CBCNV các nhà máy nhiệt điện thời chống Mỹ đã giữ nguồn điện như thế nào?

Trong thời kỳ chống Mỹ, CBCNV các nhà máy điện đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, gian khổ để giữ dòng điện không bao giờ tắt. Mồ hôi, máu và nước mắt đã đổ xuống…

Mỗi người làm việc bằng hai

Nhà máy điện Việt Trì là một trong những đứa con đầu lòng của ngành Điện Việt Nam được xây dựng năm 1959, tại Khu công nghiệp Việt Trì. Dây chuyền thiết bị chủ yếu là của Liên Xô và Trung Quốc, sử dụng nhiên liệu than với công nghệ ngưng hơi thuần túy. Ông Lê Nhân Vĩnh - Nguyên kỹ sư chính Nhà máy nhớ lại, giai đoạn đầu, công suất phát điện của Nhà máy chỉ đạt khoảng 3.000-4.500 kW. Đến năm 1963, Nhà máy đã huy động thêm 3 tổ máy, nâng sản lượng điện lên hơn 63,5 triệu kWh/năm, đảm bảo cung cấp đủ điện, hơi nóng, nước nóng cho các nhà máy nằm trong Khu công nghiệp Việt Trì và cung cấp điện cho tỉnh Vĩnh Phú, một phần Đồng bằng Trung du Bắc bộ.

 “Hơn 800 CBCNV Nhà máy phải làm việc trong điều kiện hết sức khắc nghiệt, luôn phải tiếp xúc với thiết bị có vòng quay lên tới 3.000 vòng/phút, tiếng ồn lớn, lò hơi, đường ống dẫn hơi nóng, dẫn nước nóng đều có nhiệt độ cao và áp suất lớn” - Ông Lê Nhân Vĩnh kể lại.

Cùng thời điểm đó, CBCNV trên công trường Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí phải chạy đua với thời gian, vừa thiết kế, vừa thi công do nguồn vật tư, thiết bị do Liên Xô tài trợ gửi sang chậm, thiếu đồng bộ. Tuy gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng CBCNV Nhà máy với tinh thần “mỗi người làm việc bằng hai” đã phấn đấu đưa vào vận hành ổn định 3 lò hơi và một số tổ máy phát điện đạt sản lượng 100,5 triệu kWh/năm, đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất, đời sống của nhân dân.

Máy tua bin số 3 của Nhà máy điện Việt Trì đưa vào vận hành an toàn năm 1962 - Ảnh tư liệu

Giữ nguồn điện trong mưa bom

Khi giặc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, những vùng kinh tế trọng điểm, khu công nghiệp phải hứng chịu những trận bom hết sức khốc liệt của máy bay Mỹ. Nhiệm vụ của các Nhà máy điện lúc này là đảm bảo cung cấp điện cho sản xuất, đồng thời, sẵn sàng chiến đấu, giữ cho “dòng điện không bao giờ tắt”.

Ông Trần Văn Ngạch - Thư ký Công đoàn Nhà máy điện Việt Trì nhớ lại: “Nhà máy điện được coi là “trái tim” của Khu Công nghiệp Việt Trì. CBCNV đã chủ động, sẵn sàng mọi phương án đảm bảo cho sản xuất điện, giảm thiệt hại về người và thiết bị khi máy bay Mỹ ném bom đánh phá. Hơn 3.000 mét đường giao thông hào, 800 m3 đê phòng không được đắp bằng xỉ than trộn với xi măng, che chắn cho những gian lò, gian máy. Công nhân Nhà máy đã làm được những việc phi thường như di chuyển thiết bị, hệ thống điều khiển xuống hầm cáp chỉ trong vòng 3 ngày đêm, tổ chức gánh than vào lò, thay cho hệ thống băng chuyền bị phá hủy…”

Tại Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí, CBCNV đã đào hàng ngàn mét giao thông hào và dựng nhiều hầm trú ẩn chữ A trong khu vực Nhà máy, dọc các tuyến đường vào Nhà máy, đường tàu vận chuyển than, khu tập thể... đồng thời sơ tán những thiết bị, tài liệu quan trọng ra khu vực xung quanh.

