Các chuyên gia đánh giá cao EVN chủ động cung cấp thông tin về tình hình vận hành hệ thống điện

Chiều 4/5, tại Hà Nội, ông Trần Đình Nhân - Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam chủ trì buổi làm việc với các chuyên gia kinh tế, chuyên gia năng lượng, chuyên gia môi trường về tình hình vận hành hệ thống điện năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025. Sự phát triển “bùng nổ” của năng lượng tái tạo là một trong những vấn đề được tập trung trao đổi tại buổi làm việc.

Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân (đứng) thông tin về tình hình vận hành hệ thống điện tại buổi làm việc

Vấn đề nguồn năng lượng tái tạo tăng cao trong thời gian qua đã gây khó khăn cho việc duy trì sự ổn định trong vận hành hệ thống điện. Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đức Ninh – Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (NLDC) cho biết, dù nguồn năng lượng tái tạo đến hết năm 2020 đạt gần 20.000MW, chiếm tỉ trọng công suất khoảng 30% toàn hệ thống điện nhưng sản lượng lại chỉ chiếm khoảng 12% toàn hệ thống. Bên cạnh đó, hàng loạt khó khăn, vướng mắc được NLDC chỉ ra như: dự báo công suất phát điện mặt trời, điện gió có sai số lớn do đặc tính bất ổn định của loại nguồn này, hay phụ tải chênh lệch giữa giờ cao điểm và thấp điểm lớn, hoặc nguồn năng lượng tái tạo được ưu tiên huy động nhưng NLDC vẫn phải đảm bảo vận hành thị trường điện,...

Chia sẻ tại buổi làm việc, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan - Nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam cho hay, bà hiểu được những khó khăn của ngành Điện đang phải đối mặt, nhất là khi tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo tăng cao trong hệ thống điện như hiện nay. Chuyên gia Phạm Chi Lan khẳng định: “Rõ ràng, EVN đã cho thấy sự nỗ lực và vai trò rất lớn của mình trong thời gian qua để đảm bảo vận hành hệ thống điện". 

Bà Phạm Chi Lan bày tỏ quan ngại về việc một số dự án điện mặt trời do tư nhân đầu tư hiện đang có sự mua bán, chuyển nhượng dự án cho chủ đầu tư khác. Điều này có thể gây ảnh hưởng đến an ninh năng lượng, cũng như an ninh quốc phòng. Chuyên gia Phạm Chi Lan nêu kiến nghị, Nhà nước cần có sự kiểm soát chặt chẽ đối với những dự án năng lượng tái tạo có quy mô tương đối lớn, nhất là ở những khu vực nhạy cảm về an ninh quốc phòng.

TS. Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương hoan nghênh EVN đã làm rõ được rất nhiều vấn đề mà các chuyên gia còn thắc mắc. Ông cho rằng, cần thiết phải sử dụng công cụ chính sách để điều tiết giá điện giữa giờ thấp điểm và giờ cao điểm, nhằm khuyến khích sử dụng điện vào giờ thấp điểm.

Chuyên gia Lê Đăng Doanh đánh giá cao sự cầu thị của EVN

Theo TS. Nguyễn Tiến Thỏa - Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, công tác điều hành, vận hành hệ thống điện đang gặp những khó khăn, trong đó có những khó khăn đến từ cơ chế, chính sách. Vì vậy, cần phải có một đánh giá về những vướng mắc này để xã hội hiểu hơn về hoạt động của EVN; đồng thời kiến nghị với Nhà nước, các Bộ, ngành kịp thời tháo gỡ, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng trong mọi tình huống.

Cũng theo TS. Nguyễn Tiến Thỏa, hàng năm, EVN cũng đã chủ động tính toán kịch bản cung ứng điện. Sự chủ động này là rất cần thiết. Ông cũng cảm thấy an tâm với tính toán cho thấy việc cung ứng điện trong giai đoạn 2021-2025 sẽ được đảm bảo. 

Chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa đánh giá cao sự chủ động của EVN trong việc tính toán các kịch bản cung ứng điện

Tại buổi làm việc, các chuyên gia năng lượng, chuyên gia kinh tế cũng dành nhiều thời gian trao đổi những vấn đề về quy hoạch điện; phát triển nguồn năng lượng gió, LNG; đầu tư pin tích trữ năng lượng; việc tiêu thụ tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện; cơ chế giá điện; đồng bộ lưới điện truyền tải với nguồn điện; an ninh năng lượng gắn với an ninh quốc phòng,… Những vấn đề nằm trong thẩm quyền của EVN đều được lãnh đạo Tập đoàn, các Ban chuyên môn của Tập đoàn trả lời cụ thể.

Cầu thị để thực hiện tốt nhiệm vụ hơn nữa

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trần Đình Nhân – Tổng Giám đốc EVN cho hay, năm 2020, dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng toàn Tập đoàn đã nỗ lực đảm bảo cung ứng điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội và đời sống của nhân dân. 

Tổng điện năng tiêu thụ năm 2020 là 217 tỷ kWh, tăng 3,42% so với năm trước đó. Tính riêng 4 tháng đầu năm 2021, sản lượng điện thương phẩm cả nước đạt 71 tỷ kWh, tăng 6,74% so với cùng kỳ năm 2020. Lãnh đạo EVN cho hay, đây là mức tăng trưởng thấp so với những năm trước (trung bình 9-10%/năm). Thực tế, nhu cầu điện tăng trưởng thấp do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng nguồn điện lại tăng đột biến trong 2 năm vừa qua, khi các nhà đầu tư đã hưởng ứng tích cực các cơ chế, chính sách phát triển năng lượng tái tạo của Chính phủ.

Thời gian qua, để vận hành hệ thống điện, thị trường điện đảm bảo an toàn, liên tục và kinh tế, EVN luôn tuân thủ các Thông tư, quy định của Nhà nước, các Bộ, ngành, với ưu tiên cao nhất là đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, duy trì sự ổn định của hệ thống điện. Tập đoàn cũng đã nỗ lực điều hành để tổng chi phí sản xuất toàn hệ thống ở mức thấp nhất. 

Tổng Giám đốc EVN cũng khẳng định, việc tiết giảm nguồn năng lượng tái tạo cũng như các loại nguồn khác trong thời gian qua là tình trạng khách quan, không mong muốn. Là doanh nghiệp Nhà nước được giao vai trò trọng yếu trong việc đảm bảo điện cho quốc gia, EVN sẽ nỗ lực tối đa để đảm bảo vận hành hệ thống điện an toàn, tin cậy và liên tục. EVN mong muốn nhận được sự quan tâm, chia sẻ, ủng hộ của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp sử dụng điện, các nhà đầu tư, các thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động Điện lực. Tập đoàn luôn luôn lắng nghe, tiếp thu các ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà báo với tình thần cầu thị để Tập đoàn và các đơn vị thành viên ngày càng thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao phó.


  • 04/05/2021 06:56
  • P.Thảo - Ngọc Tuấn
  • 6454