Bàn về lưu giữ truyền thống ngành Điện trong thời đại số

Lưu giữ truyền thống là công việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể cho hiện tại và tương lai. Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, sự phát triển của các công nghệ số đã tạo ra nhiều phương thức mới trong bảo tồn, phát huy giá trị của truyền thống. Là một doanh nghiệp có bề dày lịch sử, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cần phải làm gì để lưu giữ truyền thống hào hùng của ngành Điện trong thời đại số?

Số hóa để thích ứng

Trong hình dung của số đông, Nhà truyền thống, bảo tàng thường gắn liền với những thứ xưa cũ, tư liệu, những hiện vận tĩnh lặng; là một không gian khô cứng, tẻ ngắt với những hiện vật và tư liệu nằm im lìm trong tủ kính… Thế nhưng, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đặc biệt là các ứng dụng số, trí tuệ nhân tạo, những khu vực tưởng chừng buồn tẻ ấy đã thay đổi để bắt kịp xu thế, hấp dẫn, thu hút khách tham quan.

Tại Đức, Bảo tàng Nghệ thuật Staedel - Frankfurt sau khi số hóa được 25.000 hiện vật và xây dựng được 100 bộ phim kỹ thuật số phát trên mạng xã hội đã thu hút được hàng ngàn lượt truy cập, theo dõi. Nhờ áp dụng phương pháp này, lượng người đến tham quan tại đây tăng gấp đôi, tương đương 1 triệu lượt/năm so với khi chưa số hóa. Thư viện Tòa thánh Vatican, một trong những thư viện lâu đời nhất trong lịch sử cũng đã số hóa kho lưu trữ thư bản cổ và đưa vào danh mục trực tuyến 4.500 tài liệu để phục vụ công chúng. Bảo tàng Dân gian Quốc gia Hàn Quốc cũng đã số hóa hơn 68.000 hiện vật đưa lên website trực tuyến. Viện bảo tàng Anh cũng đã có kế hoạch số hóa gần 5.000 danh mục hiện vật trong các bộ sưu tập của mình để phục vụ người dân và du khách tham quan miễn phí...

Tại Việt Nam, thời gian qua, việc số hóa tư liệu, hiện vật, bảo vật cũng đã và đang được triển khai mạnh mẽ. Bảo tàng Lịch sử quốc gia là một trong những đơn vị đi đầu trong số hóa với webisite “Bảo vật quốc gia” tại địa chỉ http://baovatquocgia.baotangso.com/bao-vat với hình ảnh 3D và có video các chuyên gia giới thiệu và bình luận từng bảo vật. Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ cũng đã ứng dụng công nghệ Smart Museum 3D/360 tham quan thực tế ảo tương tác thông minh (Virtual Tour), với hơn 31 nghìn hiện vật được số hóa bằng công nghệ quét ba chiều (3D Laser Scanning) kết hợp với kỹ thuật hình ảnh 360 độ. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vừa cho ra mắt ứng dụng thuyết minh iMuseum VFA - một ứng dụng đa phương tiện trợ giúp đắc lực cho người dùng trong cả hai hoạt động tham quan trực tuyến và trực tiếp. Trong khối doanh nghiệp, Bảo tàng Viettel gây ấn tượng với sự xuất hiện của trợ lý ảo công nghệ có tên Tương lai - người bạn đồng hành cùng du khách trên chặng hành trình khám phá lịch sử Tập đoàn…

Hiện nay, trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các hoạt động tham quan trực tiếp bị hạn chế, các bảo tàng, Nhà truyền thống buộc phải có những giải pháp đổi mới để hoạt động hiệu quả và thu hút công chúng. Và số hóa được nhiều chuyên gia nhìn nhận là giải pháp hiệu quả, hợp xu thế.

Khách nước ngoài thăm quan Nhà truyền thống ngành Điện lực Việt Nam

Góc nhìn về EVN

Là một doanh nghiệp lớn với truyền thống 67 năm lịch sử (1954- 2021) và là chủ thể kế thừa một số di sản, truyền thống của 127 năm từ khi điện xuất hiện ở Việt Nam, EVN có bề dày truyền thống lịch sử rất đáng tự hào. Đó là một nguồn lực và niềm tự hào mà rất ít doanh nghiệp có được. Trong hoạt động, EVN cũng đã và đang chuyển đổi số mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực. Đây là những tiền đề, yếu tố đặc biệt thuận lợi để Tập đoàn và các đơn vị thành viên triển khai các hoạt động giữ gìn, lưu trữ và phát huy truyền thống văn hóa, trong đó có việc số hóa.

