suất (3.300m3/giây) thì mực nước tại trạm thủy văn Hà Nội cũng không thể đạt 2,2m.
“Trong vụ Đông Xuân năm 2018-2019, các hồ thủy điện đã xả tối đa công suất, nhưng chỉ có 13,7% số giờ trạm thủy văn Hà Nội đạt tới mức 2,2m. Dự báo, năm nay sẽ không có giờ nào trạm thủy văn Hà Nội đạt được 2,2m. Vì vậy, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương thống nhất là rút ngắn lịch xả nước tăng cường phục vụ gieo cấy vụ đông xuân 2019 – 2020 so với các năm trước để đảm bảo an ninh năng lượng trong mùa khô”, ông Nguyễn Văn Tỉnh nhấn mạnh.
Ông Tỉnh đánh giá cao Bắc Ninh đã có sự chủ động trong công tác cấp nước phục vụ sản xuất. Thời gian qua, tỉnh đã chi hơn 200 tỷ đồng để đầu tư các trạm bơm mực nước thấp, do đó không phụ thuộc quá lớn vào lịch xả nước tăng cường của các hồ chứa thủy điện như những năm trước. Tuy nhiên, qua thống kê nhiều năm cho thấy có khoảng 4.000 ha (chiếm 10% tổng diện tích gieo cấy trong tỉnh) có khó khăn về nguồn nước, do chủ yếu lấy nước từ sông Đuống và một phần diện tích lấy nguồn nước của sông Cửu. Tổng cục trưởng Tổng cụ Thủy lợi đề nghị địa phương cần tập trung lấy nước trong đợt 2, còn những khu vực khó lấy nước cần chuyển đổi trồng lúa sang cây trồng cạn để không để lãng phí tài nguyên quốc gia.
Lê Việt
Share