Việc đảm bảo dòng điện liên tục là một “bài toán” khó. Trong mưa bom, CBCNV các Nhà máy điện: Việt Trì, Uông Bí, Vinh, Yên Phụ… đã tổ chức sản xuất theo chế độ 3 ca 4 kíp (trực sản xuất 24/24h). Ông Lê Văn Chất - Nguyên công nhân Nhà máy điện Việt Trì, đã 77 tuổi, nhưng vẫn không quên: “Từng ca sản xuất, từng tổ đội đều được xác định rõ nhiệm vụ và hiệu lệnh: Địch đánh các mục tiêu xa, Nhà máy vẫn sản xuất bình thường. Địch đánh vào Nhà máy, khi có tiếng súng cao xạ kèm theo hiệu lệnh của Giám đốc và người chỉ huy trực tiếp mới được rời vị trí làm việc, đi vào hầm trú ẩn”… Các bếp ăn ở những khu sơ tán đã cố gắng nâng cao chất lượng bữa ăn, đảm bảo đưa cơm nóng, canh nóng, mang vào tận Nhà máy phục vụ chu đáo, tận tình. 

Những sáng kiến chỉ có trong thời chiến

Khẩu hiệu: “Tổ quốc cần điện như cơ thể cần máu”; “Địch đánh ta phục hồi, địch lại đánh ta lại phục hồi” đã ăn sâu vào tiềm thức CBCNV các nhà máy điện, hun đúc thành ý chí chiến đấu và nghị lực phi thường trong những thời khắc cam go, ác liệt nhất. Thực tế, nhiều nhà máy điện đã bị bom đạn giặc Mỹ tàn phá tan hoang như các Nhà máy điện: Cửa Cấm, Thượng Lý, Uông Bí, Việt Trì, Thái Nguyên, Yên Phụ… Trong điều kiện đó, nhiều sáng kiến đã ra đời. Để tránh thương vong, Nhà máy Nhiệt điện Thái Nguyên đã làm ống trượt chui vào hầm trú ẩn nhằm “thoát nhanh” khi có máy bay địch ném bom. Sáng kiến này đã được áp dụng ở nhiều nhà máy điện trong suốt cuộc chiến tranh chống máy bay Mỹ. Khi trạm bơm tuần hoàn Nhà máy điện Việt Trì bị phá hỏng, CBCNV đã tự thiết kế, lắp đặt trạm bơm số 2 cách đó khoảng 800m, rút ngắn thời gian phục hồi và hạn chế phạm vi đánh phá của máy bay địch. Để thay thế cột điện bị bom đạn tàn phá, Nhà máy đã dùng thân cây cọ làm cột điện (được tẩm thuốc chống mục), góp phần đưa điện về phục vụ kịp thời cho sản xuất và đời sống của nhân dân.

Trong hồi ký “Sáng mãi niềm tin” của ông Vũ Hiền - Nguyên Giám đốc Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí viết: “Đường khói ngầm khiến cho máy bay Mỹ tưởng Nhà máy đã chết. Chúng không thể hình dung nổi dưới đống đổ nát, hoang tàn, Nhà máy vẫn phát điện, trái tim của hệ thống điện miền Bắc vẫn đập với sức sống diệu kỳ. Công trình “ống khói ngầm” là niềm tự hào của CBCNV Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí”. Với sự quyết tâm, lòng quả cảm và những sáng kiến đặc biệt, bom Mỹ cứ dội, sản lượng điện vẫn cứ tăng vượt kế hoạch, đúng với tinh thần “trái tim người thợ điện có thể ngừng đập, nhưng dòng điện không bao giờ tắt”. 


  • 09/08/2019 08:10
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 9115