Có thể thấy, thời gian qua, công tác lưu giữ, bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa truyền thống được EVN và các đơn vị đặc biệt chú trọng. EVN đã đạt được nhiều thành công từ phương diện lịch sử và văn hóa có giá trị không chỉ trong phạm vi ngành mà còn ở mức độ quốc gia. Điển hình, Tập đoàn hoàn thành công trình nghiên cứu và tổng kết thực tiễn có giá trị lịch sử và văn hóa: “Điện lực Việt Nam - Quá trình phát triển”. Đây là một ấn phẩm đồ sộ, gồm 2 tập, tái hiện toàn bộ quá trình 125 năm kể từ khi điện xuất hiện tại nước ta và trọng tâm là 65 năm hào hùng của ngành Điện lực Việt Nam (1954 - 2019). Tập đoàn cũng đã khánh thành và đưa vào sử dụng Nhà truyền thống của ngành Điện lực như một bảo tàng chuyên ngành. Đáng chú ý, là EVN đã số hóa hoạt động Nhà truyền thống khi thành lập và đưa vào vận hành Nhà truyền thống điện tử, với hàng trăm hiện vật, thông tin đã được số hóa.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc ứng dụng các công nghệ mới để ảo hóa Nhà truyền thống của ngành Điện vẫn còn hạn chế. Dù đã có những bước tiến, nhưng Nhà truyền thống điện tử của EVN trình bày còn khá đơn giản, chủ yếu bằng chữ và hình ảnh 2D; hiện vật trưng bày so với phiên bản thực, công nghệ 3D và thực tế ảo còn ít, chất lượng trải nghiệm cho người dùng còn hạn chế. Chính vì vậy, việc thu hút CBCNV, đối tác, du khách đến tham quan còn hạn chế.

Phải nhìn nhận rằng, chuyển đổi số các giá trị truyền thống là thách thức không nhỏ của EVN nói riêng, các doanh nghiệp, các bảo tàng nói chung. Đó là bài toán cả về vấn đề chi phí, công nghệ, trang thiết bị, đặc biệt là phải đảm bảo được các yếu tố về giá trị tư liệu - số hóa không chỉ thực hiện đơn thuần với những tư liệu thô mà là tích hợp toàn bộ những tư liệu, kết quả nghiên cứu về mỗi hiện vật từ trước đến nay…

Vì vậy, công việc bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa của EVN trong quá trình chuyển đổi số, theo tôi, cần chú ý một số điểm mới sau đây:

Một là, chuyển đổi số cần bắt đầu từ sự thay đổi nhận thức, tư duy và thói quen về bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống. Trong đó, tầm nhìn, sự tiên phong và sự gương mẫu của người đứng đầu và các cấp lãnh đạo của EVN có vai trò quyết định tới sự thành công. “Cẩm nang về Chuyển đổi số” do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành đã tổng kết: Nhận thức, tư duy chiếm tới 70% thành công của quá trình chuyển đổi số, công nghệ chỉ chiếm khoảng 30%. Tư duy, các giá trị của DN được tổng kết, ghi nhận trong bộ văn hóa DN của nó. EVN cần số hóa Nhà truyền thống của ngành một cách đồng bộ, sát thực, với các công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm và sự trải nghiệm của người dùng.

Hai là, chuyển đổi số cần gắn liền với sự đổi mới sáng tạo trong hoạt động, nghiên cứu, đào tạo, truyền thông, phát triển văn hóa DN và thương hiệu của EVN… Nó tạo ra các phương tiện và điều kiện thuận lợi cho cán bộ, nhân viên của EVN ở mọi nơi, mọi lúc vẫn có thể truy nhập dữ liệu phong phú, đọc bộ sách sử hoặc “tham quan” Nhà truyền thống của ngành Điện. EVN cũng cần cung cấp thông tin, truyền thông, lan tỏa những tấm gương, câu chuyện về xây dựng niềm tin và văn hóa DN trên môi trường số ra bên ngoài xã hội. Nếu chúng ta đã đầu tư nhiều công sức để tạo ra tài sản quý thì cần tích cực chia sẻ để mọi người hiểu và chia sẻ lại với chúng ta nhiều hơn.

Ngoại trừ những thông tin, dữ liệu cần giữ bí mật, EVN nên phát triển cơ sở dữ liệu số hóa và mở rộng cửa đón các đối tác, các nhà khoa học, sinh viên… và người dân tham quan, khai thác thông tin, thực hiện việc nghiên cứu, khám phá, trải nghiệm với ngành Điện… Trước hết, cần quảng bá nhiều hơn về Nhà truyền thống ngành Điện nói chung, Nhà truyền thống điện tử nói riêng.

Ba là, phát triển DN số cần có văn hóa số và đội ngũ CBCNV có tư duy và kỹ năng số. Do đó, đội ngũ cán bộ phụ trách về lĩnh vực văn hóa, truyền thống nói riêng, toàn thể CBCNV nói chung cũng phải chuyển đổi số mạnh mẽ, để tạo ra phương thức và nhiều phương tiện trong việc lan tỏa giá trị truyền thống văn hóa của EVN trên các nền tảng số. EVN cần áp dụng các công nghệ nâng cao sự trải nghiệm người dùng để thế giới số gần với thế giới thực và đạt chất lượng, hiệu quả cao nhất.

Tin rằng EVN tiếp tục phát triển và hoàn thiện cơ sở dữ liệu và các thiết chế văn hóa về ngành Điện của Việt Nam có tính cập nhật, mở và an toàn, trong đó mọi người có thể học tập, nghiên cứu, trải nghiệm được các công trình phát điện, truyền tải điện, dịch vụ khách hàng… Kho dữ liệu từ truyền thống đến hiện đại đó có thể giúp chúng ta dẫu ở đâu, khi nào vẫn có thể khai thác và làm tốt công tác nghiên cứu, đào tạo, truyền thông… về truyền thống của EVN cũng như ngành Điện Việt Nam.


  • 18/12/2021 09:53
  • Theo Tạp chí Điện lực Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 10092